Thầy trò Nguyễn Ngọc Hải được người Việt tại Thụy Điển hỗ trợ nhiệt tình

(Dân trí)- Tại Thụy Điển, thầy trò Nguyễn Ngọc Hải được các sinh viên Việt Nam tại Stockholm hỗ trợ nhiều việc từ chuẩn bị báo cáo đến dịch thuật. Trước đó, khi từ Thái Lan sang Thụy Điển, thầy trò lại may mắn được cô Phan Hoàng Sâm (người Việt định cư tại Thụy Điển) giúp đỡ….

Thầy Nguyễn Ngọc Hải, giáo viên Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, Sóc Trăng), tiếp tục chia sẻ với chúng tôi về hành trình đi Thụy Điển dự cuộc thi môi trường quốc tế của 4 thầy trò.

Đúng 21 giờ 20 ngày 20/8, đoàn đến Thái Lan. Phải ở đây chờ đến 0 giờ 50 ngày 21/8 mới bắt đầu sang Thụy Điển.

Với các em thì thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng mới nhất là cả ba em thích đi trên những dải thang băng chuyền thật dài. Trang phục các em khi đi là mặc áo phông màu đỏ có ngôi sao vàng nên rất dễ nhận ra đây là đoàn học sinh Việt Nam.

0 giờ 30 sáng 21/8, thầy trò đi từ tầng 2 xuống để làm thủ tục sang Thụy Điển. Tất cả đều bất ngờ khi có một người phụ nữ đi cùng hai cháu bé có mái tóc vàng, sống mũi cao, mắt xanh rất dễ thương đi lại hỏi thầy Hải: “Có phải đoàn của thầy giáo Hải ở Sóc Trăng không ạ?”.

Thầy Hải rất ngạc nhiên, chưa kịp trả lời thì cô ấy tiếp: “Tôi đưa các cháu về quê nghỉ hè, tôi theo dõi báo Dân trí nên biết sự việc này, gia đình tôi định cư ở Stockholm từ năm 1997. Lúc nãy tôi thấy có một em mặc áo phông màu cờ của Viêt Nam, trong lòng tôi có linh tính là sẽ gặp được cả đoàn vì chuyến bay sang Stockkholm chỉ có chuyến bay tối này thôi ”.

Người phụ nữ ấy giới thiệu tên là Phan Hoàng Sâm. Cô chia sẻ những cảm nhận của cô khi thấy gặp được cả đoàn sang Stockholm trong nước mắt. Cô hỏi xem cả đoàn có nhờ cô giúp gì không. Cả đoàn đang rất hồi hộp vì không rõ khi sang Stockholm phải mất thời gian bao lâu thì mới đến được địa điểm cuộc thi và đi bằng cách nào. Vì đúng 8 giờ 30 ngày hôm sau là bước vào cuộc thi, không biết đến trễ có vấn đề gì không... Cô Sâm bảo khi sang bên ấy ai lấy hành lý ra trước thì đứng chờ ở cổng. Thế là cả đoàn rất mừng và bước vào làm thủ tục.

Đúng 1 giờ 10 ngày 21/8, máy bay từ Thái Lan cất cánh sang Stockholm, Thụy Điển trong chuyến bay 10 tiếng.

7 giờ 10 đoàn đến Stockholm, phải mất hơn 15 phút nhận hành lý và mất thêm 15 phút làm thủ tục nhập cảnh cho người nước ngoài. Cô Sâm đã hoàn tất thủ tục từ bao giờ vì cô có quốc tịch ở Thụy Điển. Khi đoàn ra đến cổng đã thấy cô chờ sẵn. Người nhà đến đón cô. Cô nói dăm ba câu bằng tiếng Thụy Điển với chồng rồi để anh ở lại với mọi người, còn cô tất bật chạy sang tìm một taxi 7 chỗ. Lúc này nhiệt độ khoảng 16oC, trời tương đối lạnh. Giá taxi ở đây rất cao, để giúp các đoàn đến kịp giờ phỏng vấn, cô yêu cầu mang tất cả hành lý về nhà cô để vào cuộc thi ngay. Không những thế, cô còn đi chung với mấy thầy trò, để chồng cùng các con khệ nệ sắp xếp hành lý và lái xe về sau. Thời gian còn quá ngắn, cô yêu cầu tài xế chạy thật nhanh. Trên đường đi cô liên tục gọi điện đến ban tổ chức để thông báo đoàn VN đến trễ. Cô lại trả tiền taxi cho cả đoàn, với số tiền Thụy Điển ước tính gần 3 triệu đồng.

Về nhà cô Sâm, các em cùng mọi người thay trang phục. Khi ấy chồng chị cô Sâm vừa về đến. Vậy là anh lái xe đưa mọi người đến nơi tổ chức cuộc thi và không quên cho số điện thoại đề phòng bất trắc.

9 giờ thầy trò, thầy Hải vào làm thủ tục với BTC thì mới hay thầy Nhuệ đã gửi mail nhưng họ (BTC) không xem, nên tới thời điểm này đoàn VN không thể tham dự được, tất cả tưởng như chấm hết. Đoàn tiếp tục thương lượng. Cuối cùng BTC cũng cho tham gia nhưng không có chỗ ở cho các em học sinh vì hôm qua các đoàn đã đến và đã bố trí chỗ ở hoàn tất. Để tham dự Tuần lễ nước thế giới ở Stockholm, giáo viên đi kèm phải đóng thêm 7.000 kr (tiền Thụy Điển, tương đương 1150$) nhưng phải đóng bằng tiền Thụy Điển. Trong khi đó, nơi đổi tiền rất xa, còn nơi đổi tiền trong BTC thì đến 12 giờ mới làm việc. Thế là thầy Hải điện thoại báo cho cô Sâm nhằm nhờ chuyển khoản hay đi đổi giúp tiền (vì khi sang đây, Viettel đã đổi từ tiền Việt sang đô la Mỹ).

Năm phút sau cô Sâm cùng chồng lái xe đến, cả hai cùng trao đổi bằng tiếng Thụy Điển nên chấp nhận cho đóng bằng tiền đôla là 1150$.

Vì chỗ ở tại Thụy Điển của các em không có, Viettel lại tiếp tục can thiệp. Mọi người đang động viên các em chuẩn bị tốt tinh thần cho đợt phỏng vấn đầu tiên. Trước tình cảnh này, vợ chồng cô Sâm đề nghị mọi người về nhà vợ chồng cô ở cho đỡ tốn.

Cô Mai (nhân viên Viettel) lại tiếp tục với tài ngoại giao của mình. Trong khi mọi người tất bật cho chỗ ăn ở của các em thì các em chuẩn bị cho buổi thuyết trình. Nhìn các đoàn rất thông thạo về ngoại ngữ khi được phỏng vấn, cô Sâm lại lo vì sợ các em không truyền đạt ý tưởng hết của đề tài với ban giám khảo. Cô điện ngay cho một số sinh viên VN đến giúp. Người đến giúp các em là các SV Tuyết, Vân, Chi, Chinh, Đức, Tân, Hiếu, Đạt và nhiều người khác nữa. Cuộc phỏng vấn đầu tiên bắt đầu.

Sau đó BTC lại mời đoàn làm việc riêng vì sao lại có “nhân vật lạ” (SV Tuyết) xuất hiện và đoàn phải giải trình qua nhiều lần “hú vía”. Và cũng chính nhờ Tuyết nói tiếng Thụy Điển nên họ hiểu và lo cho các em chỗ ở đến sáng ngày 23/8. Cả đoàn thở phào và điện về VN báo cho cô Mai hồi phòng.

20 phút sau, nhóm học sinh VN lại tiếp tục tham gia phỏng vấn bởi nhóm giám khảo thứ hai.  Lần này việc chuẩn bị chu đáo hơn, nên mọi việc tương đối ổn. Hôm sau SV Tuyết không đến được, nhưng lại có một nữ sinh khác tên Chi đến hỗ trợ nhóm học sinh.

16 giờ 40 các em phải hòa nhập với các bạn quốc tế và đi theo đoàn học sinh. Từ sáng đến giờ các em mặc áo vest mang giày đen rất “vất vả” vì tất cả là đồ mướn nên cũng không vừa, vả lại mới mặc lần đầu nên không quen.

Trong khi đó, cô Sâm cứ điện liên tục xem đoàn có khó khăn gì. SV Chi lo chuyển tất cả hành lý của các em từ nhà cô Sâm sang khách sạn, và từ đây các em phải sinh hoạt theo các bạn nước khác.

17 giờ 10, cô Sâm cùng chồng lái xe đến đón thầy Hải và thầy Nhuệ cùng SV Chi về nhà. Sau đó, anh chồng cô Sâm chở Chi và các hành lý của các em đến khách sạn và giúp các em có một buổi giao lưu đầy ý  nghĩa. Trong buổi giao lưu, nhóm học sinh VN tặng các bạn quốc tế huy hiệu Đoàn và nói ý nghĩa của nó, trịnh trọng khi đeo huy hiệu cho các bạn quốc tế. Ý nghĩa của nội dung này được anh Trần Tâm Phương - con của bác Tâm (Bộ Quốc phòng ở Hà Nội) từ Canada dịch và gửi sang. Các gói Vinamit của VN mang sang là món “khoái khẩu” với các bạn quốc tế, nên trong tích tắc đã hết 25 bịch! Trong tiết mục giao lưu văn nghệ, các em học sinh của đoàn VN lên hát bài “Lý cây đa”, học sinh nước bạn dù không hiểu nhưng cũng vỗ tay theo thật rôm rả.

Trong khi chờ SV Chi mang hành lý cho các em thì cô Sâm mời thầy Hải và thầy Nhuệ một bữa cơm thật Hà Nội làm từ các nguyên liệu cô vừa mang sang từ VN. Bữa cơm do tự tay cô nấu, rất ngon và ấm cúng.

20 giờ, chồng cô Sâm về đến và 20 phút sau anh chở thầy Hải và thầy Nhuệ về khách sạn. Anh lại lo không rõ đến đó có “thuận bưồm xuôi gió” hay không nên bảo vợ cùng đi vì có gì cô sẽ làm thông dịch viên tiếng Thụy Điển sẽ thuận lợi hơn.

Đến khách sạn, cô Sâm vào làm thủ tục cho mấy thầy trò và còn hướng dẫn cách sử dụng thẻ từ trong thang máy cũng như đón xe công cộng cho đỡ tốn vì cả đoàn có thẻ đi miễn phí các phương tiện công cộng trong giai đoạn tham gia cuộc thi. Để tiện liên lạc với mọi người, nhất là các sinh viên, cô Sâm còn đưa cho thầy Hải một cái điện thoại sử dụng ở nhà cô. Thế là các đầu mối liên lạc đều thông suốt qua máy điện thoại này. 

Sáng ngày 22/8, cả đoàn vào dự buổi khai mạc. Các sinh viên VN đang chờ sẵn bên ngoài.

12 giờ 30 tất cả gặp nhau và trao đổi nhau về phương pháp báo cáo cho buổi cuối cùng hôm nay. Sau khi chép tài liệu của đoàn về, các sinh viên VN tại Thụy Điển tập trung lại để tìm cách giúp đoàn báo cáo cho thật thuyết phục và ấn tượng nhất cũng như truyền tải hết nội dung, cũng như đưa ra các tình huống câu hỏi mà BGK đưa ra. Lần này, có nữ sinh tên Vân đảm nhận việc dịch thuật. Gần đến giờ thi thì Vân bị hạ huyết áp, cả đoàn một phen hết hồn. Các sinh viên VN hay tin ngày càng đến nhiều nhưng BTC không cho vào vì quá tải… người VN vào hỗ trợ đoàn. Chi cùng một SV tên là Chinh tiếp tục đi ngoại giao và không hiểu Chi làm như thế nào mà tất cả đều vào được. Chinh đóng vai trò “nhiếp ảnh gia” cho cả đoàn. Ấn tượng nhất là cổ vũ cho đoàn không những có SV, thạc sĩ, tiến sĩ, mà còn có cà một cậu bé tên Nam chỉ có 10 tháng tuổi, con của một tiến sĩ người Việt theo cùng.

Trong buổi báo cáo hôm 22/8, ban giám khảo nghe thật say sưa và cũng là đợt giám khảo khó tính nhất. Cả đoàn thở phào nhẹ nhõm khi đó lúc 15 giờ 30. 

Các sinh viên hướng dẫn cả đoàn xem phim trong một cái lều bằng nhựa được thổi phồng. Vào xem mọi người phải nằm xuống. Thật vui và rất lạ, phim đưa mọi người về quá khứ và tương tai khi không có ý thức bảo vệ nguồn nước.

16 giờ ngày 22/8, các em phải theo đoàn đi cùng các bạn đi thăm một số cảnh đẹp của Thụy Điển. Các em hòa đồng với các bạn rất nhanh.

Lúc này, điện thoại của thầy Hải cứ reo liên tục vì các bạn sinh viên VN ở Thụy Điển truyền nhau rất nhanh và lo cho việc sinh hoạt của cả đoàn. Thầy Hải cho biết: “Tôi được biết cộng đồng người Việt ở Thụy Điển đang làm một điều “bí mật” cho mấy thầy trò chúng tôi một sự bất ngờ. Chúng tôi đang hồi hộp chờ xem…”.

Sau đây là một số ảnh do thầy Hải gửi về từ Thụy Điển:

Thầy trò Nguyễn Ngọc Hải được người Việt tại Thụy Điển hỗ trợ nhiệt tình - 1
Chụp ảnh lưu niệm với bạn bè.
 
Thầy trò Nguyễn Ngọc Hải được người Việt tại Thụy Điển hỗ trợ nhiệt tình - 2
Chụp ảnh với thành viên ban tổ chức cuộc thi. 
 
Thầy trò Nguyễn Ngọc Hải được người Việt tại Thụy Điển hỗ trợ nhiệt tình - 3
Tiếp xúc với bạn bè quốc tế.

Bạch Dương (lược ghi)