Cho điểm trò, nhận rõ “điểm” thầy

Không ít trường hợp giáo viên hạ bút cho điểm không đúng với năng lực học sinh đã vô tình làm ảnh hưởng đến uy tín của chính mình, đánh mất niềm tin cũng như sự kính trọng của học sinh.

Trong suốt quá trình học tập từ phổ thông đến ĐH, ai cũng có thể gặp phải những sự cố bất thường khi nhận được kết quả không hề chờ đợi. Tuy nhiên, khi đã học tốt một môn nào đó mà kiểm tra, thi cử vẫn bị điểm kém dù biết chắc bài mình làm đúng, chúng ta sẽ vô cùng hụt hẫng, hoang mang.

Sốc vì điểm thấp bất thường

Phải tác động vào tâm lý theo chiều hướng, mức độ nào để tìm cách hóa giải điểm số đó nhằm lấy lại thăng bằng mà học tập tiếp? Đây là việc không hề đơn giản đối với học sinh, nhất là các em THCS. Một số em không dám bộc bạch với phụ huynh, giữ bức xúc một mình để rồi âm thầm chịu đựng hoặc tìm cách nổi loạn. Nếu phụ huynh ít quan tâm, không giúp sức cùng con cái tháo gỡ, hậu quả bất lợi về tâm lý là điều không thể tránh khỏi.

Cô và trò Trường THPT Marie Curie, TPHCM trao đổi bài học. (Ảnh: Tấn Thạnh)
Cô và trò Trường THPT Marie Curie, TPHCM trao đổi bài học. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Một chiều thứ tư, sau giờ tan học, con gái tôi về nhà với vẻ mặt căng thẳng ủ dột. Tôi gạn hỏi mãi, cháu mới nức nở: “Từ lớp 1 tới giờ, chưa khi nào con bị 5 điểm môn văn mà lần này chỉ 3 điểm. Mẹ không biết đâu, bạn H. cũng bị 2 điểm. Sốc nhất là bạn T., đại diện khối 9 thi học giỏi văn tỉnh mà bài này 1 điểm. Bị điểm thấp toàn là mấy bạn không học thêm với cô, còn những bạn lâu nay học dở văn mà học thêm đều được 7 - 8 điểm”.

Đến lượt tôi ngạc nhiên. Nhất là khi đọc xong bài của con, tôi không thể hiểu được tại sao 1 bài văn như thế mà cô giáo có thể hạ bút cho 3 điểm. Con tôi kể thêm: “Tuần trước, cô hỏi cả lớp có ai đăng ký học thêm cô không, năm lớp 9 này quan trọng lắm, cuối năm điểm thấp không xét vào được lớp 10 công lập thì đừng trách. Một bạn đứng dậy nói: “Cô ơi, bọn con học chương trình song ngữ, mỗi ngày đã học trên lớp 2 buổi còn học thêm ngoại ngữ; buổi tối phải học bài, làm bài tập, thời gian kín hết rồi”. Nghe thế, cô bảo học ca từ 5 giờ đến 6 giờ rưỡi...”.

Lòng ngổn ngang bao nỗi suy tư, thoạt đầu tôi cảm thấy bất lực nhưng rồi tự nhủ phải tìm cách tháo gỡ. Rất khó để giáo dục con phải tôn trọng, nghe lời thầy cô trong những tình huống như thế. Biết giải thích thế nào để con gạt bỏ định kiến với cô giáo và tiếp tục học tập bình thường?

Công tâm khi đánh giá

Cuối cùng, tôi cũng đủ dũng khí để quyết định gặp cô giáo dù trước đó không khỏi lo lắng, sợ cô có ác cảm với con mình. Với thái độ chân thành nhưng thẳng thắn, tôi đã trình bày hết với cô những suy nghĩ của mình.

Khi nghe tôi giới thiệu là phụ huynh học sinh, cũng là giáo viên có chuyên môn ngữ văn, cô tỏ ra thân tình hơn. Tuy nhiên, khi tôi đưa bảng kết quả học tập năm lớp 8 của lớp con mình ra, cô thoáng chút bối rối. Sau đó, cô cố giải thích chương trình lớp 9 khó, đây là bài làm văn đầu tiên, đôi khi các em chủ quan, làm lạc đề nên kết quả thấp... Bằng thái độ cởi mở, tôi cho cô giáo thấy rằng mình hoàn toàn không có ý trách cứ mà chỉ mong muốn cô làm đúng chức trách.

Chuyện trên đây phản ánh một thực tế nhức nhối hiện nay: Một số thầy cô đã dùng điểm số để ép học sinh học thêm mà không quan tâm đến việc làm sao để nâng cao năng lực học tập của các em bằng những giờ dạy chính khóa trên lớp.

Trong trường hợp này, chính điểm số mà giáo viên hạ bút cho học sinh đã vô tình làm ảnh hưởng đến uy tín của chính mình, đánh mất niềm tin và sự kính trọng của học sinh - điều không thể mua hay đánh đổi bằng tiền. Cái khó của giáo viên nhiều khi không nằm ở phương pháp truyền thụ kiến thức, rèn luyện kỹ năng mà ở khâu đánh giá cho điểm. Nhất là khen chê, phải sao cho sát thực, công bằng để học sinh phát huy ưu thế, khắc phục khiếm khuyết là cả một nghệ thuật.

Người thầy được tôn trọng, nể phục hay bị nghi ngờ có động cơ, được đánh giá cao hay bị coi thường... không chỉ tùy thuộc bề rộng, chiều sâu của kiến thức, bề dày của phương pháp mà còn do cách đánh giá của chính mình. Học sinh sẽ nhận ra, thấy rõ “điểm” thầy khi quan sát, chiêm nghiệm về cách cho điểm của giáo viên trong suốt quá trình học tập. Một giáo viên giỏi còn là người biết “đọc” cảm xúc của học sinh sau mỗi lần đánh giá nhằm uốn nắn trò và điều chỉnh mình để việc đánh giá học sinh được chính xác, công bằng. 

Đừng tạo thêm áp lực vì điểm số

Những bậc làm cha mẹ lắm lúc nhìn con mà thương xót, ái ngại. Bởi  lẽ, bọn trẻ bây giờ phải chịu đựng, đối diện với quá nhiều áp lực. Áp lực bởi chương trình học tập nặng nề, quá tải; áp lực bởi căn bệnh thành tích trầm kha phải chạy đua bằng mọi giá; áp lực do không có thời gian, không gian để vui chơi giải trí; áp lực khi ra đường có thể bị tai nạn giao thông, bị chọc ghẹo, tẩy chay, thậm chí bị đe dọa, cướp giật...

Do vậy, thầy cô đừng tạo thêm áp lực cho các em nữa. Hãy đặt học sinh vào vị trí con em mình, tạo điều kiện cho các em được học hành bình thường, phát triển tự nhiên. Đó là điều bất cứ phụ huynh nào cũng mong mỏi.

 

Theo Dương Thành

Người Lao Động