Chủ tịch TP.Thanh Hóa: Trường thu sai phải trả lại phụ huynh
(Dân trí) - Thời gian qua, dư luận liên tục phản ánh về tình trạng lạm thu tại nhiều trường học ở các cấp học Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn thành phố Thanh Hóa gây bức xúc trong dư luận và các bậc phụ huynh. Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã có chỉ đạo về vấn đề này đối với các trường học trên địa bàn thành phố.
Theo đó, để chấn chỉnh lại vấn đề thu, chi trong các nhà trường trên địa bàn, ông Đào Trọng Quy - Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị quán triệt công tác lạm thu đầu năm học 2016 - 2017 trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
Qua tìm hiểu thực tế thì mục đích, ý nghĩa của việc kêu gọi xã hội hóa giáo dục là việc làm cần thiết để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các đơn vị, trường học. Tuy nhiên, thực tế thì quy trình, cách làm và việc quản lý các khoản thu, chi tại nhiều trường học chưa đúng, làm theo kiểu áp đặt, không có dự toán thu, chi; thu theo kiểu cào bằng, khi thu tiền không có phiếu thu… khiến nhiều bậc phụ huynh bức xúc.
Hơn nữa, một lý do thường được các trường “đẩy” nhiều khoản thu sang cho hội cha mẹ học sinh triển khai. Tuy nhiên, theo Điểm b, Mục 4, Điều 10, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh quy định: Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học: Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Trong khi đó, thay vì thực hiện theo đúng quy định và tinh thần chỉ đạo của các cấp chính quyền và ngành chức năng thì nhiều trường chỉ biết “than khó” nếu không thu một số khoản như báo chí đã nêu thì sẽ rất khó khăn cho việc sửa chữa cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học.
Ông Quy chỉ đạo, các trường không được thu tiền của cha mẹ học sinh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách Nhà nước đã bố trí cấp theo quy định như: Chi phí công tác dạy và học, điện sáng, nước sinh hoạt, khen thưởng, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, bảo vệ trường.
Đồng thời, các nhà trường không thu tiền bảo hiểm thân thể, may quần áo đồng phục và tiền sách, vở in, đồ dùng học tập của học sinh mà phải căn cứ vào các quy định hướng dẫn để học sinh và Chi hội cha mẹ học sinh tự mua.
Ngoài ra, không được tự đặt ra các khoản thu trái với quy định hiện hành như: hỗ trợ hoạt động ngoại khóa, hỗ trợ nhà bếp, tiền trông trẻ ngoài giờ cuối buổi chiều... Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa chỉ đạo nếu trường nào đã thu những khoản này phải trả lại cho cha mẹ học sinh.
Đối với hoạt động giáo dục kỹ năng sống và Tiếng Anh làm quen ở lớp 1, 2, các trường phải thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT Thanh Hóa trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh. Đơn xin học tự nguyện của học sinh phải do cha mẹ học sinh viết tay, không được đánh máy theo mẫu.
Các trường Tiểu học không được thu tiền tăng buổi hoạt động ngoài giờ chính khóa. Từ tháng 11/2016, UBND thành phố sẽ bố trí đủ giáo viên theo định mức biên chế được giao hoặc cấp kinh phí chi trả cho giáo viên hợp đồng (đối với trường thiếu biên chế), đảm bảo cho các trường đạt chuẩn quốc gia tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày.
Còn các trường chưa đạt chuẩn quốc gia có nhu cầu học tăng buổi hoặc 2 buổi/ngày trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh thì phải xây dựng kế hoạch cụ thể báo cáo Phòng GD-ĐT xem xét, phê duyệt.
Đối với các khoản vận động xã hội hóa giáo dục phải thực hiện theo quy định tại Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 của Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục; Chỉ thị số 25/CT-UBND ngày 14/9/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc chống lạm thu trong các trường và cơ sở giáo dục, trường học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Khi tiến hành vận động, các trường phải xây dựng dự toán, báo cáo UBND xã, phường và Phòng GD-ĐT phê duyệt. Quá trình vận động phải trên tinh thần tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và cha mẹ học sinh; không được phân bổ, chia đều.
Duy Tuyên