Chuyện học của gia đình nhà nho cuối cùng

Biết sự học là khổ nhưng GS Vũ Khiêu luôn dạy các thế hệ con cháu của mình cách sống lấy chữ “tri” làm trọng. Ông coi đó là lẽ sống của bậc chính nhân quân tử giữa đời, là mạch nguồn để neo giữ linh hồn dân tộc.

GS Vũ Khiêu
GS Vũ Khiêu.

 

Thờ chữ “Tri” để nhắc cháu con

 

Được người đương thời tôn xưng là “nhà nho cuối cùng” của Việt Nam, mùa xuân này, GS Vũ Khiêu (tên thật Đặng Vũ Khiêu) bước vào tuổi 98. Tôi gặp ông trên giường bệnh tại Bệnh viện Hữu Nghị, trông ông xanh xao vì phải nằm viện suốt hai tuần, nhưng cốt cách của một nhà trí thức lớn vẫn hiển hiện trong đôi mắt sáng, vầng trán cao của ông.

GS Vũ Khiêu được đích thân Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tặng một kỷ vật, biểu trưng đặc biệt chỉ dành cho những người hiểu biết uyên thâm về Khổng giáo. Những người bạn ngoại quốc vẫn gọi ông là “Lats Confucian” - nhà nho cuối cùng của Việt Nam.

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho giáo tại làng học nổi tiếng – làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định), ngay từ nhỏ GS Vũ Khiêu đã học thuộc lòng “tứ thư”, “ngũ kinh” từ người ông nội có tư tưởng kháng Pháp đã từ quan về làng mở trường dạy học. Sau này, GS Vũ Khiêu nghiên cứu về triết học, chịu ảnh hưởng của tinh thần Nho học của Trung Quốc là không quá chú trọng tới chuyện phú quý, công danh, quan tâm nhiều hơn tới cốt cách tinh thần.

 

Trong lịch sử Việt Nam, GS Vũ Khiêu đặc biệt ngưỡng mộ và cảm phục hai nhà văn hóa lớn là Nguyễn Trãi và Cao Bá Quát. Ông ngưỡng mộ cách sống trọng nhân cách, không chịu “cúi đầu” trước công danh, quyền lực của hai nhà trí thức lớn này.

 

Tư tưởng của hai nhà văn hóa này ảnh hưởng lớn đến cách sống của GS Vũ Khiêu – một đời sống thiên về tinh thần. Trong nhà ông treo trang trọng một chữ “Tri”, ở dưới đề câu nói của Khổng Tử: “Sinh nhi Tri, học nhi Tri, khốn nhi Tri” (con người sinh ra là để có tri thức, học hành cũng là vì cần có tri thức, rồi khốn khổ cũng là vì tri thức). GS Vũ Khiêu cho biết, ông treo chữ Tri trong nhà với tâm nguyện chấp nhận mọi khó khăn để vươn lên cùng với tri thức. Chữ “Tri” vừa là để răn mình, vừa là để dạy cháu con.

 

Bầu không khí học thuật

 

GS Vũ Khiêu có 4 người con, mỗi người đều để lại dấu ấn của mình ở những lĩnh vực khác nhau. Con gái cả của ông là Đặng Thị Quỳnh Khanh, là một cử nhân ngành sử học. Người con trai thứ hai Đặng Vũ Cảnh Khanh - Giáo sư, tiến sĩ ngành xã hội học. Người con thứ ba của GS Vũ Khiêu là Đặng Vũ Hạ, vốn là một kỹ sư vô tuyến điện và người con thứ tư là Đặng Vũ Hoa Thạch là họa sĩ.

 

Trong số 4 người con của GS Vũ Khiêu, nổi tiếng nhất là GS.TS Đặng Cảnh Khanh và vợ là GS.TS Lê Thị Quý. GS Đặng Cảnh Khanh (SN 1947) nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên và hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và phát triển.

 

GS.TS Lê Thị Quý - con dâu GS Vũ Khiêu - là nhà nghiên cứu đầu ngành về giới và gia đình, nổi tiếng với những cuốn sách bình đẳng giới, phong trào nữ quyền rất được nể trọng. Dù đã về hưu nhưng GS.TS Lê Thị Quý vẫn lao động không ngừng nghỉ, bà là Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, tham gia nhóm chuyên gia tư vấn về các vấn đề giới và gia đình cho Quốc hội…

 

Nói về không khí học thuật trong gia đình nhà chồng, GS Lê Thị Quý cho biết: Ngày mới về làm dâu, bà rất ngạc nhiên và cũng thích nhất là không khí học thuật mà GS Vũ Khiêu luôn tạo ra, cũng như mang về gia đình. Cụ sống bình dân nhưng rất quảng giao.

 

GS Vũ Khiêu hạnh phúc bên con cháu. (Ảnh: M.V)
GS Vũ Khiêu hạnh phúc bên con cháu. (Ảnh: M.V)

 

Cụ kết bạn và chơi thân thiết nhiều bậc văn hóa, trí thức nổi tiếng ngày trước như nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu, nhà thơ Hoàng Trung Thông, họa sĩ Văn Sáng, họa sĩ Mai Văn Hiến, họa sĩ Trọng Kiệm, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, đạo diễn cải lương Chi Lăng. Ông còn viết chung cả kịch với nhà thơ Lưu Trọng Lư. Trong giới khoa học, ông là bạn tâm giao với GS Trần Văn Giàu, nhà triết học Trần Đức Thảo, GS Trần Quốc Vượng, GS Nguyễn Hồng Phong, nghệ sĩ điện ảnh Pháp Hoàng Thị Thế (con gái của cụ Hoàng Hoa Thám với Bà Ba nổi tiếng).

 

GS Quý kể, vốn sẵn đam mê khoa học xã hội nên không khí học thuật giữa GS Vũ Khiêu và bạn bè đã trở thành nguồn cảm hứng cho sự nghiệp nghiên cứu của bà sau này. Thêm vào đó, ở trong căn nhà dù rất nhỏ hẹp nhưng dường như sách gì cũng có sẵn, chỉ sợ không đủ thời gian để đọc.

 

Đối với GS Đặng Cảnh Khanh thì không khí học thuật của gia đình đã ngấm từ bé. Mặc dù theo nghiệp cha để làm khoa học nhưng GS Đặng Cảnh Khanh lại đam mê hội họa, âm nhạc và văn chương. Ngồi kể chuyện với tôi, GS Đặng Cảnh Khanh vẫn nhớ như in hình ảnh cha mình cùng nhà thơ Hoàng Trung Thông ngồi nhắm rượu với lạc rang và viết thư pháp. Theo đánh giá của GS Khanh, nhà thơ Hoàng Trung Thông là nhà viết thư pháp đẹp nhất ở Việt Nam. Ông là người chịu ảnh hưởng của trường phái viết chữ thảo theo phong cách của Trương Húc và Hoài Tố ngày xưa, những “cuồng sĩ” Trung Hoa mà mỗi khi viết phải uống rượu thật say.

 

“Hai cụ là bạn rất thân. Mỗi lần đến nhà tôi chơi, đứng trước cửa, cắp một chai rượu nút lá chuối, nhà thơ lại gọi: “Khiêu ơi, rượu đến đây”. Cứ khi nào uống rượu say là Hoàng Trung Thông lại đòi cha tôi lấy giấy viết thư pháp. Hoàng Trung Thông hồi đó để tóc dài, mỗi lần uống rượu say mà ngồi viết thư pháp trông ông đẹp lắm, mặt đỏ, râu tóc dựng ngược. Tôi mê cái chất nghệ sĩ phóng khoáng nơi con người ông. Có lẽ vì thế mà tôi rất thích hội họa. Hồi học cấp 2, tôi đã thi vào Trung cấp Mỹ thuật nhưng bố tôi lại muốn tôi nối nghiệp khoa học nên tôi cũng đành theo. Tuy theo đuổi con đường khoa học nhưng tôi chưa bao giờ hết đam mê nghệ thuật”, GS Khanh nói.

 

Một người bạn khác của GS Vũ Khiêu cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất nghệ thuật trong con người của GS Đặng Cảnh Khanh là nhà văn Nguyễn Tuân. Khi nhỏ, mỗi lần đi ăn cùng với cha và nhà văn Nguyễn Tuân, ông thấy nhà văn thường vào tận bếp, chỉ dẫn cho đầu bếp cách nấu nướng. GS Khanh cho rằng, chính lối tư duy sâu sắc và cách viết của nhà văn Nguyễn Tuân đã ảnh hưởng nhiều đến ông, giúp ông có được một lối diễn đạt khoa học riêng, không khô cứng.

 

Dù theo nghiệp cha làm nghiên cứu khoa học nhưng GS Đặng Cảnh Khanh còn có “tài lẻ” riêng là đam mê hội họa, âm nhạc, văn chương. GS Khanh tiết lộ, ông “nhiễm” niềm đam mê nghệ thuật không phải từ cha mình, mà là từ những người bạn của cha, đó là phong cách nghệ sĩ của nhà thơ Hoàng Trung Thông, là sự tinh tế của nhà văn Nguyễn Tuân…

 

Mạch nguồn tuôn chảy

 

Tiếp nối mạch nguồn lấy chữ học làm trọng của cha ông, vợ chồng GS Đặng Cảnh Khanh và Lê Thị Quý đã rất quan tâm đến việc gìn giữ, phát triển, luôn coi tri thức làm trọng. Thế hệ thứ 3, thứ 4 của gia đình GS Vũ Khiêu vẫn giữ được đậm nét chất văn hóa gia đình nho học này.

 

Người con trai của GS Khanh là Đặng Vũ Cảnh Linh được bố mẹ và ông bà cho tiếp xúc với sách từ rất sớm. Những năm tháng tuổi thơ của Cảnh Linh được “bơi” giữa cơ man là sách. Đó là những năm 70, sau giải phóng miền Nam, GS Vũ Khiêu được lệnh vào miền Nam để thành lập và phát triển Viện Khoa học xã hội tại TP Hồ Chí Minh. Vợ chồng GS Cảnh Khanh và Lê Thị Quý cũng phải theo cụ vào đó.

 

“Sau giải phóng người ta lo kinh tế nhiều hơn nên sách vở tuồn hết ra vỉa hè bán như đồng nát. Cứ vào Chủ nhật, vợ chồng tôi lại vác bị ra vỉa hè đối diện với chợ Bến Thành để mua sách mang về xếp đầy nhà. Chúng tôi sung sướng lắm vì trên giá sách, trên bàn học, bàn ăn cơm, đầu giường ngủ…ở đâu cũng có sách, mà toàn là sách quý”, GS Quý kể.

 

Để bồi đắp niềm đam mê đọc sách ở con, vợ chồng GS Đặng Cảnh Khanh thường xuyên đọc sách cho con nghe. Lên 10 tuổi, Cảnh Linh đã thông thuộc sử ta và có lần nói với GS Trần Quốc Vượng: “Mẹ cháu không phải là nhà sử học mà chỉ là mẹ của nhà sử học thôi”. Lúc này, bà Quý đang học lấy bằng Tiến sỹ lịch sử ở Liên Xô (cũ), trước đó bà là học trò của thầy Vượng.

 

Lớn lên, nối nghiệp ông và bố, Cảnh Linh đi theo con đường nghiên cứu triết học. Đặng Vũ Cảnh Linh đang là Phó Trưởng ban phụ trách Ban thông tin và Phổ biến kiến thức (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam). Ngoài làm khoa học, anh còn làm thơ, đam mê âm nhạc giống bố. Anh vừa xuất bản một tập thơ và phát hành hai đĩa nhạc gồm các bài hát do chính mình sáng tác mang tên “Tia nắng đêm” và “Cơn mê trong nắng vàng”. Cảnh Linh cũng là người ham mê đọc Kinh dịch, được nhiều người nhận xét là một “nhà tử vi” có hạng.

 

GS Vũ Khiêu tâm sự, trong việc giáo dục con cháu, ông luôn đề cao sự tự do về tư tưởng, cảm xúc, không bao giờ ép buộc con cái phải tuân theo ý mình. Ông luôn đòi hỏi các con phải tự lập, sống bằng sức lao động của mình. “Là người phóng khoáng nhưng dường như không khi nào ông bao cấp cho con cái. Ông yêu cầu các con phải đi làm sớm, phải vừa học vừa làm, giao việc nghiên cứu để con có thu nhập chứ không cho tiền”, GS Khanh kể.                 

 

Ở tuổi 98, ít ai biết GS Vũ Khiêu vẫn miệt mài viết, dịch, nghiên cứu học thuật. Con cháu của ông vẫn tiếp tục được truyền lửa bằng sự lao động và học tập nghiêm túc, lấy tri thức là lẽ sống của cha ông để hoàn thiện mình. Tri thức là nguồn cội của văn hóa, văn hóa lại là linh hồn của dân tộc, vận hội của đất nước vì thế được thắp lửa bằng sự lao động học tập nghiêm túc từ những truyền thống quý báu gia đình.

 

Theo Mạc Vi

Gia đình & Xã hội