Bạn đọc viết:
Học văn không chạy theo thành tích, được không?
(Dân trí) - Gần đây, trên trang Giáo dục của báo điện tử Dân trí, câu chuyện học văn theo mẫu cùng với căn bệnh thành tích lại được mang ra bàn luận. Là một người trong cuộc, trực tiếp giảng dạy bộ môn đặc thù như môn văn, cùng với những trải nghiệm trong nghề hơn chục năm, người viết mạnh dạn chia sẻ thêm đôi điều.
Trước hết, xin bắt đầu bằng câu hỏi mà bản thân người viết vẫn thường đặt ra (mà có lẽ người giáo viên dạy văn nào cũng đều ít nhiều trăn trở): Dạy và học văn để làm gì? Câu trả lời chắc hẳn cũng rơi vào hàng... kinh điển: Để cảm, hiểu, để sống!
Cho nên, tại sao chúng ta không đặt vấn đề ngược lại: Thành tích có giúp cho cả thầy và trò hiểu, cảm và sống? Đến đây, xin ngược lại thời gian của những ngày học trên ghế giảng đường, những sinh viên Văn khoa chúng tôi mang trong lòng bao lý tưởng, nhiệt thành, mơ mộng và ấp ủ bao hoài bão. Nhưng có phải chính những sinh viên Văn khoa ấy khi chính thức làm thầy đã tự lao theo những con số cấp trên giao một cách vô thức? Xin tiếp nối mạch chuyện này bằng mẩu chuyện nhỏ: Một đồng nghiệp của tôi dạy toán tâm sự rằng thời còn là học sinh phổ thông, bạn rất thích được học văn, nghe văn nhưng một ngày nọ, giáo viên bộ môn này đã mang nguyên một quyển văn mẫu lên lớp đọc cho các bạn chép lấy chép để, kết quả là bạn hết yêu văn từ đó...
Đề xuất của tác giả Trần Thị Loát trong bài viết “Học Văn và bệnh thành tích” cho cấp quản lý là cần “cởi và bỏ” bệnh thành tích là một đề xuất được nói đi nói lại mãi trong ngành, thế nhưng, thiết nghĩ, nếu bản thân giáo viên không chịu khai phóng tư tưởng cho mình (khỏi áp lực thành tích) thì chúng ta sẽ khó lòng bước vào “trận đánh lớn” sắp tới.
Nói ra cũng chẳng để làm gì nhưng đây là một chia sẻ thật lòng của người viết, trong hơn 10 năm giảng dạy, chỉ đôi ba lần tôi có danh hiệu thi đua nhờ “đạt chỉ tiêu”, mỗi lần nhìn đồng nghiệp hân hoan nhận thưởng, tôi cũng có chút chạnh lòng vì cảm giác như mình đang được so sánh với người có thành tích ở chỗ họ giỏi giang hơn, năng lực tốt hơn mình chăng. Nhưng rồi tôi lại tự an ủi rằng mục đích cuối cùng của dạy văn không phải là những tấm giấy khen, sự công nhận đúng nghĩa một người thầy chính ở những gì còn lại trong trò. Về điều này, nó là vô giá. Những vui buồn, yêu ghét, những trải lòng cùng trò, những thành công hay va vấp mà trò tìm đến ta tâm sự... chỉ có thể qua và nhờ những giờ giảng văn mới có chứ không phải có ở những con số phần trăm mỗi khi kết thúc năm học ta vui mừng nhìn thấy.
Trẻ nhỏ cũng có thế giới tình cảm, suy tư, cảm nhận của riêng trẻ. Nhà trường vì căn bệnh thành tích mà “đồng phục hóa” tất cả học sinh nhưng chính gia đình cũng nên là cái nôi dưỡng nuôi, hình thành trong trẻ những xúc cảm, nghĩ suy của chính mình chứ không thể đổ thừa kiểu “tại..., bởi...”.
Trở lại câu chuyện trẻ nhỏ học văn, tôi đã trải qua một “cuộc chiến” với những buộc ràng cứng nhắc từ phía trường lớp mà cậu con học tiểu học của tôi trải qua. Năm cháu học lớp 2, khi tập làm văn, viết về người thân, nhiều bạn của con đều kể “Ba em làm công an”, con chưa viết nhưng khi làm văn nói đã đề xuất “ý tưởng” này, phải giải thích, nói rõ về công việc của cha, con mới đồng ý. Từ xuất phát điểm đó, nay cháu đã lên lớp 4, hiện tại, tôi khá an tâm vì con viết văn cho chính những trải nghiệm của con chứ không theo một bài mẫu cô giáo cho. Muốn thế, thiết nghĩ phải cho trẻ quan sát xung quanh, liên tưởng hình dung...
Vườn nhà tôi có trồng ít hoa, cây ăn quả nên tôi đưa con ra vườn quan sát, hình dung, vận dụng tri thức tiếng Việt cháu học trong chương trình để hình thành câu chữ. May mắn là gia đình có nuôi mèo, con chó nhà hàng xóm có khi chạy sang rồi cả hai “xung đột” thì cháu mới có chất liệu viết về vật nuôi trong nhà. Nếu không có gì cả, bản thân tôi đã chuẩn bị tâm thế là phải dắt con đi vòng quanh tìm kiếm rồi mới viết. Bài thi của con (phần làm văn) nếu quy ra tỷ lệ điểm số, thường ở mức 8-8,5 điểm, với tôi, đó là một thành quả.
Kế đến, phải thấy một điều nếu chỉ giảng văn, dạy văn theo một cực, tức chỉ có thầy giảng (đọc) trò ghi thì đó là một bước lùi. Mà người ta có ai lại đi giật lùi? Bộ Giáo dục trong chương trình mới sắp tiến hành có đặt hoạt động trải nghiệm sáng tạo lên hàng quan trọng. Với môn văn, đây là một lĩnh vực khá phong phú: hóa thân vào nhân vật khi sân khấu hóa tác phẩm truyện, kịch, diễn ngâm với thơ, bài phỏng vấn, phóng sự khi học chương trình địa phương... Thầy sáng tạo thì trò mới được tiếp sức. Bản thân người viết cũng đã nhận được những phản hồi tích cực của học sinh khi đề xuất sân khấu hóa tác phẩm văn học; thực hành phỏng vấn với một nhân vật các em quan tâm. Kết quả là, cả thầy và trò cùng trưởng thành nhờ đó.
Vậy nên, đề xuất cuối cùng của người viết là, đã đến lúc chúng ta không nên loay hoay với “tại, bởi, vì, do” nữa mà hãy cùng bắt tay cho một bộ môn được gọi là “nhân học” như môn văn. Bắt đầu từ mục tiêu của bộ môn, chúng ta hãy tự trả lời câu hỏi cho mình: “Học văn không thành tích, được không?”.
Thùy Dương
(Giáo viên THPT tại Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!