Chuyên gia: SGK Tiếng Việt 1 không dạy âm "P", không phải là biệt lệ!

Mỹ Hà

(Dân trí) - Tên riêng thông thường không dùng trong phần dạy phát triển vốn từ và thứ hai, âm P chỉ xuất hiện trong các từ mượn mà với học sinh lớp 1, không nên chọn dạy lớp từ này.

Trên đây là ý kiến PGS.TS Hoàng Dũng (ĐH Sư Phạm TP Hồ Chí Minh), một trong những chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu hiện nay, về tranh cãi SGK Tiếng Việt 1, bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" không dạy âm P độc lập , đang xôn xao dư luận những ngày gần đây.

Theo chuyên gia này, nếu giở trang 12, tập một của SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách Kết nối, có thể thấy ngay Bảng chữ cái Tiếng Việt, trong đó có đầy đủ 29 chữ cái của Tiếng Việt, theo đúng quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/6/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Nếu đọc kỹ hơn, có thể thấy SGK Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối không những có dạy chữ P cho học sinh, mà còn dạy nhiều lần qua ngữ liệu như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,… (trang 78, 118, 120, 124,… tập một)", chuyên gia ngôn ngữ này dẫn chứng.

Chuyên gia: SGK Tiếng Việt 1 không dạy âm P, không phải là biệt lệ! - 1

Chuyên gia ngôn ngữ cho rằng, cách xử lý ở SGK Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối không phải là biệt lệ (Ảnh: M.H).

Cũng theo PGS.TS Hoàng Dũng, thực ra vấn đề ở đây, SGK Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối dạy âm P (pờ) với tư cách âm đầu trong bài dạy âm PH (phờ), chứ không dạy tách riêng.

Vì sao lại như vậy? Có thể kể hai lý do: Thứ nhất, âm P có trong một số địa danh (Sa Pa, Pò Hèn), mà tên riêng thì thông thường không dùng trong phần dạy phát triển vốn từ.

Thứ hai, âm P chỉ xuất hiện trong các từ mượn chưa được Việt hóa (a-pa-tít, pít-tông, …), mà với học sinh lớp 1, mới chỉ đi học được 5-6 tuần, không nên chọn dạy lớp từ này", PGS.TS Hoàng Dũng lý giải.

Do vậy, chuyên gia ngôn ngữ này cho rằng, cách xử lý trên ở SGK Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối không phải là biệt lệ.

Và theo ông, sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo chương trình Tiếng Việt năm 2000 được sử dụng trong 20 năm qua cũng theo cách như vậy, thậm chí ngay sách "Em học vần" ở miền Nam trước năm 1975 cũng đúng như thế.

Chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS Hoàng Dũng cho rằng, đành rằng trong khoa học thường vẫn có tranh cãi và luôn có các ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, không nên quy kết một cách nặng nề quá mức như một số ý kiến gần đây.

Chuyên gia: SGK Tiếng Việt 1 không dạy âm P, không phải là biệt lệ! - 2

Học sinh lớp 1 trong giờ học (Ảnh: M. Hà).

Được biết trước đó, ông Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng) cho biết, sách giáo khoa Tiếng Việt 1, bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" có dạy chữ "P" khi nó kết hợp với H tạo thành PH đọc là "phờ" nhưng chưa dạy chữ "P" khi đứng trước các nguyên âm vì rất ít từ tiếng Việt có chữ P đứng trước các nguyên âm, nếu có thì là từ ngoại lai.

Chính vì thế, hiệu trưởng này đã viết thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Ngay sau đó, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ biên SGK Tiếng Việt 1 bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" trả lời báo chí khẳng định, bảng chữ cái trong SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối có đầy đủ 29 chữ cái theo quy định.

Đây là quy định "cứng", không có bất kỳ bộ SGK nào dám thay đổi và không có lý do gì để thay đổi. Ở nhiều bài học trong bộ sách này, học sinh được học và luyện viết chữ P qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen,… (trang 78, 118, 120, 124,… tập một).

Ở tập hai, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P không thể tính hết. Vì vậy, ý kiến cho rằng SGK Tiếng Việt 1, bộ Kết nối không dạy chữ P là hoàn toàn không có cơ sở.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm