Cha mẹ ở đâu khi con đang lớn?
(Dân trí) - Con trẻ đang trưởng thành cần sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ để lớn lên lành mạnh về thể chất và tinh thần. Nhưng nhiều khi cha mẹ bận làm ăn và để con cho ông bà, người giúp việc chăm sóc. Đến khi con xảy ra sự cố thì cha mẹ mới “giật mình” thu xếp lại công việc để dành thời gian cho con.
Hẳn các bạn đã từng nghe nhiều câu chuyện đáng tiếc xảy ra khi bố mẹ mải làm ăn, để con cho người thân trông nom, trong bài viết này chỉ xin dẫn lại một hai vụ điển hình.
Tháng 4 năm nay, báo chí đưa tin ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) có vụ một nữ sinh 17 tuổi có “quan hệ tình cảm yêu đương” với một thầy giáo 43 tuổi, dạy cấp hai và đã có gia đình. Khi biết việc này, vợ thầy giáo đã túm tóc, tát nhiều cái vào mặt, vào người nữ sinh.
Sau đó, gia đình nữ sinh đã gửi đơn tố giác tội phạm có hành vi dụ dỗ và quan hệ tình dục với nữ sinh 17 tuổi lên cơ quan CSĐT - Công an huyện Ứng Hòa.
Mẹ nữ sinh tâm sự: “Vợ chồng tôi vào TPHCM làm ăn lâu nay. Do không có điều kiện nên cháu ở quê cùng ông bà nội. Sau khi xảy ra sự việc, tôi cũng bỏ công việc từ TPHCM về đây, đưa đón con đi học hàng ngày vì sợ cháu nghĩ quẩn. Theo quan sát của tôi, học kì này cháu học tập rất sa sút. Do vậy, chờ xử lý sự việc xong, cùng với kết quả kiểm tra học kì 2 này xem thế nào, vợ chồng tôi sẽ chuyển cháu vào TPHCM sinh sống với bố mẹ, không ở quê cùng ông bà nội nữa”.
Trước đó, vào đầu năm nay, một vụ việc thương tâm đã xảy ra ở Cà Mau. Ba mẹ cháu K. chia tay, mẹ cháu K. đi làm công nhân ở Bình Dương. Cháu K. (12 tuổi) ở với ông bà ngoại ở huyện Thới Bình, Cà Mau. Vài tháng, chị L. - mẹ cháu K. lại về thăm con một lần.
Tháng 9/2016, chị L. nhận được cuộc điện thoại của con, cháu khóc nức nở kể chuyện bị một người hàng xóm tên B. hiếp dâm nhiều lần. Ông ta còn hăm dọa giết chết nếu cháu dám nói với ai. Chị L. chỉ biết bỏ hết công việc, chạy về quê.
Ngay sau đó, ngày 27/9/2016, chị L. gửi đơn tố giác đến cơ quan chức năng và Công an tỉnh Cà Mau thụ lý. Ngày 29/9/2016, Công an tỉnh Cà Mau thông báo kết luận giám định pháp y xác định màng trinh bé K. bị rách. Đến ngày 6/12/2016, Công an tỉnh Cà Mau ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Chuyện đau lòng xảy ra vào ngày 10/2/2017 khi cháu K. gom nhiều loại thuốc tây có trong nhà uống hết và không bao giờ dậy nữa, để lại bức thư tuyệt mệnh.
Sau hơn 7 tháng bé K. qua đời, tháng 9/2017, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau phê chuẩn khởi tố bị can, tạm giam để điều tra về hành vi dâm ô đối với trẻ em.
Hai vụ việc trên, dù tình cảnh có khác nhau, nhưng có chung chi tiết là bố/mẹ đi làm ăn xa nhà, để con sống cùng ông bà, đến khi con “có chuyện” thì bố mẹ mới biết. Trên thực tế, ông bà là người ruột thịt, có tình cảm yêu thương với các cháu. Tuy nhiên, ông bà không thể thay thế vai trò của người cha mẹ, phần vì khoảng cách lớn về tuổi tác, phần vì ông bà có những mối bận tâm khác với cha mẹ. Do vậy, con trẻ ở cùng ông bà thì bố mẹ có thể yên tâm về mặt ăn uống của con, nhưng về tâm tư, tình cảm của con thì bố mẹ không thể kịp thời nắm bắt được.
Giả sử trẻ có thổ lộ với ông bà thì có thể cũng không được ông bà để ý đúng mức, thậm chí còn gạt đi. Ví dụ như trường hợp của bé gái tự tử sau khi tố bị hiếp dâm, sau này, ông ngoại cháu bé kể lại là cháu từng nói với ông là “ông B. làm chuyện bậy bạ”, “ổng không tốt lành gì đâu”, nhưng ông ngoại lại mắng cháu là “người ta đáng tuổi ông nội ông ngoại, không được nói bậy”.
Tu sĩ Phật giáo người Sri Lanka, Tiến sĩ K. Sri Dhammananda (1919-2006) dạy rằng, đứa trẻ có quyền được thỏa mãn về vật chất, nhưng quan trọng hơn là tinh thần và tâm lý. Việc cung cấp đầy đủ về vật chất đứng sau việc cung cấp tình thương và chăm sóc của cha mẹ.
Còn Tiến sĩ Stephen Covey (1932-2012) - nhà giáo dục, nhà văn, nhà kinh doanh và diễn giả của Mỹ thì cho rằng thật đáng buồn khi những việc quan trọng trong cuộc đời, trong đó có gia đình, lại đang nằm ở vị trí thứ hai hay thứ ba, thậm chí thấp hơn.
Trong hai câu chuyện nêu trên, bậc cha mẹ ở hai gia đình đều bận đi làm xa quê nên mới gửi con nhờ ông bà trông. Nhưng đến khi con gặp “sự cố”, thì họ vẫn phải bỏ lại công việc để về bên con, mong giúp con vượt qua khủng hoảng. Giả sử, ngay từ đầu họ đã ưu tiên cho việc chăm sóc con, thì hẳn là họ đã có kế hoạch khác để có thể đồng hành cùng con trong cuộc sống của mình.
Là ông bố của 9 đứa con, Tiến sĩ Stephen Covey nhấn mạnh rằng, nếu bạn thực sự muốn ưu tiên cho gia đình, bạn cần phải lập kế hoạch và kiên trì. Nếu gia đình thực sự là ưu tiên hàng đầu, bạn phải thật quyết tâm, lập kế hoạch và thực hiện.
Nguyên Chi