Chuyên gia chỉ cách phạt con thế nào cho đúng

Bích Ngọc

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh vẫn áp dụng những hình thức kỷ luật mang tính trừng phạt như la mắng, phạt đòn, hoặc bắt con vào phòng ngồi một mình tự kiểm điểm, dù vậy, chuyên gia không ủng hộ cách này.

Bà Allison Ciongoli - chuyên gia trị liệu người Mỹ chuyên hỗ trợ khách hàng xử lý các vấn đề trong gia đình - cho rằng các hình phạt nêu trên vừa không hiệu quả, vừa có thể gây hại về lâu dài. Bà Allison nhấn mạnh rằng kỷ luật lành mạnh phải chứa đựng tinh thần chủ động, hướng tới việc dạy trẻ biết chịu trách nhiệm, biết kiểm soát cảm xúc, biết khắc phục lỗi sai.

Trong khi các biện pháp trừng phạt chỉ nhằm chấm dứt hành vi mà phụ huynh không muốn thấy ở con, biện pháp kỷ luật lành mạnh lại hướng đến việc nuôi dưỡng sự tự điều chỉnh ở con, củng cố và gia tăng những hành vi tích cực.

Chuyên gia chỉ cách phạt con thế nào cho đúng - 1

Nhiều phụ huynh vẫn thường áp dụng những hình thức kỷ luật mang tính trừng phạt như la mắng, phạt đòn con (Ảnh minh họa: Freepik).

Đối với trẻ nhỏ từ 1 đến 3 tuổi, theo chuyên gia Allison, phụ huynh nên khéo léo chuyển hướng sự chú ý của con, đánh lạc hướng con bằng đồ chơi hoặc hoạt động mới, để ngăn chặn hành vi sai trước khi tình huống "leo thang" căng thẳng hơn.

Ngoài ra, những "quãng nghỉ" ngắn, chỉ kéo dài khoảng vài phút, cũng có thể giúp trẻ bình tĩnh hơn, có lối hành xử tốt hơn. Trong một số trường hợp, việc phớt lờ hành vi có vấn đề của trẻ, vì phụ huynh biết rằng con đang cố tìm kiếm sự chú ý, cũng là điều hay.

Nếu hành động của con không gây nguy hiểm, lúc này, phụ huynh hãy "mặc kệ" con, tỏ ra không quan tâm tới hành vi có vấn đề của con. Qua thời gian, trẻ sẽ dần hiểu, tự biết điều chỉnh và từ bỏ hành vi xấu.

Đối với trẻ học tiểu học đến lứa tuổi teen, trọng tâm của phương pháp giáo dục lúc này là tinh thần trách nhiệm và khả năng đối thoại. Khi trẻ bước vào tuổi đi học (từ 6 đến 12 tuổi), kỷ luật trong gia đình nên chuyển sang hướng thúc đẩy ý thức trách nhiệm cá nhân.

Bà Allison khuyến khích các phụ huynh lúc này hãy trao đổi cởi mở và bình tĩnh, để con tự suy nghĩ sâu hơn về hành vi của mình.

"Các quy tắc rõ ràng cần được phụ huynh và con cùng thống nhất, đi kèm với đó là những hình phạt nhất quán nếu con vi phạm. Những điều này sẽ định hướng hành vi cho con, đồng thời giúp con phát triển nhận thức cảm xúc và tư duy ra quyết định tốt hơn", bà Allison nói.

Chuyên gia chỉ cách phạt con thế nào cho đúng - 2

Khi con bước vào lứa tuổi teen, phụ huynh cần có cách đối thoại và hành xử tôn trọng con nhiều hơn (Ảnh minh họa: Freepik).

Với thanh thiếu niên, điều quan trọng là tôn trọng nhu cầu độc lập ngày càng gia tăng. Điều đó có nghĩa là phụ huynh nên cùng con xây dựng quy tắc và thống nhất hình phạt trước, để con có thể chủ động trong cách tư duy và hành xử.

"Cách giao tiếp thẳng thắn và cởi mở giữa phụ huynh và con sẽ tạo dựng sự tin tưởng và khuyến khích tinh thần trách nhiệm ở con. Mục tiêu cao nhất của kỷ luật là duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con, tạo không khí hòa thuận trong gia đình, do mỗi bên đều biết cách hành xử phù hợp. Kỷ luật không nên bị xem là cuộc đối đầu quyền lực giữa phụ huynh và các con", bà Allison cho hay.

Sai lầm thường gặp của phụ huynh khi áp dụng kỷ luật đối với con

Theo chuyên gia Allison Ciongoli, nhiều phụ huynh thường mắc một số lỗi phổ biến khi áp dụng phương pháp kỷ luật đối với con.

Đầu tiên là sự thiếu nhất quán. Chính các bậc phụ huynh nhiều khi cũng không tự thống nhất được với nhau và với chính mình về những quy tắc kỷ luật sẽ áp dụng trong gia đình, dẫn tới những sự mâu thuẫn, hoặc "lúc thế này, lúc thế khác". Hậu quả là chính phụ huynh khiến trẻ bối rối và làm suy yếu hiệu quả của việc áp dụng kỷ luật trong gia đình.

Thứ hai là việc phụ huynh quá tập trung vào hành vi tiêu cực của con, bỏ qua việc khen ngợi những hành vi tích cực. Nếu phụ huynh không dạy con cách điều chỉnh cảm xúc để duy trì trạng thái cân bằng, tỉnh táo trong tư duy và hành động, mà chỉ yêu cầu con không được làm một việc gì đó, việc áp dụng kỷ luật sẽ không tạo ra hiệu quả tích cực.

Trẻ cần được học cách tự điều chỉnh cảm xúc và hành vi của bản thân, để dần nâng cao khả năng tự kiểm soát chính mình, biết việc gì nên làm và không nên làm, thay vì chỉ thụ động thực hiện theo yêu cầu của phụ huynh rằng "đừng làm thế nữa".

Chuyên gia chỉ cách phạt con thế nào cho đúng - 3

Kỷ luật và khen thưởng kịp thời sẽ đưa lại hiệu quả tích cực trong việc rèn luyện ý thức kỷ luật của con (Ảnh minh họa: Leoai).

Cuối cùng, nếu phụ huynh cảm thấy mọi nỗ lực để áp dụng phương pháp kỷ luật đối với con đều không hiệu quả, vậy phụ huynh nên xem lại sự cân bằng giữa hình phạt và phần thưởng dành cho con.

Phần thưởng không nhất thiết phải bằng hiện vật, đó có thể là những món quà tinh thần như sự động viên, khen ngợi kịp thời, càng sát thời điểm con vừa thực hiện một việc đáng khen ngợi càng tốt. Điều này cho thấy phụ huynh thực sự quan tâm và biết trân trọng những nỗ lực của con.

Ngoài lời khen, phụ huynh cũng có thể khuyến khích con tuân thủ kỷ luật trong gia đình với những phần thưởng nhỏ như con được tăng thêm thời gian vui chơi hoặc cha mẹ nấu cho con món ăn ưa thích.

Nhìn chung, hình phạt có thể khiến con chấm dứt hành vi tiêu cực một cách nhanh chóng, nhưng việc củng cố ý thức kỷ luật tích cực ở con mới là yếu tố có tính xây dựng trong hành trình trưởng thành của con. Việc giữ cho phương pháp kỷ luật áp dụng với con cái mang nhiều tính tích cực, giúp con gia tăng sự chủ động sẽ giúp con học hỏi và trưởng thành nhanh hơn.

Theo Daily Mail