Câu chuyện dạy văn qua vụ “ly dị”... môn văn

Câu chuyện du học sinh Lê Phương Uyên phản ứng cách dạy học môn văn hiện nay bằng bức tâm thư hóm hỉnh: Đơn xin “ly dị” môn ngữ văn, gây tranh cãi nhiều chiều.

Phương Uyên cho rằng sau 12 năm học, dù năng khiếu văn chương không tồi, nhưng khả năng viết, diễn đạt, lập luận hết sức kém cỏi so với các bạn đến từ các nước khác.

Rồi sinh viên này nếu mấy điểm yếu chí mạng của “nửa kia”, tức môn văn : tính gia trưởng; hay mộng mơ; không chịu tiếp thu cái mới. Cuối cùng, cô đưa ra 5 giải pháp để mong “nửa kia” khắc phục, để mong một đoạn kết tốt đẹp: “Hãy trở thành một nửa lý tưởng của mọi bạn đời, chứ đừng là kẻ lúc nào cũng bị ly dị sau 12 năm gắn bó”.

Không cần lấy thước đo từ các nước có nền giáo dục tiên tiến,chúng ta cũng có thể thấy được thực trạng giáo dục của đất nước, trong đó dạy và học môn ngữ văn nói riêng, đang ở ngưỡng nào.

Đọc những bình luận, trong đó ủng hộ quan điểm của Phương Uyên không ít, tôi nhớ đến một giai thoại về thi sĩ Bùi Giáng . Có lần đang giảng Kiều cho học sinh, tới đoạn Kiều phải bán mình chuộc cha rồi 10 năm lưu lạc, có lúc phải ở lầu xanh, Bùi Giáng quá xót thương nàng Kiều nên ông khóc như mưa giữa lớp học.

Lê Phương Uyên đang du học ở Hà Lan, cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM. (Ảnh: Báo Lao Động)
Lê Phương Uyên đang du học ở Hà Lan, cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu - Đại học Quốc gia TP.HCM. (Ảnh: Báo Lao Động)

Quá oán giận thói đời đen bạc, những kẻ dã tâm đã làm khổ nàng Kiều mà ông hết mực thương yêu, quý trọng, hết lời ca ngợi nên đập bàn, xô ghế và bị kích động đến nỗi ông phải…nhảy ra cửa sổ lớp học, chạy tốc hành ra bến xe đò về Sài Gòn luôn không dạy học nữa. Cả lớp học nhốn nháo chờ mãi không thấy thầy trở vào nên đổ xô đi tìm, nhưng thầy Bùi Giáng đã không bao giờ trở lại…

Không ai ủng hộ sự “manh động” của Bùi Giáng tiên sinh, nhưng trong góc khuất nào đó, chúng ta vẫn cần nhiều giáo viên dạy văn, có những phẩm chất “điên điên”,nhập tâm vào nhân vật và tác phẩm như thi sĩ họ Bùi.M.Goóc-ki từng nói, văn học là nhân học, liên quan đến hoạt động văn học vẫn phải bàng bạc thuộc tính người mới ổn.

Quanh đi, quẩn lại, vẫn vướng vào vấn đề cốt lõi: Nếu giáo viên dạy văn phó thác vào sách giáo khoa cùng phương pháp dạy không đổi mới, không tạo được không gian để trí tưởng tượng, óc sáng tạo tạo bay bổng, học sinh thì lệ thuộc vào các bài văn mẫu, sẽ sản sinh ra nhiều thế hệ học văn kiểu “đúc khuôn”.

Nguy hiểm hơn, học sinh sẽ chán môn văn, học theo cách đối phó, hay dùng theo ngôn ngữ của Phương Uyên là “ly dị” môn văn.

Khổ nỗi, tình trạng một bộ phận không nhỏ học sinh chẳng những “chán văn”, mà còn chán cả sử, địa lý... là không nhỏ. Nhân nói về học sinh chán ghét sử, có lần giáo sư Phan Huy Lê đã rất thẳng thắn cho rằng, giới trẻ hiện nay chán môn lịch sử là một biểu hiện tích cực. Tức là, các em không chấp nhận với cách dạy như thế này.

Đòi hỏi không phải xóa môn lịch sử mà phải tạo nên nội dung mới và cách giảng dạy hoàn toàn mới. Với cách dạy và học sử hiện nay, bản thân học sinh cũng chán mà ngay cả gia đình các em cũng không thích môn sử. Điều đó thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục.

***

Nhưng để nói rằng tình trạng học sinh chán học các môn như văn, sử, địa, trách nhiệm thuộc về giáo viên cũng có phần thiếu “thấu cảm”. Giáo viên họ cũng chịu “vòng kim cô” từ định hướng còn thiếu sự đổi mớiquyết liệt trong việc dạy và học của Bộ GĐ&ĐT. Vào được hợp đồng, hay khó khăn hơn là có suất biên chế đã cực khó. Mấy giáo viên dám dạy văn kiểu “trữ tình ngoại đề”, hay ngông như cụ Bùi Giáng?

Cho nên, công văn có nội dung cấm giáo viên dạy “ngoài sách giáo khoa” của Bộ GD&ĐT vừa ban hành đã gặp phản ứng rất mạnh mẽ từ chính người của ngành giáo dục, buộc Bộ phải đính chính, thay đổi.

Chắc chắn, không chỉ Phương Uyên là trường hợp ngoại lệ. Nếu thêm nhiều học sinh “ly dị” môn văn, như tinh thần giáo sư Phan Huy Lê, chúng ta cũng nên nhìn ở khía cạnh tích cực.

Theo Hữu Quý

Thể thao & Văn hóa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm