Chuyện chưa kể về nam sinh 2 lần "ẵm" huy chương Olympic sinh học quốc tế
(Dân trí) - Nguyễn Tiến Lộc (SN 2006), học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), đã 2 lần giành huy chương tại kỳ thi Olympic sinh học quốc tế.
Nguyễn Tiến Lộc (Hà Nội) là học sinh lớp 12A2 Sinh tại trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau khi hoàn thành kỳ thi Olympic sinh học quốc tế (IBO) lần thứ 35 tại Kazakhstan, Tiến Lộc "kết nạp" thêm cho mình một tấm huy chương vàng.
Được biết, 3 tấm huy chương vàng tại IBO lần này là thành tích tốt nhất của Việt Nam, kể từ năm 2019 đến nay.
Trong kỳ thi IBO năm 2023 được tổ chức ở Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, nam sinh trường chuyên cũng là thành viên mang về tấm huy chương bạc, thành tích cao nhất cho đoàn Việt Nam.
Chia sẻ về câu chuyện này, Tiến Lộc cho biết năm 2023, em là thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn dự thi. Thành tích của đội tuyển là 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.
Tuy nhiên, bằng tất cả sự nỗ lực và học hỏi trong vòng một năm qua, Tiến Lộc đã thành công "đổi màu" tấm huy chương của mình trên đấu trường quốc tế. "Hạnh phúc và tự hào là những gì em cảm nhận được khi em được xướng tên ở hạng mục huy chương vàng", Lộc chia sẻ.
Xuất phát điểm là một học sinh chuyên toán tại trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Tiến Lộc dần nhận thấy mình không phù hợp với môn học này nên em quyết định rẽ hướng.
Lộc bắt đầu ôn tập để đỗ vào lớp chuyên môn sinh học khá muộn so với bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, nam sinh cho biết em cũng may mắn khi có một vài bạn cùng chung chí hướng nên việc ôn thi tương đối nhẹ nhàng.
"Khi còn học cấp 2, em có tham gia câu lạc bộ sinh học. Em cùng các bạn trong câu lạc bộ đọc nhiều sách về sinh học trong thời gian rảnh. Điều này giúp em hình thành thói quen tự học từ rất sớm", nam sinh nói.
Khi được hỏi về lý do vì sao yêu thích môn sinh học, Tiến Lộc bộc bạch em nhận thấy khoa học tự nhiên đều là các môn dựa trên quan sát và tìm ra quy luật: "Nếu toán học được ví là gốc rễ của khoa học thì sinh học chính là phần lá và quả.
Sinh học có nhiều và đa dạng lĩnh vực. Đây chính là yếu tố đặc biệt khiến em đam mê bộ môn này. Quan sát mọi thứ xung quanh, đâu cũng là sinh học, kể cả các vấn đề toàn cầu hiện nay".
Trong các kiến thức về sinh học, Tiến Lộc chia sẻ em ấn tượng nhất phần tiến hóa. Với nam sinh trường chuyên, đây là phần trừu tượng và khó học nhất: "Các ý tưởng trong tiến hóa đã thay đổi thế giới rất nhiều".
Trước khi được cọ xát với các kỳ thi, mục tiêu của Lộc chỉ đơn giản là đỗ vào một trường chuyên cấp 3. Tuy nhiên, chặng đường học tập của nam sinh thay đổi khi em gặp được cô Đỗ Thị Thanh Huyền - Trưởng bộ môn, chủ nhiệm đội tuyển môn sinh học trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).
"Cô chính là người đã dẫn dắt đội tuyển đi thi các giải quốc gia và quốc tế. Và cô cũng chính là người đã truyền cảm hứng cho em mạnh dạn tham gia các kỳ thi", Lộc nói.
TS Đỗ Thị Thanh Huyền nhận xét: "Tiến Lộc là học sinh thông minh, có đam mê và hoài bão lớn. Em có chính kiến và lập trường rất vững vàng.
IBO là một kì thi lớn quy tụ nhiều học sinh giỏi đến từ nhiều quốc gia có nền sinh học phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hàn quốc, Singapore,... Vì vậy, việc đổi màu huy chương không hề dễ dàng đối với cô trò chúng tôi.
Dẫu biết là khó khăn, nhưng với sự quyết tâm rất cao, tinh thần chiến đấu kiên cường, bền bỉ và năng lực vượt trội của Lộc; kết hợp sự đồng hành và tin tưởng của cô giáo. Lộc đã làm được điều đó".
Cô Huyền nhớ lại trong buổi lễ công bố kết quả, cô khá hồi hộp, thậm chí là căng thẳng. Cô chỉ mong sao ước nguyện của Lộc thành hiện thực. Khi nam sinh được trao tấm huy chương vàng, cô Huyền đã gửi một dòng tin nhắn cho học trò: "Lát cô ôm con một cái nhé!".
Nói về hành trình "đổi màu" huy chương của mình, Lộc hồi tưởng: "Năm 2023, trong em luôn có nhiều tiếc nuối khi chưa chạm được đến giải thưởng cao nhất tại IBO.
Trong thời gian ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi IBO năm 2024, em có chút áp lực. Sự căng thẳng này xuất phát từ việc em vừa là thành viên duy nhất trong đội tuyển đã có kinh nghiệm đi thi, vừa phải vượt qua khỏi cái bóng của chính mình".
Để nâng cao thành tích, nam sinh tích cực trau dồi kiến thức. Em dành nhiều thời gian để hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình. Sau khi thi xong, Lộc nhớ lại mình có chút lo lắng vì đề thi khó hơn năm ngoái: "Em không quá tự tin vào bài làm của mình".
Tuy vậy, mọi sự tự ti đó đều bị dập tắt khi Nguyễn Tiến Lộc được xướng tên trên bục nhận huy chương vàng. Em nhớ lại khi không nghe thấy tên của mình ở hạng mục huy chương đồng và huy chương bạc, em đã hét lên vì vui sướng.
Bài thi IBO bao gồm phần lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết gồm hai bài, mỗi bài có 50 câu, thời gian làm bài là hơn 3 tiếng. Ngày thi thứ hai, các thí sinh làm bài thực hành ở 4 phòng thí nghiệm là giải phẫu và sinh lý động vật, tin sinh, sinh học phân tử, hóa sinh. Thời gian mỗi phần là 90 phút.
Về phía gia đình, anh Nguyễn Tiến Tuấn - phụ huynh của nam sinh, cho biết: "Con là một người có lập trường vững vàng và nỗ lực hết mình. Là hậu phương, gia đình chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con được học tập trong môi trường thoải mái".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về dự định tương lai, Tiến Lộc sẽ dành thời gian để học lại một số môn em đã bỏ lỡ khi ôn luyện đội tuyển. Sáng 22/7, nam sinh vừa hoàn thành đăng ký nguyện vọng ngành Y đa khoa - Đại học Y Hà Nội; viết tiếp ước mơ trở thành bác sĩ.