Nghệ An:
Chi tiền tỷ xây phòng đọc sách miễn phí cho trẻ em
(Dân trí) - “Tổ hợp” phòng đọc, khu thể thao, giải trí 4 tầng được ông Đặng Khắc Dũng đầu tư với số tiền hàng tỷ đồng. Đặc biệt, công trình này phục vụ hoàn toàn miễn phí cho nhu cầu đọc sách của các cháu học sinh và nhân dân xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Thời đại “cái gì không biết thì tra Google” nên khi ông Đặng Khắc Dũng (SN 1962, trú xóm Thái Sơn, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) quyết định dành mảnh đất đắc địa, đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng thư viện sách, nhiều người đã lên tiếng can ngăn. Thậm chí, có người còn bảo ông là gàn.
Nhưng ông Dũng “gàn” vẫn quyết thực hiện ý định của mình. “Ngày trước nhà tôi nghèo, đông anh em nên riêng sách giáo khoa anh chị học trước, giữ gìn cẩn thận để lại cho em, nói gì đến sách nâng cao, sách tham khảo. Nhiều khi mượn được cuốn sách, cuốn truyện hay là đọc ngấu nghiến quên cả ăn. Bởi vậy, tôi luôn ước ao có thật nhiều sách để đọc.
Với lại, giờ cái gì người ta cũng tra google, rồi điện thoại, ti vi… trẻ con cũng ít đứa thích thú với việc đọc sách. Tôi muốn các cháu biết rằng, đọc sách cũng có cái thú của nó. Mỗi trang sách sẽ đọng lại trong trí nhớ chứ không trơn tuột, đọc rồi quên ngay như trên mạng”, ông Dũng tâm sự.
Ý tưởng thì có từ lâu, khi ông Dũng đưa ra bàn bạc với lãnh đạo địa phương, ai cũng ủng hộ. Ngặt nỗi, quỹ đất của xã lại không có. Ông Dũng quyết định “ôm” gần 1 tỷ đồng mua mảnh đất rộng 200m2 để chuẩn bị mặt bằng. Có đất rồi, ông lại gom tiền tích lũy từ bấy lâu nay, vay mượn thêm để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Sau mấy tháng thi công, công trình 4 tầng của ông Đặng Khắc Dũng đã hoàn thành. Trong đó, tầng 1 được thiết kế làm phòng đọc sách, được trang bị 10 bộ bàn ghế phục vụ độc giả. Tầng 2 là phòng Ngoại ngữ – Tin học, được trang bị máy tính để khách có thể học và tra cứu thông tin. Tầng 3 được thiết kế là khu thể thao với bàn cờ vua, bóng bàn. Tầng 4 là khu vực giải trí, nghỉ ngơi và phục vụ ăn nhẹ, giải khát.
"Ban đầu, nhiều bạn bè của tôi không hiểu, cũng nói ra nói vào, chẳng qua là vì họ lo cho tôi thôi. Hai đứa con tôi thì rất ủng hộ bố", ông Dũng nói.
Trong thời gian chờ ngôi nhà hoàn thành, ông Dũng đi tìm kiếm các loại sách. Trước hết là ưu tiên các cháu học sinh tiểu học bởi với ông, khơi gợi niềm yêu thích đọc sách cần phải thực hiện khi còn nhỏ. Với phương châm “học mà chơi, chơi mà học”, ông tìm mua các loại sách nâng cao, sách tham khảo và các tác phẩm văn học, truyện tranh, truyện lịch sử phù hợp với tâm lí lứa tuổi các cháu. Tìm được trên 4.000 cuốn sách, ông Dũng lại tự mình phân loại, làm thẻ đánh dấu…
“Tôi muốn biến nơi đây thành nơi giao lưu học hỏi, giúp các em học sinh, đặc biệt là học sinh nghèo trong xã có cơ hội được đọc sách miễn phí, bà con nhân dân địa phương có thêm cơ hội để nâng cao dân trí. Vì vậy, phòng đọc sách của tôi không thu một đồng tiền nào của mọi người. Mọi người cứ an tâm cho con em đến đây, đọc sách không bao giờ là thừa cả”, ông Dũng tâm sự.
Ngày 30/4 vừa qua, “Phòng sách thân thiện” của ông Dũng đã chính thức khai trương, mở cửa đón khách. Đây thực sự là một sự kiện “chưa có trong tiền lệ” ở làng quê này. Không chỉ thu hút trẻ em trong vùng đến đọc sách, thư viện của ông Dũng còn là địa chỉ tin cậy của các phụ huynh. Nhiều ông bố, bà mẹ đưa con đến đây, với sự hướng dẫn và chia sẻ chân tình của ông đã bắt đầu rời smatphone để tìm đến những cuốn sách.
Háo hức với cuốn truyện tranh về các vị anh hùng dân tộc, em Nguyễn Tuấn Minh (9 tuổi) nói: “Thư viện của ông Dũng rất nhiều sách, nhiều truyện tranh. Cháu thì tự tìm sách để đọc còn các em nhỏ hơn được ông hướng dẫn nên chọn cuốn nào. Ông cũng thường xuyên nhắc nhở chúng cháu bảo quản sách để những người sau cũng có sách để đọc”.
Văn hóa đọc đã thực sự lan tỏa rộng rãi, ngày càng nhiều các cháu nhỏ và phụ huynh tìm đến “Thư viện ông Dũng”. Để phục vụ nhu cầu đọc của người dân và các em học sinh, thư viện mở cửa tất cả những ngày trong tuần và kéo dài đến 21h đêm. Một mình làm không hết việc, ông Dũng phải thuê thêm nhân viên phục vụ.
Hiện tại “Phòng sách thân thiện” mới chỉ hoàn thiện cơ bản phòng đọc, nhiều khó khăn vẫn đang ở phía trước.
“Sách thì tôi vẫn đang tiếp tục vận động từ bạn bè, người thân và con em Nghi Thái xa quê. Mỗi người một tay thì phòng đọc sẽ có sách đa dạng hơn cho các cháu. Còn phòng học ngoại ngữ, tin học, khu vui chơi giải trí thì vẫn còn thiếu thốn khá nhiều, rồi tiền trả lương cho các nhân viên nữa. Vẫn phải tiếp tục cố gắng thôi, sức mình cố được đến đâu sẽ làm đến đó…”, ông Dũng nói.
Nói về việc người dân tự bỏ tiền tỷ xây thư viện miễn phí, ông Đặng Văn Phương - Chủ tịch UBND xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc cho hay: “Ông Đặng Khắc Dũng không phải là người có kinh tế nhất xã, nhưng ông là người có tâm và có công lớn trong việc lan tỏa văn hóa đọc đến các cháu học sinh. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn có người mua đất xây nhà chỉ để mở phòng đọc miễn phí. Chính quyền xã hết sức ghi nhận sự đóng góp và cái tâm của ông Dũng”.
Hoàng Lam