Con học trường quốc tế cả tỷ đồng, mẹ đơn thân bị xỉa xói "đua đòi"
(Dân trí) - Con theo học tại trường quốc tế có mức chi phí cả tỷ đồng/năm, nhiều lần chị Hường nghe xỉa xói" đua đòi", "giàu không biết cách xài tiền".
Choáng với tiền học của con nhà giàu
Con gái chị Nguyễn Ngọc Hường, 42 tuổi, ở TP Thủ Đức, TPHCM học lớp 10 tại một trường quốc tế có mức học phí và các khoản chi phí khác trong trường hàng năm trên 800 triệu đồng, các lớp cuối cấp sắp tới sẽ chạm mốc khoảng 1 tỷ đồng. Khoản này chưa tính tiền học khóa hè khoảng 250 triệu đồng.
Chị Hường cho biết, năm lớp 1, con học trường công lập. Sau đó, thấy môi trường không phù hợp nên chị chuyển con sang trường tư thục. Theo tư thục 2 năm, con chuyển sang mô hình trường quốc tế và học cho đến nay.
Là mẹ đơn thân, khi chọn cho con theo học tại ngôi trường được xem là đắt đỏ chị Hường từng nghe xỉa xói "đua đòi", "trưởng giả học làm sang" thích thể hiện. Có người thương cảm nói rằng chị dại dột, giàu mà không biết cách xài tiền.
Ngay trong anh em họ hàng, chị Hường từng nhiều lần nghe "thà để tiền mua nhà mua đất " hay "con nó học trường quốc tế tiền tỷ cũng có giỏi hơn con mình học trường làng tháng vài triệu đâu".
Con học ở đâu là lựa chọn phù hợp với nhu cầu và điều kiện của gia đình nên người mẹ chưa bao giờ tranh cãi về vấn đề này.
"Với tôi, tôi thấy con xứng đáng được học tập ở lớp học ít học sinh, xứng đáng dùng nhà vệ sinh thật sạch sẽ, xứng đáng được vui chơi vận động nhiều, xứng đáng được học với giáo viên lắng nghe, một bầu không khí đối thoại, tôn trọng... Học ở đây, con được thụ hưởng nhiều thứ cần thiết", chị Hường nêu quan điểm.
Làm việc tại một tập đoàn nước ngoài và quản lý thương hiệu mỹ phẩm nhập khẩu, chị Hường tiết lộ tiền dành cho học tập của con chỉ chiếm phần nhỏ trong quỹ tài chính gia đình.
Kể cả những gia đình họ cố gắng sắp xếp, tiết kiệm chi tiêu để có tiền học trường này trường kia, theo chị Hường, cũng là lựa chọn theo nhu cầu và quan điểm của họ.
Có 3 con theo học tại một hệ thống trường quốc tế lớn tại TPHCM với mức chi phí tầm 2,5 tỷ đồng mỗi năm, chị N.H.Nh, ở Gò Vấp, TPHCM trải lòng đây là lựa chọn sáng suốt trong cuộc đời làm bố, làm mẹ của vợ chồng chị.
Chị Nh. kể, hồi mới lấy chồng, nói về chuyện học hành của trẻ, chị cũng suy nghĩ "tội gì mà mất nhiều tiền cho con học, cứ trường công tháng vài triệu mà triển".
Sau khi sinh, tiếp cận với nhiều mô hình giáo dục, chị thay đổi tư duy, rẽ con sang hệ thống tư thục.
Ban đầu chị mong muốn con có môi trường vừa học vừa chơi, không phải khổ sở vì áp lực điểm số. Không muốn con bị mất quá nhiều thời gian cho việc học các môn văn hóa, chị xác định con sẽ không đi học thêm.
Chị "chấm điểm" cho cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, khu thể dục thể thao của các trường quốc tế được đầu tư rất bài bản. Chị muốn con được tiếp cận những điều kiện này, được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, khám phá thiên nhiên.
Xác định đường dài "đốt tiền cho con học", theo chị Nh. chọn trường nào cần cân nhắc khả năng, nhu cầu của gia đình. Để tạo được môi trường tốt và thoải mái cho con, quan trọng nhất là hai chữ "phù hợp", phù hợp với kinh tế, quan điểm, tư duy, góc nhìn của mỗi gia đình và cả mỗi đứa trẻ.
"Đừng dạy người giàu... tiêu tiền"
Chị Lê Mỹ Ngọc, sống ở TP Vinh, Nghệ An trải lòng, chị cũng từng lắc đầu về cậu em họ của mình sống ở TPHCM cho hai con học ở trường quốc tế với chi phí cả tỷ đồng năm mỗi cháu.
Tính theo ngày thực học, chi phí ở trường của mỗi đứa cháu gần 5 triệu đồng/ngày. Đây là con số vượt khả năng hình dung, tưởng tượng của chị Ngọc cũng như rất nhiều người.
Dù biết vợ chồng em họ mình giàu có, chị Ngọc vẫn đôi lần từng mỉa mai, hỏi "Đến trường ăn trứng vàng à?" rồi so sánh "Con tôi học ở nhà vẫn giỏi, vẫn đỗ đại học trường nọ trường kia".
Nhưng sau chuyến vào chơi nhà em họ 3 tuần vào tháng 6 vừa rồi chị Ngọc thừa nhận mình quá ấu trĩ và hạn hẹp. Ở đó, chị mới thấy, gia đình họ có chất lượng cuộc sống, cách nhìn, tư duy khác hẳn mình.
Nói về điều kiện sống, chị Ngọc đưa ra hình ảnh ví von tiền hoa quả trong nhà người em đã bằng toàn bộ chi phí chi tiêu sinh hoạt, học hành của gia đình chị Ngọc.
Mối quan tâm hàng ngày của chị Ngọc về con cái là thi bao nhiêu điểm, xếp loại học sinh giỏi hay xuất sắc, thi đỗ trường nào thì hai đứa cháu như ở thế giới khác.
Chúng không có khái niệm về vấn đề điểm số, xếp loại. Chúng chơi bóng rổ, bơi lội, chơi bowling, chơi đàn, nghe nhạc cổ điển, đọc sách, đọc rất nhiều sách bằng tiếng Anh.
Chúng nói chuyện với bố mẹ, thầy cô, nói chuyện với những người bên nước ngoài về các dự án về môi trường, giúp đỡ trẻ em nghèo rồi lên chương trình, kế hoạch, thiết kế.
Như hè này, hai cháu chị tham gia khóa hè ở Úc và Mỹ với chi phí mỗi đứa gần 400 triệu đồng với rất nhiều trải nghiệm.
Từ nhà người em trở về, chị Ngọc nói cảm giác lớn nhất là... chạnh lòng. Có điều chị không thể phủ nhận, các em mình quá giỏi giang, tài năng nên có điều kiện tạo nền tảng tốt cho con đến vậy. Chi phí tiền tỷ cho con học với số đông là quá kinh khủng nhưng đó chỉ là một phần rất nhỏ trong thu nhập, khối tài sản của người em.
Trước chị Ngọc khư khư, có giàu cũng không bao giờ tốn tiền cho học như vậy nhưng giờ suy nghĩ của chị đã khác đi ít nhiều. Đặc biệt, lúc này chị mới thấm thía câu mọi người hay nói với nhau: "Đừng dạy người giàu cách xài tiền". Bởi mình không giàu như vậy sẽ không hiểu hết quan điểm, góc nhìn, tư duy, trải nghiệm của họ.
Trong cuốn "Cẩm nang chọn trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT tại TPHCM", chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên cho hay với nhiều ưu thế về mặt ngôn ngữ, chương trình, cách tiếp cận, trường quốc tế tại Việt Nam trở thành mô hình tham chiếu, tham khảo cho các trường học để học tập các thông lệ tốt của giáo dục thế giới. Tuy nhiên, cũng có những băn khoăn trường quốc tế tạo ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Ông Bùi Khánh Nguyện chia sẻ, học phí tại các trường quốc tế do phụ huynh chi trả, thường rất cao và chỉ khoảng 5% dân số có khả năng tiếp cận. Học phí tại các trường cũng tăng mạnh 10 - 15% mỗi năm, trường có mức học phí cao nhất hiện đã chạm mốc gần 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia giáo dục này không thể nói số tiền này lớn hay nhỏ vì phụ thuộc vào điều kiện và nhu cầu của mỗi gia đình.
Đây là lựa chọn chủ động, có người sẽ thấy đắt hoặc thấy giá trị thu nhập không tối ưu bằng các lựa chọn khác nhưng có người lại thấy phù hợp khi con có môi trường tốt mà vẫn được ở cùng gia đình, không phải ra nước ngoài.