Chuyện gia đình hai lần bán nhà để nuôi con vào ĐH

(Dân trí) - Xuất thân từ gia đình nông dân chân lấm tay bùn, vợ chồng bác Vũ Văn Thoa thấu hiểu được nỗi vất vả, nhọc nhằn của cảnh thiếu học. Vì vậy, dù hai lần phải bán nhà về ở trong túp lều tranh nhưng hai bác vẫn cho 4 người con học thành tài.

Theo sự giới thiệu của Hội Khuyến học xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), chúng tôi tìm về gia đình bác Vũ Văn Thoa (SN 1952) và Lê Thị Hạnh (SN 1957) ở thôn Văn Lâm, xã Quảng Văn để nghe về câu chuyện vượt khó cho con vào đại học của một gia đình nông dân.

Bán nhà vào ở lều tranh để lo cho con học ĐH

Bước vào gian nhà nhỏ được lợp bằng tôn nằm ngay ven đường lớn, trên tường là những bằng khen, giấy khen treo chằng chịt, chúng tôi thấy bác Hạnh đang loay hoay dọn dẹp gian hàng tạp hóa của hai vợ chồng, còn bác Thoa đang chăm sóc mấy cây ăn quả ngoài vườn. Nhìn thấy chúng tôi, hai bác liền dừng công việc rồi vào nhà tiếp chuyện.

Bác Vũ Văn Thoa sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, năm lên 2 tuổi thì bố bác hi sinh trong quá trình tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Một thời gian sau, mẹ bác quyết định đi bước nữa nên bác về ở với ông bà nội. Học đến lớp 7 thì ông nội qua đời, chàng trai trẻ Vũ Văn Thoa tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn 57 đóng ở Thanh Hóa.

13 năm 6 tháng sống trong quân ngũ, bác Thoa được chuyển tới nhiều đơn vị khác nhau như Vũng Tàu, Nha Trang... Năm 1985 bác Thoa trở về quê hương với cấp bậc Trung úy do hoàn cảnh gia đình không cho phép ở lại công tác.

Chuyện gia đình hai lần bán nhà để nuôi con vào ĐH - 1
Bác Thoa tự hào về những thành tích học tập của các con.
 
Lập gia đình với bác Lê Thị Hạnh rồi xin ra ở riêng nhưng không có một mảnh đất cắm rùi, sào ruộng để cấy, bác Thoa phải xin xã cấp cho mảnh đất làm túp lều tranh sống tạm bợ. Với ý chí của người lính, không bó tay trước số phận, bác Thoa lao vào làm kinh tế với đủ các nghề như làm loa đài, làm đậu phụ, làm miến bán... Tằn tiện từng đồng, hai bác cũng xây được ngôi nhà khang trang làm nơi sinh hoạt cho hai vợ chồng và 4 nguời con.

Lần lượt 4 người con của bác đều thi đậu vào các trường đại học dù khó khăn trăm bề. “Mừng ít nhưng lo thì nhiều, rồi đây không biết lấy đâu ra tiền cho mấy đứa con cùng học đại học một lúc. Thu nhập từ nghề làm miến lúc được lúc mất, thêm vài sào ruộng ông bà nội để lại chẳng được là bao. Không còn cách nào khác, vợ chồng tôi quyết định bán ngôi nhà mới xây, mua một căn nhà nhỏ hơn trong thôn để lấy tiền cho các con đi học”, bác Hạnh tâm sự.

Khi cậu con trai thứ 3, cậu con trai út cũng vào đại học, trong khi con gái thứ hai vẫn chưa ra trường, vợ chồng bác Thoa phải vay mượn khắp nơi để có tiền cho con đóng học. Vay mãi cũng khó, nhờ cậy anh em mãi cũng phiền, không còn cách nào khác, vợ chồng bác lại tiếp tục bán ngôi nhà đang ở để mua một mảnh đất và làm tạm túp lều tranh để ở, lấy tiền cho các con được đi học.

Bác Thoa chia sẻ: “Vất vả lắm, 3, 4 đứa con cùng học một lúc nên gia đình không biết xoay tiền đâu cho kịp. Nhưng thương các con chăm học nên dù khổ đến mấy, đói đến mấy, chỉ cần nhìn vào bảng thành tích của các con mang về là vợ chồng tôi lại phấn chấn ngay”.

Tự hào về các con

Không phụ lòng cha mẹ, các con của hai bác học hành rất chăm chỉ và luôn đạt thành tích cao trong học tập.  

Cô con gái thứ hai tên Vũ Thị Tươi (SN 1986), 12 năm học phổ thông đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Lớp 11, lớp 12 Tươi thi môn Toán, môn Pháp và được giải 3 cấp tỉnh. Tươi thi và đậu vào trường ĐH ngoại thương với 27,5 điểm. Hiện tại Tươi đang làm giao dịch cho một công ty xuất nhập khẩu tại TPHCM.

Nhắc đến cậu con trai Vũ Văn Tân (SN 1989), bác Thoa luôn nở nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, lên lớp 10 Tân đã đậu thủ khoa vào Trường THPT chuyên Lam Sơn. Sang lớp 11, Tân tham gia dự thi học sinh giỏi và được giải nhì môn Toán cấp quốc gia, giải 3 quốc gia về môn Toán năm lớp 12.

Được tuyển thằng vào lớp tài năng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Tân tiếp tục thể hiện năng khiếu học Toán của mình. Liên tiếp tham dự 2 cuộc thi Olympic toàn quốc dành cho sinh viên về môn Giải tích và Đại số với hai giải nhất mang về, hiện tại, Tân là du học sinh năm thứ 3 tại Nhật với toàn bộ chi phí được nhà nước chu cấp. 

Không thua kém các anh chị, cậu con trai út Vũ Phi Cơ cũng thể hiện tố chất thông minh và sáng dạ trong học hành. Suốt từ năm lớp 9 đến năm lớp 12, hầu hết năm nào Cơ cũng đạt giải trong cuộc thi Toán cấp tỉnh. Thi đậu ĐH Bách khoa Hà Nội với 29,25 điểm, Cơ được chọn đi du học tại Nhật Bản trong một chương trình học bổng dành cho sinh viên vào đầu năm học 2011.

Người con trai cả Vũ Quốc Anh (SN 1984) do chuyển trường nhiều lần, cộng thêm kinh tế khó khăn và phải phụ bố mẹ chăm các em nên việc học hành không được đảm bảo thường xuyên. Tuy nhiên, Anh luôn là học sinh tiên tiến của trường, lớp trong quá trình học phổ thông. Thi đậu vào Trường CĐ Công nghiệp, nhưng thương bố mẹ, các em đang học nên Anh đã nghỉ học 2 năm để đi làm kiếm tiền nuôi các em thay bố mẹ. Hiện tại, Anh đang học ĐH Công nghiệp Hà Nội.

Chuyện gia đình hai lần bán nhà để nuôi con vào ĐH - 2
Gia đình bác Vũ Văn Thoa.
 
Nhìn những tấm bằng khen, giấy khen và bảng thành tích học tập của 4 người con bác Thoa, người dân trong thôn Văn Lâm ai cũng khâm phục đức hi sinh của vợ chồng bác. Hàng chục năm nay, gia đình bác Vũ Văn Thoa đều được nhận danh hiệu gia đình hiếu học cấp xã và cấp huyện.

Hiện tại, vợ chồng bác Thoa làm hai sào ruộng và bán hàng tạp hóa để tiếp tục lo việc học cho người con trai đầu và trả những khoản nợ do lo việc học cho các con. Gia đình bác cũng làm được ngôi nhà tôn vững chắc thay thế túp lều tranh, một phần nhờ vào cậu con trai Vũ Văn Tân gửi tiền về.

Nói về sự học, bác Hạnh nhắn nhủ: “Sinh con ra mình phải có nghĩa vụ nuôi dạy con nên người, chỉ cần cố gắng, có quyết tâm là việc gì cũng có thể làm được. Những lúc khó khăn, vất vả vợ chồng tôi cứ nhìn lên tường và nghĩ về các con là thấy vui và hạnh phúc lắm. Đó là niềm tin, niềm tự hào và là nguồn động viên lớn mà các con dành cho cha mẹ. Vì vậy, cho con học hành nên người là bổn phận của người làm cha, làm mẹ”.

Lan Anh