Cần phải làm rõ nhiều vấn đề trước khi tổ chức một kỳ thi quốc gia

(Dân trí)-“Để có đề án đầy đủ về kỳ thi quốc gia, theo tôi cần phải làm rõ một số vấn đề như: Mục tiêu của kỳ thi quốc gia, việc ra đề thi, tổ chức thi, xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia trong việc xét tuyển ĐH-CĐ như thế nào?...”.

Hiện Bộ GD-ĐT đang gấp rút để hoàn thành đề án một kỳ thi quốc gia sử dụng 2 mục đích tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Định hướng của việc đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là làm sao cho kỳ thi nhẹ nhàng, hiệu quả, thiết thực và công bằng, tạo thước đo chung để có thể vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đây là chủ trương rất mới nên hiện vẫn chưa biết đi theo hướng nào tốt nhất. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thành đề án, trong quý 3-2014 sẽ đưa ra tham khảo ý kiến của công luận.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS. Lê Trọng Thắng - Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng: “Để có đề án đầy đủ về kỳ thi quốc gia thì cần phải làm rõ một số vấn đề như: Mục tiêu của kỳ thi quốc gia cớ thể đạt được; Những vấn đề kỹ thuật lên quan đến việc ra đề thi, tổ chức thi, xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia trong việc xét tuyển vào đại học; Việc tổ chức kỳ thi quốc gia có mâu thuẫn gì với phương án bỏ thi đại học “ba chung” không ?...”.

Năm 2015 sẽ chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia duy nhất

Năm 2015 sẽ chỉ còn 1 kỳ thi quốc gia duy nhất.

Là người làm tuyển sinh nhiều năm, với kinh nghiệm của mình, vậy theo ông việc tổ chức kỳ thi quốc gia có mâu thuẫn như thế nào với phương án bỏ thi đại học “ba chung”, hướng giải quyết thế nào ?

Theo tôi có hai hướng sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia trong việc xét tuyển vào đại học.

Nếu kết quả kỳ thi quốc gia được sử dụng để xét tốt nghiệp và bắt buộc tất cả các trường đại học phải sử dụng để xét tuyển thì đây thực sự là một sự đổi mới hoàn toàn. Tuy nhiên, theo cách này sẽ xử lý quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học như thế nào?

Nếu như vẫn bảo đảm quyền tự chủ của các trường, nghĩa là các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển, có thể làm kết quả sơ tuyển hoặc không sử dụng kết quả thi, thì trên thực tể, về hình thức nó lại trùng với phương án bỏ kỳ thi “ba chung” mà Bộ GD-ĐT dự kiến vào năm 2017.

Tôi thấy rằng, để đổi mới theo hướng kỳ thi quốc gia, Bộ GD-ĐT cần khẩn trương xây dựng Đề án Kỳ thi quốc gia một cách khá cụ thể mới có cơ sở góp ý và đánh giá một cách đầy đủ và khách quan, và cũng là điều trả lời nên hay chưa nên tổ chức kỳ thi quốc gia ngay trong năm 2015.

Vừa qua, kỳ thi tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT đã giảm từ 6 môn xuống 4 môn là giảm được căng thẳng, giảm sức ép, giảm tốn kém, tăng chất lượng. Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đề thi sẽ ngày càng tiến tới không phải là các môn thi độc lập mà là các bài thi. Đề thi không phải riêng Văn học, mà bao gồm cả Địa lí, Lịch sử, Giáo dục công dân, hợp tác, hội nhập quốc tế… Học sinh học gì thi nấy, dùng kết quả của nhiều môn học để đi thi, để thể hiện năng lực của mình. Vậy theo ông, một kỳ thi quốc gia nên tổ chức thi theo môn thi hay bài thi?

Việc tổ chức môn thi hay bài thi chủ yếu liên quan đến đổi mới cách ra đề, từ đó tạo động lực cho việc đổi mới việc dạy và học của học sinh chứ không phải là điều bắt buộc cho kỳ thi quốc gia.

Về hướng chung, nếu ra đề thi theo bài thi sẽ tạo được đột phá mới. Tuy nhiên, để làm được vấn đề này cần có thời gian và bắt đầu phải có sự thay đổi dần từ việc dạy và học trong các trường phổ thông. Điều này cũng cho thấy, chúng ta phải làm điều ngược lại là đổi mới từ trong qua trình dạy và học trước rồi mới đổi mới ra đề trong kỳ thi.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên lấy kết quả học bạ để xét tốt nghiệp THPT?

Điều này tùy thuộc vào cách tổ chức và ra đề thi. Nếu cách tổ chức và ra đề thi không khác nhiều với cách làm hiện nay thì rất nên có phương thức xét tốt nghiệp THPT dựa vào cả học bạ và kết quả thi.

Hiện nay, công tác chấm thi tốt nghiệp Bộ GD-ĐT giao toàn quyền cho các Sở GD-ĐT, không chấm theo cụm hay chấm chéo như trước đây. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Chấm thi theo hình thức nào thì yêu cầu quan trọng đầu tiên là phải bảo đảm được tính khách quan của kỳ thi. Tổ chức theo tỉnh là hình thức hiện nay vẫn đang làm và cũng cần phải có những đánh giá khách quan về tính xác thực của kết quả thi. Tổ chức theo cụm thi có thể sẽ có yếu tố tích cực hơn trong việc kiểm soát tiêu cực của kỳ thi.

Ngày 15/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về phương án tổ chức thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh đại học năm 2015. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ thực hiện một kỳ thi chung ngay từ năm 2015. Kết quả kỳ thi được dùng để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Nếu tổ chức 1 kỳ thi quốc gia vào năm 2015, theo ông có hợp lý không?

Thời gian tổ chức kỳ thi hợp lý nhất là sau khi chúng ta chuẩn bị được Đề án một cách đầy đủ và tốt nhất, đồng thời bảo đảm thời gian cần thiết để thí sinh nắm được các thông tin tuyển sinh.

Việc thay đổi một chủ trương lớn, nhất là việc thi cử là chủ trương liên quan đến từng gia đình, từng con người nên nó rất hệ trọng. Tôi nghĩ, năm 2015 tổ chức kỳ thi quốc gia là quá cập rập.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm