Chưa thể thống nhất được việc miễn thi tốt nghiệp 20%
(Dân trí) - Ngày 13/2, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đối với khối Sở GD-ĐT. Hội nghị cũng thảo luận về dự thảo thi tốt nghiệp THPT và đã có nhiều luồng trái chiều về chủ trương miễn thi 20%.
Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cho biết: Bộ GD-ĐT đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về dự thảo thi tốt nghiệp THPT. Có nhiều nội dung được sự đồng thuận cao của các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục, các nhà sư phạm, học sinh và phụ huynh nhưng cũng có một số ý kiến còn băn khoăn trường những vấn đề cụ thể.
Các nội dung được sự thống nhất cao đó là việc tổ chức thi 4 môn, trong có 2 môn do thí sinh tự chọn. Đại đa số ý kiến đồng tình, thậm chí là đánh giá rất cao về chủ trương này. Trong số 45 giám đốc Sở GD-ĐT được hỏi ý kiến thì có 42 ý kiến đồng tinh, chỉ có 2 ý kiến đề nghị thi 6 môn.
Đa số các ý kiến đồng tính áp dụng những nội dung điều chỉnh ngay từ kì thi năm 2014 và coi là động thái rất tích cực. Đại đa số các ý kiến đều đồng tình về chủ trương miễn thi, thậm chí có ý kiến cho rằng, tỷ lệ miễn thi chung toàn quốc 20% là còn ít.
Bộ GD-ĐT cũng cho biết thêm, có một số ý kiến cho rằng chất lượng giáo dục phổ thông khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, tại sao Bộ lại có chủ trương miễn thi đồng đều 20% đối với tất cả các địa phương. Một số ý kiến khác đề nghị, Bộ nêu tiêu chuẩn, tất cả học sinh đạt tiêu chuẩn đều được miễn thi.
Tranh luận “nảy lửa” về miễn thi tốt nghiệp 20%
Khơi mào cho sự tranh luận này, ông Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD-ĐT Kom Tum bày tỏ: “Về tỉ lệ miễn thi, Bộ giao Sở GD-ĐT các tỉnh thành phố phải xác định tỉ lệ miễn thi cho từng trường, tôi e rằng tình trạng học sinh phụ huynh không đồng tình, tạo dư luận không tốt, không công bằng giữa các trường, các học sinh, có thể dẫn tới tiêu cực. Bộ nên để các Sở GD-ĐT cụ thể hóa tiêu chí miễn thi chung cho toàn tỉnh, xác định tỉ lệ miễn thi cho tỉnh sao cho không quá 20% mà không cụ thể từng trường. Cũng không nên thành lập hội đồng xét miễn thi từng trường. Chỉ cần hiệu trưởng các trường là thành viên của hội đồng xét miễn thi của tỉnh”.
“Bộ nên có tiêu chí chung về miễn thi tốt nghiệp cho cả nước, trên tinh thần càng phải làm chặt hơn nữa. Chỉ học lực khá, hạnh kiểm khá 3 năm rồi các em phải đạt học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh,… mới được chọn. Nếu làm vậy số lượng được miễn thi không bao giờ vượt quá 20%” - bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa góp ý thêm
Cũng chung quan điểm đưa thêm tiêu chí để giảm diện miễn thi tốt nghiệp, ông Hoàng Minh Quân - Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc đề xuất: “Lần này mở rộng diện miễn thi có 3 năm xếp loại học lực hạnh kiểm khá trở lên. Nên bổ sung thêm lớp 12 xếp loại hạnh kiểm tốt, giảm diện xét”
Tuy nhiên không phải Sở GD-ĐT nào cũng đồng quan điểm với việc mở rộng diện miễn thi tốt nghiệp THPT như Bộ GD-ĐT đưa ra.
Với kinh nghiệm của địa phương, ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam nêu vấn đề: “Mục đích miễn thi 20% để làm gì. Nếu miễn thi chuẩn bị cho việc không tổ chức thi tốt nghiệp thì tôi đồng ý. Nhưng nếu miễn thi với phương châm tiết kiệm, gọn nhẹ thì không phù hợp”.
Ông Thắng phân tích: Ở Quảng Nam, quy mô học sinh lớp 12 của tỉnh ngày càng giảm. Chính vì thế kì thi sẽ gọn nhẹ là đương nhiên. Miễn thi 20% không đủ độ lớn tiết kiệm hội đồng coi thi. Tỉ lệ 20% cho từng trường không phù hợp. Tiêu chuẩn miễn thi cũng bất cập. Có sự mâu thuẫn kết quả học sinh miền núi và đồng bằng, tư thục và công lập. Học sinh sẵn sàng đi thi để được xếp loại tốt nghiệp. Trong khi đó Sở sẽ mất nhiều thời gian từ thành lập hội đồng xét miễn thi tốt nghiệp.
“Chính vì thế tôi đề nghị ngoài đối tượng miễn thi đã được ban hành, Bộ không nên miễn thi cho 20% học sinh từng tỉnh” - ông Thắng nhấn mạnh.
Đồng tình với việc không mở rộng diện miễn thi, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định chia sẻ thêm: “Miễn thi 20% có cần thiết không? Việc xét đơn giản cũng hết sức phức tạp chưa nói có vấn đề này, vấn đề kia. Thực tế trước kia có quy định trường hợp đỗ tốt nghiệp giỏi xét thẳng ĐH đã phải bỏ đi. Hiện nay khâu đánh giá học sinh của các tỉnh, từng trường, từng giáo viên và học sinh khác nhau. Chính vì thế việc miễn thi có thể làm mất đi sự công bằng giữa các học sinh”.
Cần đưa Ngoại ngữ là môn tự chọn
Cũng tại hội nghị, Bộ GD-ĐT cho biết: Tuyệt đại đa số đồng ý không đưa Ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đề nghị đưa môn Ngoại ngữ thành môn thi tự chọn như các môn tự chọn khác.
Trước việc lưỡng lự của Bộ GD-ĐT trong việc đưa Ngoại ngữ thành môn tự chọn thì các Sở GD-ĐT đồng loạt phân tích sự cần thiết này.
“Nếu chỉ khuyến khích Ngoại ngữ thì quan điểm không nhất quán, ảnh hưởng việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông đến năm 2020. Nói dừng lại sửa chương trình nhưng sửa tất cả các môn, không riêng ngoại ngữ. Toàn quốc đang thay đổi mạnh mẽ ngoại ngữ, dừng lại như vậy là không ổn. Chưa kể, Ngoại ngữ còn là công cụ” - ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam nói.
Quan tâm đến quyền lợi của học sinh, ông Hoàng Minh Quân chia sẻ: Ngoại ngữ nên đưa vào tự chọn thi tốt nghiệp thì phù hợp hơn. Điều này sẽ đỡ thiệt thòi cho học sinh định hướng thi đại học khối A1 và D. Quan trọng là theo chỉ đạo của Bộ hầu hết các tỉnh đã học 7 năm. Do đó Ngoại ngữ cần được đánh giá như các môn khác, thậm chí tiến tới hướng thi 3 môn bắt buộc Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nếu như dự thảo thì phần lớn đăng ký dự thi ngoại ngữ để lấy điểm khuyến khích và chúng ta lại tổ chức ngày thi thứ 3. Dù các em có đến dự thi hay không dự thi thì đều gây lãng phí.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế cũng bày tỏ lo ngại, thi Ngoại ngữ lâu nay là môn cứng, ta cũng đã, đang thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông đến 2020. Do đó, môn này ít nhất nên là môn tự chọn. Cố gắng giữ nó đi ngang hơn là trùng xuống khi chưa lên được. Nếu dừng lại kéo theo hiệu ứng xấu, cấp THPT học ngoại ngữ sẽ đi xuống ngay. Kể cả tiểu học cũng nhạy cảm khi thi gì học nấy…
Lắng nghe các ý kiến thảo luận, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp từ phía ngành và của cả dư luận xã hội. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT sẽ đưa ra quyết định hợp lý nhất.
Nguyễn Hùng