Chủ tịch xã có thêm quyền… hiệu trưởng

(Dân trí) - Thêm quyền hiệu trưởng cho các Chủ tịch xã là một ý tưởng thú vị được “Dự án THCS II” triển khai vào thực tế sau 4 ngày (bắt đầu từ ngày 22/1) tập huấn về công tác giám sát đánh giá cho các “Hiệu trưởng” là Chủ tịch xã này.

Lấy “tâm” để bảo vệ “tiền”

 

Dự án THCS II là dự án đầu tiên của ngành giáo dục mời đối tượng là người ngoài ngành cùng tham gia đánh giá, giám sát hoạt động của Dự án.

 

320 xã trong dự án này đều là những xã thuộc các tỉnh khó khăn như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bình Phước, Trà Vinh, Đắc Lắc, Kon Tum… Chủ tịch UBND các phường, xã khi đến tham dự lớp tập huấn giám sát đã không giấu nổi sự háo hức của mình. Có người thì đây là lần đầu tiên họ được đến Hà Nội. 

 

Một Phó Chủ tịch UBND phường Minh Xuân (Tuyên Quang) đã tỏ ra đầy hứng thú với công việc của mình. Theo chị thì từ trước đến nay, UBND các xã, phường vẫn thường xem việc xây dựng trường học là của ngành giáo dục, vì họ hầu như không góp được mấy tiền, nên nhiều khi thấy trái tai gai mắt trong chất lượng cũng như ì trệ trong tiến độ xây dựng thì cũng làm ngơ vì tiền không góp làm can thiệp sao được! Nay được ngành giáo dục chính thức “mời” vào công việc giám sát, chúng tôi sẽ được danh chính ngôn thuận để làm việc theo đúng cái tâm của mình.

 

Công trình là của xã, trường và của con em xã nhà nên trách nhiệm chính là chính quyền địa phương và hiệu trưởng các trường chứ không thể quan niệm đó là của Sở, của Bộ. Thông điệp của những người thực hiện Dự án THCS II khi thực hiện việc này là muốn kêu gọi lãnh đạo địa phương hãy hiểu công trình này là của chúng ta nên trách nhiệm giám sát cũng phải là của chúng ta. 

 

Quyền thực, việc thực

 

Trước sự băn khoăn của một chủ tịch xã rằng liệu họ có được thực quyền? TS Trần Đình Châu, Giám đốc Dự án THCS II đã hướng dẫn cho các Chủ tịch xã: “Chúng tôi công khai số điện thoại của các Giám đốc Sở, Giám đốc Dự án, Trợ lý xây dựng cơ bản đến tận chận công trình. Bất cứ khi nào các đồng chí thấy có gì bất ổn thì hãy gọi ngay cho chúng tôi, hoặc có thể nhắn tin và bất cứ hình thức nào tiện nhất cho các đồng chí”.

 

Trước đó, vào ngày 25/12/2006, Thứ trưởng Nguyễn Văn Vọng đã ký quyết đinh chính thức giao các quyền giám sát công trình xây dựng trường học cho Chủ tịch UBND các địa phương. Theo đó, đối với mỗi trường xây dựng trong khuôn khổ Dự án, Chủ đầu tư (các Sở GD-ĐT) phải có trách nhiệm thông báo và phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã nơi có địa điểm dự kiến xây dựng. 

 

Chủ đầu tư phải thực hiện việc công khai hoá thông tin về đầu tư Dự án tại Trụ sở UBND các xã có địa điểm  các trường dự kiến xây dựng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin cung cấp phục vụ giám sát. Bản công khai danh mục gồm vốn xây lắp công trình, nhà học (số lượng các loại phòng, tổng diện tích xây dựng, nhà ở nội trú học sinh (số phòng, diện tích xây dựng), khu vệ sinh, giếng nước, chiều dài hàng rào, cổng, diện tích sân trường, vốn kiến thiết cơ bản và kinh phí dự phòng.

 

Nhà thầu có trách nhiệm niêm yết công khai các thông tin về công trình xâydựng và vật liệu xây dựng dự kiến tại địa điểm xây dựng. Những thông tin mà nhà thầu phải cung cấp là tên và địa chỉ, số điện thoại của Trưởng ban thực hiện dự án Tỉnh, Chỉ huy trưởng công trình, Chủ nhiệm thiết kế, Tổ chức tư vấn giám sát, Ban giám sát cộng đồng xã.

 

Ngoài ra các thông tin như tổng vốn đầu tư công trình, giá trúng thầu xây lắp, ngày khởi công, ngày dự kiến hoàn thành, 28 hạng mục xây dựng như xi măng, cát vàng, cát đen, cáp điện các laọi, cáp đồng trục… đều phải công khai.

 

Nhóm PV Giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm