Kiến nghị tăng chế độ và thời gian nghỉ hè đối với giáo viên
(Dân trí) - Theo nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu, có thể xem nhà giáo là "viên chức đặc biệt trong hành chính sự nghiệp", từ đó nghiên cứu đưa ra những chế độ, chính sách tương xứng.
Ngày 14/4, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Nhà giáo.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề tuyển sinh ngành sư phạm, tuyển dụng giáo viên, các chế độ, chính sách (tiền lương, thời gian nghỉ hè, nghỉ hưu), xử lý trách nhiệm,… đối với nhà giáo.

Ông Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu (Ảnh: CTV).
Cần chế độ chính sách cao cho nhà giáo
Theo nhà giáo ưu tú (NGƯT) Trần Vĩnh Thuận, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Bạc Liêu, giáo dục có ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của xã hội. Do đó, việc tuyển sinh ngành sư phạm cần có những chính sách thu hút sinh viên có tài, có tâm huyết với nghề nghiệp để cống hiến cho ngành giáo dục.
Cũng như ngành nghề khác, ngoài thực hiện yêu cầu nhiệm vụ với xã hội, theo ông Thuận, nhà giáo còn có sứ mệnh vừa khai tâm, vừa khai trí, vừa dạy người, vừa dạy chữ, công việc rất đặc thù. Trong khi đó, mức lương của nhà giáo chưa cao, khiến nhà giáo khó toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ của mình.
"Nhà giáo cần có sự an tâm tối thiểu là cuộc sống ổn định ở mức trung bình khá trở lên, để dìu dắt học sinh hiệu quả hơn", NGƯT Trần Vĩnh Thuận kiến nghị.
Ông Trần Văn Chiêu, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu, cho rằng nhà giáo cũng là viên chức nhưng đặc thù hơn, có thể xem là "viên chức đặc biệt trong hành chính sự nghiệp".
Do đó, ông kiến nghị chế độ tiền lương, các phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo cần cao hơn. Đây cũng là biện pháp nâng cao đời sống, tạo thu nhập chính đáng cho nhà giáo, nhằm ngăn ngừa hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan.

Ông Trần Văn Chiêu, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu, cho rằng có thể xem nhà giáo là "viên chức đặc biệt trong hành chính sự nghiệp" (Ảnh: CTV).
NGƯT Trần Thị Năm, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Bạc Liêu, cũng cho rằng cần có chế độ đãi ngộ tốt để nhà giáo toàn tâm, toàn ý trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Giáo viên cần thời gian nghỉ hè trọn vẹn
Thầy Trần Minh Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Riêng, cho biết trong năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành thời gian nghỉ hè của giáo viên.
Tuy nhiên, theo ông Hậu, thời gian nghỉ hè "nói là có nhưng nhiều giáo viên hoạt động trong thời gian hè còn nhiều hơn thời gian trong năm học".
"Nếu thời gian nghỉ hè được đưa vào Luật Nhà giáo thì cần quy định một khoảng thời gian trống nhất định để anh chị em nghỉ ngơi thật sự. Chứ một ngày làm rồi nghỉ 5-7 ngày trong thời gian hè thì giáo viên khó sắp xếp nghỉ hè trọn vẹn", ông Hậu nêu ý kiến.
Về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo, theo Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Riêng, trong dự thảo Luật Nhà giáo đưa ra chỉ có giáo viên mầm non được nghỉ sớm. Theo ông, giáo viên phổ thông cũng nên được nghỉ hưu sớm 5 năm theo quy định.
NGƯT Trần Thị Năm, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Bạc Liêu, cũng đồng tình với việc thời gian nghỉ hè của giáo viên được bố trí phù hợp, không phải lấn cấn với kế hoạch tuyển sinh, thi, chấm thi,...
Theo bà, cán bộ quản lý hoạt động làm việc suốt, còn giáo viên có quy định thời gian nghỉ hè sau khi kết thúc năm học. Do đó, cần quy định rõ thời gian nghỉ hè để giáo viên được nghỉ trọn vẹn, có kế hoạch cùng gia đình nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng tiếp tục cho năm học sau.
Cũng theo NGƯT Trần Thị Năm, với chế độ nghỉ hưu của nhà giáo, có một số giáo viên đề nghị điều chỉnh ưu tiên cho giáo viên nữ các cấp học có thể nghỉ hưu sớm giống như giáo viên mầm non.

Thầy Dư Quốc Kiệt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bạc Liêu, phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CTV).
Nhà giáo được ưu tiên quan tâm nhưng cũng cần xử lý trách nhiệm tương xứng
Thầy Dư Quốc Kiệt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bạc Liêu, cho rằng nhà giáo được ưu tiên quan tâm thì việc xử lý trách nhiệm phải cao (nếu vi phạm những quy định cụ thể), như vậy mới công bằng, thậm chí đưa ra khỏi ngành. Theo ông, qua đó để răn đe, sàng lọc lại nhà giáo tốt.
Ông Nguyễn Bá Ân, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu, cũng đồng tình với ý kiến này. Theo ông, dự thảo Luật Nhà giáo đưa ra những việc nhà giáo không được làm, nếu ai vi phạm cần có chế tài xử lý cụ thể.
Theo ông Trương Công Lập, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, có 2 vấn đề lớn cần quan tâm đối với nhà giáo là lương và công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhất là phát triển đảng viên.
Ông Nguyễn Huy Thái, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu, cho biết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV (dự kiến khai mạc ngày 5/5), theo dự kiến chương trình làm việc, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ tiếp tục được thảo luận.
Tại hội nghị đóng góp ý kiến, hầu hết các đại biểu ý kiến tán thành cần có Luật Nhà giáo. Tất cả các ý kiến sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu ghi nhận, phản ánh đến cơ quan thẩm quyền một cách khách quan, trung thực.
"Việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo góp phần hoàn thiện khung khổ pháp lý về giáo dục, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt, đó là: xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng; tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy, người học; tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề", theo Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu.