Chương trình GDPT tổng thể: Đề nghị công bố chi tiết từng môn học

(Dân trí) - Chương trình đã đưa được khung tổng thể, còn chi tiết nội dung từng môn học bố trí ra sao, cụ thể hóa ra từng bài giảng, mục tiêu chuẩn kiến thức như thế nào mới là điều mà đội ngũ giáo viên mong đợi.

Đó là ý kiến của Nhà giáo ưu tú Phan Văn Hường góp ý về Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể.


Đề nghị Bộ GD-ĐT cần có đề xuất với Nhà nước về chính sách tiền lương cho cán bộ giáo viên để phù hợp với công việc đổi mới trong chương trình dự thảo.

Đề nghị Bộ GD-ĐT cần có đề xuất với Nhà nước về chính sách tiền lương cho cán bộ giáo viên để phù hợp với công việc đổi mới trong chương trình dự thảo.

Qua nghiên cứu dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tôi nhận thấy Bộ GD-ĐT đã có nhiều cố gắng trong việc chuẩn bị nội dung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Điểm mới, tích cực và tiến bộ của dự thảo là tích hợp liên môn, phát huy năng lực người học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Tuy nhiên, nhìn vào bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa công khai lấy ý kiến, dễ dàng nhận thấy:

Ai sẽ đứng lớp?

Vai trò của người thầy đã không được đề cập đúng mức, thậm chí là khá mờ nhạt. Nguồn nhân lực cho công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện này đã, đang và sẽ được chuẩn bị như thế nào để đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng đội ngũ giáo viên ở các cấp học hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới.

Dẫu biết chương trình mới tiếp cận năng lực người học buộc giáo viên phải thay đổi cách dạy, học sinh thay đổi cách học nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn còn một khoảng cách khá xa. Vậy mà, chương trình đổi mới giáo dục này được ấn định thời gian thực hiện là vào năm học 2018-2019.

Bên cạnh đó, chương trình còn đưa ra ba phần nội dung giáo dục mới là hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề học tập và giáo dục địa phương. Nguồn nhân lực cho các môn học mới này đến thời điểm hiện tại chưa hề được chuẩn bị. Vậy thì ai sẽ đứng lớp?

Riêng cấp THCS, ở môn Khoa học tự nhiên (KHTN) trước đây là 3 môn Lý - Hóa - Sinh. Môn này tích hợp vào 1 bài hay vẫn là 3 phân môn trong 1 môn KHTN chung thì chưa được làm rõ và ai sẽ là người đứng lớp giảng dạy môn này thì chưa được chuẩn bị.

Ở môn KHTN nếu tích hợp trong một bài thì đội ngũ giảng dạy sẽ như thế nào. Một giáo viên dạy lý thì làm sao dạy kiến thức môn sinh được, và ngược lại. Do chưa có nhân lực nên có thể là chuyển đổi và bồi dưỡng giáo viên.

Tuy nhiên, chuyển đổi và bồi dưỡng giáo viên thì cần phải suy nghĩ vì không thể có chất lượng tốt được. Bởi lâu nay rất nhiều giáo viên đã được đào tạo bài bản trong các trường đại học ra trường chỉ dạy 1 môn nói trên nhưng chất lượng vẫn còn thấp thì nói gì đến việc dạy cả 3 môn tích hợp (mặc dầu sẽ được bồi dưỡng, bổ túc thêm về kiến thức).

Để giảng dạy những môn học mới, cần chuẩn bị chương trình đào tạo, giáo trình, công tác tuyển sinh…, tạo nguồn giáo viên tương lai. Theo tôi, chúng ta phải mất khoảng thời gian ít nhất là 4 năm mới đủ nguồn giáo viên đạt chuẩn đứng lớp.Hoặc là thực hiện như chủ trương của Bộ GD&ĐT: bồi dưỡng thêm cho đội ngũ cũ hiện nay về tích hợp liên môn.

Nếu thực hiện một cách gượng ép buộc giáo viên phải bổ túc thêm phần kiến thức, kỹ năng của môn học tích hợp, chỉ e giáo viên quá tải và không có hiệu quả. Tôi đã từng tham gia và chỉ đạo thực hiện đổi mới ở cơ sở và nhận thấy có một thực tế, khi chương trình mới đưa ra, việc tập huấn, đào tạo giáo viên sẽ triển khai theo từng cấp từ trung ương đến địa phương, nếu chúng ta không quan tâm, không cẩn thận, mỗi cấp sẽ rơi vãi đi một ít và đến người giáo viên trực tiếp giảng dạy sẽ không còn như mong muốn.

Yếu tố quyết định thành công chính là con người mà chủ đạo là người giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Nếu thực hiện từ năm học 2018-2019 chưa có kế hoạch bồi dưỡng cho những giáo viên thực tại, kể cả kế hoạch đào tạo sinh viên mới vì vậy sẽ dẫn tới chắp vá và hiệu quả sẽ thấp. Vậy thì đội ngũ giáo viên đã có sự chuẩn bị để đáp ứng cho những thay đổi trong nội dung này chưa?”.

Vì vậy, vấn đề chất lượng đội ngũ giáo viên cần được Ban dự thảo xem xét và có hướng điều chính phù hợp

Sẽ gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất

"Trong dự thảo nêu “cố gắng phấn đấu năm 2018-2019 toàn bộ các trường tiểu học đều học 2 buổi/ngày. Điều này theo tôi là sẽ không thể thực hiện được như vậy. Bởi vì ngay thực tế hiện nay chỉ nói riêng các vùng thành thị đang thực hiện học 2 buổi/ngày vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất phòng học, đội ngũ giáo viên…

Ngoài các môn học truyền thống trước đây, dự thảo chương trình đã đưa vào một số môn học mới, hoàn toàn phù hợp với xu thế chung cũng như tăng cường hiểu biết mang tính toàn diện cho học sinh.

Các môn học này được chia thành các môn bắt buộc và tự chọn bắt buộc (bắt buộc chọn một số môn trong các môn được chương trình quy định) là hợp lý và có tính khả thi.

Tuy nhiên, việc xuất hiện các môn học/hoạt động giáo dục mới như: “Hoạt động nghệ thuật”, “Giáo dục kinh tế và pháp luật”, “Khoa học máy tính”, “Âm nhạc”, “Mỹ thuật”,… thời gian đầu có thể sẽ gây khó khăn cho một số đơn vị trong quá trình thực hiện.

Nhiều điểm mới tiến bộ

Một điểm mới trong dự thảo được thể hiện trong khâu kiểm tra, đánh giá. Nếu trước đây chủ yếu đánh giá học sinh thông qua các bài kiểm tra (kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết, học kì) thì nay việc kiểm tra đánh giá có thể thông qua các bài viết, dự án học tập, sản phẩm học tập của học sinh…

Đặc biệt là chú trọng đánh giá trên lớp, đánh giá quá trình, vì sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác mà chỉ so sánh sự cố gắng, sự tiến bộ của chính học sinh đó trong quá trình học tập, rèn luyện. Đây là một điểm mới rất tiến bộ cần được phát huy.

Bộ cần công bố chi tiết từng môn học

Chương trình đã đưa được khung tổng thể, còn chi tiết nội dung từng môn học bố trí ra sao, cụ thể hóa ra từng bài giảng, mục tiêu chuẩn kiến thức như thế nào mới là điều mà đội ngũ giáo viên mong đợi. Vì vậy đề nghị Bộ GD-ĐT cần công bố chi tiết cụ thể nội dung từng môn học, từng bài giảng và mục tiêu chuẩn kiến thức của các bộ môn.

Tôi rất tâm đắc về việc dự thảo chương trình giáo dục tổng thể phổ thông mới đã cho bỏ thi tốt nghiệp THPT và chuyển sang xét tốt nghiệp THPT. Việc này là rất cần thiết và mong được thực hiện. Vì nếu thi thì bộ phận hỏng tốt nghiệp hàng năm cũng không đáng kể, bỏ thi tốt nghiệp vừa đỡ tốn kém cho xã hội, vừa để tập trung thi tuyển sinh đại học một cách có chất lượng hơn.

Đề nghị lùi thời gian thực hiện chương trình

Đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu chỉ đạo các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như dự thảo đã đưa ra. Nếu cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy của các nhà trường không được quan tâm đầu tư thì không thể thực hiên được chương trình như dự thảo đưa ra.

Đề nghị Bộ GD-ĐT cần có đề xuất với Nhà nước về chính sách tiền lương cho cán bộ giáo viên để phù hợp với công việc đổi mới trong chương trình dự thảo. Đặc biệt cần quan tâm việc đầu tư kinh phí thanh toán tiền dạy thay cho số giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng hàng năm.

Đề nghị Bộ GD&ĐT lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục tổng thể phổ thông mới khoảng 3 đến 4 năm so với dự thảo để ngành giáo dục hoàn tất mọi điều kiện cần và đủ cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục này. Đặc biệt đề nghị Bộ GD-ĐT cần quan tâm đến vấn đề đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng chương trình đổi mới.

NGƯT Phan Văn Hường