Chọn ngẫu nhiên môn thứ 3 thi lớp 10 có thể khiến học sinh "sốc" tâm lý

Hoài Nam

(Dân trí) - "Lựa chọn ngẫu nhiên các môn ngoài toán, văn dẫn đến việc học sinh phải thi những môn không thuộc định hướng, từ đó gây ra "sốc" tâm lý, căng thẳng trước kỳ thi cho các em".

Vấn đề này được Sở GD&ĐT TPHCM nêu ra trong văn bản góp ý lần 2 về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ GD&ĐT.

Theo ý kiến của Sở GD&ĐT TPHCM, việc quyết định môn thi thứ 3, phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các vấn đề liên quan tâm lý, quá trình ôn tập và việc lựa chọn môn ở cấp THPT của học sinh.

Chọn ngẫu nhiên môn thứ 3 thi lớp 10 có thể khiến học sinh sốc tâm lý - 1

Học sinh ở TPHCM trong kỳ thi vào lớp 10 (Ảnh: Nam Anh).

Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông 2018, cấp THPT có 6 môn học bắt buộc gồm văn, toán, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh, lịch sử, trong đó môn ngoại ngữ bắt buộc học sinh phải học xuyên suốt từ năm lớp 3 đến hết lớp 12.

Các môn còn lại gồm nhóm khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh), lịch sử, địa lý, công nghệ và tin học, khi lên THPT học sinh có thể không lựa chọn học trong suốt ba năm học, do định hướng nghề nghiệp của các em.

Vì vậy, theo Sở GD&ĐT TPHCM, việc lựa chọn ngẫu nhiên các môn ngoài toán, văn dẫn đến việc học sinh phải thi những môn không thuộc định hướng, từ đó gây ra "sốc" tâm lý, căng thẳng trước kỳ thi cho các em.

Việc lựa chọn môn ngoại ngữ làm môn thứ ba đảm bảo được vấn đề giữ ổn định tâm lý, phù hợp với mục tiêu định hướng nghề nghiệp của tất cả học sinh.

Đồng thời việc lựa chọn môn ngoại ngữ đáp ứng đúng với mục tiêu về việc đưa tiếng Anh từng bước trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học và hướng tới cho người học với xu hướng thành công dân toàn cầu trong tương lai.

Dùng kết quả học tập xét tuyển lớp 10 kéo theo tình trạng làm "đẹp" học bạ

Chọn ngẫu nhiên môn thứ 3 thi lớp 10 có thể khiến học sinh sốc tâm lý - 2

Sở GD&ĐT TPHCM lo ngại việc dùng kết quả học tập xét tuyển lớp 10 kéo theo tình trạng làm "đẹp" học bạ (Ảnh: T.L).

Về việc tổ chức xét tuyển lớp 10, dự thảo đưa ra nội dung: Căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, việc sử dụng kết quả rèn luyện và kết quả học tập của bốn năm học cấp THCS để làm căn cứ xét tuyển có thể tạo ra vấn đề thiếu công bằng trong tuyển sinh, dẫn đến việc không nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Nguyên nhân vì kết quả học tập của học sinh tại các trường có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, như khu vực, con người, điều kiện cơ sở vật chất… Từ đó tác động đến kết quả học tập của học sinh, tạo ra độ "vênh" trong kết quả đánh giá của giáo viên, về lâu dài gây ra tình trạng làm "đẹp" học bạ nhằm tăng cơ hội cho học sinh.

Đề xuất trao quyền chủ động cho địa phương trong kỳ thi lớp 10

Sở GD&ĐT đề xuất trao quyền chủ động cho các sở trong việc tổ chức kỳ thi lớp 10. Bao gồm việc lựa chọn môn thi thứ ba phù hợp với đặc thù và nhu cầu phát triển của địa phương; xây dựng quy chế tổ chức làm việc, coi thi, chấm thi và làm phách; quyết định thời gian công bố kết quả, điểm chuẩn.

Chọn ngẫu nhiên môn thứ 3 thi lớp 10 có thể khiến học sinh sốc tâm lý - 3

Sở GD&ĐT Đề xuất trao quyền chủ động cho các địa phương trong kỳ thi lớp 10 (Ảnh: Hoài Nam).

Việc phân cấp này giúp các Sở GD&ĐT linh hoạt điều chỉnh công tác tổ chức thi theo mục tiêu phát triển của từng địa phương.

 Tránh tình trạng một thí sinh trúng tuyển nhiều trường, nhiều loại hình cùng lúc, gây mất cân đối chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.

Tạo điều kiện cho các trường THPT chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân sự phù hợp với số lượng học sinh thực tế.

Đảm bảo công bằng trong tuyển sinh và tối ưu hóa việc phân bổ học sinh theo đúng nguyện vọng và năng lực.