Chuyện tiếp về 4 thầy trò ở Sóc Trăng dự thi tại Thụy Điển

(Dân trí) - Đã có đơn vị tài trợ cho 4 thầy trò Trường THPT An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, Sóc Trăng lên đường sang Thụy Điển dự thi. Tuy nhiên niềm vui vẫn chưa thể trọn vẹn khi mọi chuyện vẫn còn phải trông chờ vào kết quả làm thủ tục visa.

Gặp chúng tôi vào lúc khoảng hơn 11h trưa nay 17/8 tại khu nhà nghỉ khách sạn Công Đoàn, thầy Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ: “Từ lúc ra Hà Nội đến giờ cả thầy lẫn trò đều rất bận rộn làm việc cùng với Ban tổ chức cuộc thi để tiến hành các thủ tục làm visa. Tuy nhiên do thời gian khá gấp rút nên việc làm visa rất khó khăn. Mặc dù Ban tổ chức đã nhờ Bộ Ngoại giao can thiệp nhưng mọi chuyện vẫn phải chờ đợi đến 9h sáng ngày mai (18/8)”.

Trong căn phòng nhỏ, 3 cậu học trò Lý Công Hiển, Nguyễn Trí Hải, Nguyễn Thanh Liêm đang túm tụm trao đổi, thấy có khách ghé thăm lễ phép đứng lên chào hỏi. Trên gương mặt các em xen lẫn niềm vui là một tâm trạng lo lắng khó tả.
 
Chuyện tiếp về 4 thầy trò ở Sóc Trăng dự thi tại Thụy Điển - 1

Mặc dù đã có nguồn tài trợ nhưng để được tham dự kì thi ở Thụy Điển thầy trò Nguyễn Ngọc Hải vẫn phải cần thêm sự "may mắn".

Nguyễn Thanh Liêm, thành viên có vẻ mạnh dạn nhất nhóm cho hay: “Tối 15/8, nghe thầy thông báo mà em không tin, cứ tưởng đang nằm mơ. Đến sáng hôm sau thầy thông báo cả nhóm chuẩn bị ra Hà Nội làm thủ tục để đi dự thi ở Thụy Điển lúc đó mới biết mình không nằm mơ”.

Tiếp lời cậu học trò của mình, thầy Hải cho biết: “Sau chuyến đi đầu tiên ra Hà Nội làm thủ tục không thành nên thầy trò cũng khá lo lắng bởi khoản vay mượn cho chuyến đi lần trước vẫn chưa chi trả xong. Chính vì thế khi chú Phan Huy (Trưởng văn phòng đại diện Cần Thơ của báo Dân trí - PV) gọi điện để hỏi han tình hình, tôi cũng trình bày thật. Trước sự lo lắng của thầy và trò, chú Phan Huy đã phải liên hệ trực tiếp với lãnh đạo địa phương đề tìm cách tháo gỡ bằng cách phải tạm ứng tiền để kịp ra Hà Nội để làm thủ tục”.

“Sau khi thầy trò lên đến Cần Thơ, chú Phan Huy nhất quyết mời chúng tôi ăn bữa cơm với gia đình rồi mới cho đi. Lúc đó cảm giác chúng tôi rất khó tả, ai cũng vui vì được rất nhiều người quan tâm” - thầy Hải bộc bạch.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay sau khi nhận được thông tin có nguồn tài trợ, thầy Hải đã liên hệ trực tiếp với Ban tổ chức cuộc thi để báo cáo tình hình tìm hướng giải quyết. Bởi cách đây hơn nửa tháng, 4 thầy trò cũng háo hứng ra Hà Nội để làm thủ tục nhưng vừa đặt chân đến sân bay Nội Bài lại nhận được thông tin do sự cố nên không thể có khoản tài trợ đã dự tính trước đó. Lúc đó tâm trạng thầy trò hụt hẫng nhưng vẫn phải động viên nhau với tâm nguyện “mình không may mắn”. Sau sự cố đó, Ban tổ chức cuộc thi trong nước cũng đã liên hệ với Thụy Điển để thông báo về việc đoàn Việt Nam sẽ không thể đến tham dự được.

Trước sự thay đổi đột ngột ở phút chót, Ban tổ chức lại gấp rút thông báo lại với nước bạn là chúng ta sẽ tiếp tục tham dự. Đồng thời yêu cầu 4 thầy trò gấp rút ra Hà Nội để kịp làm thủ tục visa. Tuy nhiên mãi đến tận 6h tối ngày 16/8 thầy trò Nguyễn Ngọc Hải mới có mặt ở Hà Nội và sáng nay (17/8) cả đoàn cùng với Ban tổ chức mới đến làm việc trực tiếp với Đại sứ quán Thụy Điển.

Theo lời một thành viên của Ban tổ chức thì hiện nay việc có làm thủ tục visa hay không vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Theo quy định của Thụy Điển thì để làm visa phải mất khoảng 15 ngày, trong khi đó thầy trò Nguyễn Ngọc Hải chỉ còn khoảng thời gian rất ngắn vì 20/8 đoàn phải có mặt ở Thụy Điển và 21/8 sẽ chính thức dự thi.

Cũng theo lời thành viên này thì Ban tổ chức đã nỗ lực hết mình, thậm chí còn nhờ tác động của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên mọi việc vẫn phải chờ đợi…

Chuyện tiếp về 4 thầy trò ở Sóc Trăng dự thi tại Thụy Điển - 2

Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước lần thứ 8.

Vào năm 2003 cuộc thi về Môi trường có tên là Cuộc thi Quốc gia về việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước chính thức được tổ chức. Đây là cuộc thi do báo Khoa học và Đời sống, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ GD-ĐT, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tài trợ của quỹ SIDA của Thụy Điển. Tuy nhiên sau quỹ SIDA không còn tài trợ nữa thì báo Khoa học và Đời sống đã rút lui.

Với mục đích duy trì sân chơi cho học sinh phổ thông nên Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tiếp tục đứng ra tổ chức cuộc thi. Trong năm đầu Hội này đứng ra tổ chức thì quỹ SIDA tiếp tục hỗ trợ chi phí, sau đó khi quỹ này thôi không hỗ trợ thì tập đoàn Canon có đứng ra kêu gọi ủng hộ tổ chức cho năm sau đó. Những năm gần đây gần như Hội không nhận được sự tài trợ của tổ chức nào nên khi có thư mời các em đạt giải nhất tham dự cuộc thi quốc tế bản thân Hội phải “loay hoay” đủ mọi cách để đi tìm nguồn tài trợ cho các em.
 
Chia sẻ với Dân trí chiều ngày 17/8, ông Phùng Quang Chính - thành viên Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: “Đây không phải là một cuộc thi giống kì thi quốc gia hay quốc tế. Mục đích của cuộc thi này là nâng cao nhận thức về môi trường của cộng đồng, ngoài ra tạo niềm say mê nghiên cứu khoa học của các em HS ngay ở cấp học THPT. Từ trước đến nay Ban tổ chức không có tiền lệ tổ chức đưa các em đi dự thi quốc tế mà ở đây mình tổ chức cuộc thi dưới hình thức mang tính quốc gia sau đó gửi bài thi xuất sắc sang nước bạn, không chỉ có chúng ta mà nhiều nước khác cũng gửi bài sang. Đối với nước bạn thì người ta coi đây là một sân chơi nên gửi thư mời các nước có gửi bài dự thi sang để cho các em có cơ hội được giao lưu, trình bày ý tưởng của mình. Đối với những gia đình có điều kiện thì người ta coi đây như là một cuộc giao lưu nên sẵn sàng bỏ tiền để cho con cái họ được đi, còn chúng ta thì chưa có được điều đó nên phải trông chờ vào nguồn tài trợ”.
Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm