Chọn ngành học: Hãy công bằng với tuổi 18!
(Dân trí) - Thử nghĩ xem, trong số các người lớn chúng ta, có mấy ai là chọn được đúng nghề mình thích ngay khi khởi nghiệp, có mấy ai là suốt đời chỉ làm một nghề? Vậy mà chúng ta chăm chăm chỉ muốn con trẻ tuổi 18 phải chọn đúng ngành học cho mình ngay khi rời ghế nhà trường phổ thông.
Tuy có thể không nói ra, nhưng với các học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa đại học, áp lực chọn ngành học thực sự là một gánh nặng. Nếu các em được tự do chọn ngành mình thích, thì có lẽ áp lực cũng không lớn như vậy. Nhưng các em còn chịu sự “can thiệp” của người lớn, mà gần nhất là cha mẹ. Cho nên với không ít học sinh lớp 12, ngành học mà các em đăng ký xét tuyển đại học không phải là ngành mà các em thích, mà là ngành người lớn thích.
Vẫn biết rằng học sinh 18 tuổi chưa đủ trải nghiệm để lựa chọn ngành học, cho nên người lớn mới phải “xắn tay vào” chọn giúp các em. Khoan xét rằng việc này có tốt cho các em hay không, nhưng cảm giác với các em là sự không thoải mái, thậm chí bất mãn vì bị can thiệp, ép buộc chọn ngành học.
Tôi nghĩ rằng, xác định nghề yêu thích không phải là việc có thể làm trong “một sớm, một chiều”, có khi cả đời người mới biết được. Một công việc lý tưởng phải là nghề phù hợp với những tố chất riêng của cá nhân từng người, chứ không phải là một nghề “thời thượng” lương cao mà thiên hạ “lao” vào làm.
Để hỗ trợ con trong việc chọn ngành học thích hợp, điều quan trọng là từ khi con còn nhỏ, bố mẹ hướng cho con theo đuổi những gì mình yêu thích bằng cách theo dõi sở trường, sở thích của con, hỗ trợ con phát triển thế mạnh của mình.
Chứ không phải đùng một phát đến lúc con 18 tuổi thì bố mẹ bắt con phải chọn ngành sẽ học sau khi tốt nghiệp cấp ba. Đó thật sự là một nhiệm vụ quá sức với các con.
Chính đa số chúng ta cũng chẳng thể chọn trúng ngay ngành mình thích cơ mà.
Cuộc sống luôn luôn vận động và thay đổi. Những gì là ngành “top đầu” ngày hôm nay rất có thể sẽ "rớt giá" trong tương lai. Cho nên đừng quá đặt gánh nặng cho con trẻ trong việc chọn trúng nghề nghiệp “sáng giá”.
Cái con cần là sự đam mê với những gì con yêu thích và có thể giúp ích cho người khác qua công việc mình làm. Cứ như thế, con sẽ tìm được lẽ sống của đời mình, thay vì cứ chăm chăm cân nhắc xem mình đã làm đúng việc chưa.
Làm đúng ngành nghề được đào tạo là một điều đáng quý, song điều đáng quý hơn là trong những việc mình làm, chúng ta vừa kiếm được thu nhập để chi tiêu cho cuộc sống của mình, vừa có thể giúp ích cho những người khác.
Tại sao phải lo nghĩ rằng, nếu không làm đúng ngành được đào tạo, thì sẽ là sự lãng phí. Theo tôi, lãng phí không phải là không làm đúng ngành được đào tạo, mà lãng phí là việc chúng ta chưa phát huy được khả năng, thế mạnh của mình.
Chỉ khi nào tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong công việc mình có thế mạnh, chúng ta mới đóng góp được nhiều nhất, và đó mới chính là việc sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất.
Trong cuốn sách “PQ - Chỉ số đam mê: Sức mạnh quyền năng nhất tạo nên thành công” (NXB Lao động - Xã hội), nhà giáo dục, nhà quản lý nổi tiếng người Ấn Độ Virender Kapoor khuyên rằng: “Ngày nay, có rất nhiều lựa chọn nên ai cũng có thể dễ dàng thử nhiều lần để tìm công việc phù hợp nhất với mình. Tất cả những gì phụ huynh cần làm là giúp cho con mình hiểu được đâu là ưu, nhược điểm của bản thân, để đưa ra quyết định có tính thực tế. Và cần nhớ, bạn đừng buộc trẻ theo đuổi thứ chúng không thích.”
Nguyên Chi
(Email: minhthuong@dantri.com.vn)