Chỉ nên có một mức điểm sàn!

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa đưa ra dự thảo 2 mức điểm sàn trên và điểm sàn dưới để lấy ý kiến đóng góp. Nhiều ý kiến không đồng tình và cho rằng không nên lập 2 điểm sàn, không "chiều" theo một số trường ngoài công lập vì như vậy chất lượng giáo dục sẽ thấp.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng giải pháp mà Bộ GD-ĐT đưa ra chỉ giúp một số trường giải quyết được khó khăn tạm thời. Dù có hạ điểm sàn mà chất lượng đào tạo không bảo đảm thì người khôn ngoan cũng sợ lãng phí thời gian và tiền bạc, không vào học vì học xong cũng không làm được việc gì.

Do vậy, GS Thuyết đề nghị: “Bộ GD-ĐT không nên lập 2 mức điểm sàn. Nếu chiều theo một số trường ĐH-CĐ ngoài công lập, hạ điểm sàn xuống nữa để họ tuyển đủ chỉ tiêu thì thử hỏi mục đích đào tạo của chúng ta là gì?”.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Trọng Thắng - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Mỏ Địa chất nêu quan điểm: “Nếu đưa ra mức điểm sàn dưới để cứu vớt các trường ngoài công lập thì không hay, không đảm bảo được chất lượng. Hậu quả của các trường ngoài công lập không tuyển sinh được là do mở trường ồ ạt. Theo tôi, những trường nào kém chất lượng quá, không tuyển sinh được thì nên giải tán”.

Bộ đưa ra 2 mức điểm sàn như vậy không đúng bản chất của vấn đề, nên chỉ lấy 1 điểm sàn, cần gì 2 mức điểm sàn vì nhiều trường lấy điểm chuẩn trên điểm sàn của Bộ hàng năm - ông Thắng cho hay.
 
Nhiều trường ĐH công lập không đồng ý với 2 mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra
Nhiều trường ĐH công lập không đồng ý với 2 mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra.

Tương tự, ông Đinh Văn Chỉnh - phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Nghiệp cho biết: “Chúng tôi ủng hộ phương án điểm sàn như các năm trước vì mức điểm sàn như vậy có tính khả thi cao. Nếu đưa ra mức điểm sàn dưới như hiện nay thì tính ra thí sinh chỉ cần đạt hơn 3 điểm/môn đã đỗ đại học rồi, như thế chất lượng rất kém”.

Phân tích lý do mà Bộ GD-ĐT không phải ngẫu nhiên mà đưa ra 2 mức điểm sàn này, ông Lê Quốc Hạnh - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Hà Nội cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Bộ đặt ra 2 mức điểm sàn này. Bộ đang có chủ trương giao dần quyền tự chủ cho các trường vì các trường có chức năng đào tạo như nhau. Tôi thấy có nhiều quan điểm đặt ra: thứ nhất, nếu đặt mức tuyển cao quá thì họ không tuyển được như các trường ngoài công lập trong thời gian vừa qua. Thứ hai, một số trường quan tâm đến chất lượng đầu vào vì nếu đầu vào thấp sẽ kéo đến chất lượng kém. Thứ ba, có ý kiến cho rằng nếu đóng chặt cách tuyển sinh của các trường ĐH nội địa thì các trường nước ngoài đến Việt Nam họ lại đưa ra phương thức xét tuyển thì ngoại tệ của mình bị chuyển ra nước ngoài.

Ông Hạnh nhận định: “Không phải ngẫu nhiên mà Bộ GD-ĐT lại đưa ra 2 mức điểm sàn này. Phương án này mở ra hướng tích cực, uyển chuyển và hợp lý để trường nào cũng có lợi. Điểm sàn trên dành cho những trường quan tâm tới chất lượng đầu vào, điểm sàn dưới dành cho những trường hàng năm khó tuyển sinh. Với trường lấy điểm sàn dưới sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho sinh viên trong thời gian đào tạo”.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, vẫn phải giữ điểm sàn và cũng không nên quy định mức điểm sàn quá thấp, bởi như vậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Các trường sẽ không thể tuyển chọn được những sinh viên giỏi, có chất lượng cao nếu điểm đầu vào quá thấp.

“Thực tế cho thấy, những trường quan tâm đến điểm sàn thường là những trường “tốp dưới”, trường ngoài công lập, bởi họ lo lắng nếu điểm sàn cao họ sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, việc có tuyển đủ chỉ tiêu hay không, có thu hút được sinh viên không lại không nằm ở vấn đề điểm sàn cao hay thấp. Quan niệm bỏ điểm sàn hay hạ thật thấp điểm sàn để có thí sinh là không đúng” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Hồng Hạnh