Chương trình Toán mới nhưng đề thi cũ khiến nhu cầu học thêm vẫn cao
(Dân trí) - Theo đánh giá của một số thầy cô, chương trình Toán lớp 10 của chương trình giáo dục phổ thông mới đã bớt hàn lâm, gắn liền với thực tế hơn.
Tuy nhiên, nhu cầu học thêm của học sinh vẫn lớn vì đề thi, kiểm tra không thay đổi nhiều.
Học sinh biết dùng Toán để làm gì
Trao đổi với PV Dân trí, thầy T.Q. Đạt (tên nhân vật đã được thay đổi) - giáo viên môn Toán của một trường THPT tại Hà Nội đánh giá, chương trình mới hay và thực tế hơn nhưng kèm theo đó là những bỡ ngỡ cho cả thầy và trò khi tiếp cận những cái mới.
Theo thầy Đạt, cách dạy và học cũ "nặng" về việc áp dụng công thức để giải Toán, học sinh không rõ học để làm gì. Còn chương trình mới đã tiếp cận thực tế hơn, mỗi bài học đều được bắt đầu bằng những tình huống trong đời sống, kinh doanh, câu chuyện văn hóa, khoa học.
Sách giáo khoa đóng vai trò là tài liệu tham khảo cho học sinh và giáo án cho giáo viên. Kiến thức trong sách được giảm tải, chương trình lớp 10 khó ở phần bất đẳng thức thì nội dung này đã được lược bỏ.
Giáo viên cũng phải thay đổi cách dạy. Ở chương trình cũ, thầy cô có thói quen dạy bài mới ngay, sau đó học sinh áp dụng để giải bài tập. Sang chương trình mới, giáo viên buộc phải khởi động bài mới bằng cách dẫn dắt tình huống từ thực tế, tổ chức hoạt động học tập để học sinh phát hiện kiến thức mới từ hoạt động.
Ở chương trình cũ, giáo viên phải soạn bài bổ sung thêm rất nhiều so với sách giáo khoa. Còn sách mới định hướng rõ ràng các ví dụ, hoạt động của học sinh và giáo viên. Giáo viên thậm chí chỉ cần soạn giáo án giống trong sách là đã đầy đủ. Học sinh tự đọc sách cũng nắm được một nửa nội dung kiến thức rồi.
Các bài toán tối ưu, bất phương trình bậc nhất 2 ẩn rất sát với thực tế. Trước kia, học sinh không được học kỹ các nội dung này nhưng giờ giáo viên đã phải dạy kỹ hơn. Phần khảo sát và vẽ đồ thị hàm số hiện nay cũng gắn với bài toán thực tế chứ không chỉ khảo sát và vẽ đồ thị một cách hàn lâm như trước.
"Đứng trước một tình huống thực tế, chương trình mới đòi hỏi học sinh phải biết dùng kiến thức nào để giải quyết, tính toán. Một số ví dụ về văn hóa, khoa học được đưa ra giúp học sinh gián tiếp có thêm hiểu biết, ví dụ về cột cờ Lũng Cú, cầu cảng Sydney, nhà bác học Galileo Galilei", thầy Đạt nói.
Tuy nhiên, theo thầy Đạt, trong thời gian đầu dạy và học theo sách mới, thầy trò còn nhiều bỡ ngỡ. Nhiều thầy cô vẫn quen cách dạy cũ, cho học sinh về nhà tự nghiên cứu ví dụ thực tế. Học sinh cũng chỉ "chăm chăm" bấm máy tính giải bài tập một cách đơn thuần như trước.
Thầy Lại Trường Giang - giáo viên môn Toán tại một trung tâm giáo dục ở Hà Nội cũng cho rằng, chương trình Toán mới gần gũi và dễ học hơn chương trình cũ.
Sách mới có 80% kiến thức giống với sách cũ. Khác biệt rõ nhất ở các bài toán thực tế. Trong chương trình cũ, bài toán thực tế không nhiều và chỉ mang tính chất giới thiệu nên thầy và trò ít khi tìm hiểu.
Còn ở chương trình mới, có nhiều bài tập toán gắn với tình huống thực tế hơn, nội dung hay hơn. Trọng tâm giảng dạy là rèn luyện tư duy cho học sinh, hướng dẫn các em áp dụng kiến thức Toán học vào giải quyết vấn đề trong thực tế của cuộc sống.
Theo thầy Giang, có những kiến thức mà các thế hệ học sinh trước gần như không quan tâm học, thì bây giờ các em phải học.
Ví dụ, trước kia, chương thống kê có trong sách cũ nhưng dường như bị đưa vào chương trình giảm tải hoặc học sinh tự nghiên cứu, không xuất hiện trong bài kiểm tra nên giáo viên không hướng dẫn kỹ. Tuy nhiên, đây lại là kiến thức mà ai cũng nên biết. Ở chương trình mới, các em sẽ được học kỹ nội dung này.
Một ví dụ nữa là bài toán tối ưu. Trước kia, gần như các em không quan tâm học nhưng bây giờ, khi nghe thầy cô phân tích cách làm thế nào để mua được số bò mong muốn lớn nhất trong một đàn bò, làm sao để sản xuất được nhiều sản phẩm nhất thì học sinh rất hứng thú, không "buồn ngủ" như trước.
Thầy Giang nhận thấy, chương trình mới giúp học sinh nâng cao khả năng liên tưởng, liên kết Toán học với thực tế. Các em được rèn luyện tư duy để dễ dàng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
"Thay vì bắt học sinh học thuộc công thức để làm đi làm lại các bài toán, chúng ta đưa ra vài tình huống thực tế cho các em giải quyết. Như vậy, kiến thức dễ vào đầu các em hơn, nhất là với học sinh yếu toán, sợ toán", thầy Giang nói.
Nhu cầu học thêm Toán vẫn không thay đổi
Thầy Đinh Văn Hùng (tên nhân vật đã được thay đổi) - giáo viên môn Toán tại một trường THPT ở Ninh Bình cho rằng, khi cách kiểm tra, đánh giá học sinh không thay đổi thì nhu cầu học thêm của các em vẫn lớn.
Thầy Hùng giải thích, nhu cầu học thêm không phụ thuộc vào chương trình học mà vào đề thi, kiểm tra. Đề thi hiện nay cơ bản vẫn như cũ, các thầy cô dạy thêm vẫn chỉ dạy các chuyên đề có trong đề thi.
Nếu đề thay đổi, chỉ kiểm tra trên các bài toán thực tế bắt buộc học sinh phải hiểu bản chất của kiến thức, có trải nghiệm để giải quyết bài toán ấy chứ không phải học vẹt, thì việc dạy thêm, học thêm sẽ được chuyển biến.
"Đề thi hiện nay vẫn theo kiểu học một mà thi mười. Học sinh học sách giáo khoa để đi thi thì chỉ kiếm được điểm trung bình thôi. Vậy muốn đạt từ trung bình trở lên thì học sinh buộc phải đi học thêm.
Ví dụ, trong đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua, không có câu nào ở trình độ từ 8 điểm trở lên mà giống trong sách. Dạng bài hàm số không tường minh trong sách không có, thầy cô không dạy trên lớp nhưng trong đề thi nào cũng xuất hiện. Cứ đến gần kỳ thi, các thầy cô mới dạy học sinh ở lớp học thêm của mình những kiến thức đó", thầy Hùng nói.
Thầy Hùng giải thích thêm, rất nhiều trường đại học hiện nay xét tuyển dựa vào điểm học bạ THPT. Vì vậy, học sinh luôn cố đạt điểm trung bình các môn trên 8 điểm, muốn vậy thì các em lại phải đi học thêm để cạnh tranh suất vào đại học.
"Hơn nữa, tôi là người dạy thêm nhiều năm nay, tôi thấy có thực tế là một bộ phận giáo viên mặc định rằng nếu em nào không học thêm theo mình, thì đừng mơ có điểm tổng kết cao", thầy Hùng cho biết.
Theo thầy Hùng, chương trình mới "nặng" cũng là lý do khiến học sinh học thêm nhiều hơn. Ví dụ, trước kia, bài Tổng và hiệu của hai vectơ được dạy trong 4 tiết. Nhưng hiện nay, thời lượng dành cho bài này chỉ là 2 tiết. Nếu hoạt động đầy đủ, cẩn thận thì phải mất 2 tiết để học xong phần kiến thức, nhưng không còn tiết nào để chữa bài tập cho học sinh. Như vậy, các em lại phải đi học thêm để học kỹ hơn.
Thầy Lại Trường Giang cũng nhận định, chương trình học mới nhưng nhu cầu học thêm của học sinh vẫn không thay đổi.
"Học sinh của tôi đến từ nhiều trường khác nhau đã được kiểm tra giữa kỳ. Tôi đã xem tất cả đề kiểm tra của các em. Về cơ bản, nội dung kiểm tra không khác biệt nhiều, lượng kiến thức vẫn như trước. Có chăng chỉ là học sinh phải làm nhiều bài toán thực tế hơn. Những thay đổi đó không quá lớn để ảnh hưởng đến nhu cầu học thêm của các em", thầy Giang nói.
Theo thầy Giang, các thầy cô dạy thêm phải thay đổi cách dạy để đáp ứng chương trình mới. Người dạy cần soạn lại toàn bộ giáo án, tài liệu giảng dạy. Có những bài trong sách mới là dạng tính toán thông thường nhưng vẫn có thể sáng tạo thành dạng bài thực tế.