Chế tài nào để "quản" giảng viên đi học tiến sĩ theo ngân sách nhà nước?
(Dân trí) - Theo Đề án 89, các cơ sở đại học được tuyển chọn, gửi giảng viên đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo cho tới việc sử dụng.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT cho biết, Quyết định 89-QĐ/TTg, nội dung của Đề án 89 là nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, hướng tới các mục tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ cho 10% giảng viên đại học (trong đó 7% là đào tạo ở nước ngoài, 3% đào tạo trong nước);
Đồng thời, đào tạo để trên 80% giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ trở lên.
Ngoài ra, bồi dưỡng kỹ năng quản trị đại học cho giảng viên là cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và bồi dưỡng một số kỹ năng như: phát triển chương trình đào tạo, ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy… cho 100% giảng viên;
Đặc biệt, có chính sách thu hút 1.500 nhà khoa học, những người có trình độ tiến sĩ về làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.
Có thể gọi đây là Đề án tiếp nối các Đề án 322 và 911 do ngân sách nhà nước tiếp tục đầu tư tập trung vào đào tạo ở trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, mục tiêu của Đề án 89 bám sát hơn nhu cầu đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các trường, đồng thời cơ chế quản lý triển khai Đề án có thay đổi căn bản.
Nếu như đối với các đề án 322, 911, Bộ GDĐT trực tiếp tuyển chọn ứng viên theo các tiêu chí quy định tại các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện đề án thì ở Đề án 89 này, căn cứ vào các tiêu chí về chuyên môn và hướng dẫn của Bộ GDĐT và các bộ liên quan, cơ sở GDĐH sẽ tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo (với 3% đào tạo trong nước) trên nguyên tắc chia sẻ kinh phí giữa nhà nước và cơ sở đào tạo cử giảng viên tham gia Đề án, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ứng viên thụ hưởng Đề án.
Phóng viên: Như vậy với nhiệm vụ này, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chính yếu trong cả quy trình tuyển chọn, gửi giảng viên đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo cho tới việc sử dụng sau đào tạo và bồi hoàn kinh phí đào tạo. Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy: Từ bài học thực tế qua triển khai Đề án 911, Bộ GDĐT đang cùng các cơ sở GDĐH xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện việc triển khai đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ của Đề án nhằm tăng cường vai trò của các trường từ khâu đầu tiên là tuyển chọn đến việc gửi giảng viên đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo cho tới việc sử dụng sau đào tạo và bồi hoàn kinh phí đào tạo (nếu có).
Bộ GDĐT sẽ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các trường trong quá trình thực hiện.
Cách tiếp cận khi xây dựng cơ chế quản lý mới này là trên cơ sở các trường cử người đi học là đơn vị thụ hưởng, giảng viên được đi học theo kế hoạch nhân sự của trường, vì vậy trường phải có trách nhiệm quản lý, theo dõi tiến độ học tập hàng năm của giảng viên được cử đi học.
Cơ sở cử giảng viên đi đào tạo sẽ tự chủ, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình trong công tác tuyển chọn ứng viên đáp ứng quy định theo hướng dẫn của Bộ GDĐT và được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ cho giảng viên trong phạm vi Đề án nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định.
Phóng viên: Giao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học, vậy Bộ sẽ quản lý và kiểm soát chất lượng bằng công cụ và hình thức nào?
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy: Cùng với việc ban hành thông tư về chuyên môn (xây dựng các tiêu chí của người ứng tuyển, tiêu chí dành cho cơ sở tham gia đào tạo trong khuôn khổ Đề án, quy trình tuyển sinh và trách nhiệm của cơ sở cử đi, cơ sở tham gia đề án…), Bộ GDĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các trường về quản lý kinh phí do ngân sách nhà nước cấp dành cho đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ trong quá trình thực hiện Đề án.
Bộ GDĐT cũng sẽ hoàn thiện một hệ thống dữ liệu về Đề án 89 (chi tiết đến từng cá nhân thụ hưởng theo từng cơ cở cử đi và tiếp nhận đào tạo) để nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát việc thực hiện Đề án của các trường
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ GDĐT các trường thực hiện theo quy định và phải có báo cáo kết quả thực hiện qua hình thức báo cáo trực tiếp bằng bản cứng theo yêu cầu và cập nhật trên cơ sở dữ liệu chung của Bộ.
Phóng viên: Các đề án cũ, nhiều nghiên cứu sinh sau đi đào tạo nước ngoài đã không trở về nước, nhà nước cũng không lấy lại được tiền ngân sách. Vậy trong đề án 89 mới, việc quản lý ngân sách nên thực hiện như nào để đảm bảo hiệu quả?
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy: Phải khẳng định rằng Đề án 911 và Đề án 322 đã đóng góp không nhỏ trong việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao của Việt Nam.
Tuy vậy, trong quá trình thực tế thực hiện các đề án này, có một số trường hợp người học được thụ hưởng ngân sách nhà nước để đi học nhưng không quay về nước hoặc không quay trở lại làm việc tại cơ quan cử đi.
Theo quy định, những người này phải bồi hoàn kinh phí bao gồm học phí và sinh hoạt phí. Tuy nhiên tỷ lệ bồi hoàn còn khá thấp, mặc dù đã có chế tài.
Để khắc phục, hạn chế tối đa bất cập này, dự thảo Thông tư hướng dẫn 89 đã giao quyền và trách nhiệm trong việc quyết định, lựa chọn và đảm bảo hiệu quả việc thực hiện, cụ thể:
Giao nhiệm vụ cho lãnh đạo cơ sở cử đi có quy định cụ thể về bồi hoàn kinh phí với những chế tài đủ mạnh để áp dụng đối với những trường hợp không thực hiện đúng yêu cầu. Đồng thời, Bộ GDĐT cũng quy định việc xét cấp kinh phí của năm tiếp theo phải trên cơ sở việc thực hiện Đề án 89 tại năm trước liền kề.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng hiện tượng chảy máu chất xám này không chỉ là vấn đề chỉ riêng Việt Nam phải đương đầu mà ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ cũng phải đối mặt.
Đây chính là sự di chuyển nguồn lực con người một cách tự nhiên, theo quy luật phân công lao động. Người Việt Nam có tài ra nước ngoài định cư nhưng cũng có luồng di chuyển ngược lại vào Việt Nam.
Luân chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới là rất phổ biến. Nhà nước xây dựng chính sách hỗ trợ cho giảng viên, cơ sở đào tạo nâng cao năng lực nhân sự.
Và ngược lại, các cơ sở đào tạo, đơn vị sử dụng cũng cần có chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài. Và khi đó, chính sách sẽ quay trở lại thành động lực để cán bộ giảng viên thực sự có mong muốn nâng cao năng lực trình độ để được ở lại cống hiến cho cơ sở đào tạo trong nước, đồng thời thu hút thêm nhân tài ở bên ngoài đến làm việc. Điều đó sẽ mang lại hiệu quả bền vững cho đề án 89.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn bà!