Cần khuyến khích học trò tư duy phản biện

(Dân trí) - Câu chuyện một học sinh đặt ra câu hỏi “Sao không chọn người tài lại chọn người nấu món ngon?” sau khi học bài “Bánh Chưng, bánh Dầy” đã thu hút rất nhiều quan tâm của bạn đọc.

Có người ngạc nhiên khi học sinh thẳng thắn trình bày thắc mắc trước một tác phẩm văn học. Có người khen lại có kẻ chê cậu bé ấy “dốt”, học hành trên lớp kiểu gì mà không hiểu vấn đề. Có người phản pháo lại lời bình luận của nhà giáo đã đăng tải dòng trạng thái tự hào về học trò của mình…

“Chín người mười ý”, lâu nay quan điểm trái chiều của dư luận về cùng một vấn đề là điều hiển nhiên và quá đỗi bình thường. Tôi thiết nghĩ, sau câu chuyện ấy, sau những lời bình luận ấy, đọng lại trong chúng ta sẽ là một hướng đi tốt đẹp cho giáo dục: Khuyến khích trò tư duy phản biện và người thầy cần định hướng giá trị!

Văn học bắt rễ từ cuộc đời thực, được phản ánh qua lăng kính chủ quan của người cầm bút. Và khi bước ra cuộc đời thực, tác phẩm văn học lại được tiếp nhận qua nhiều góc độ khác nhau với những thế giới quan, nhân sinh quan khác biệt. Chính vì vậy, đôi khi giá trị của tác phẩm vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính nhà văn. Mỗi người có một cách nhìn nhận, đánh giá, bình luận, cảm thụ riêng.

Học sinh cũng vậy, các em học vô số bài học trên lớp, dưới sự dẫn dắt của thầy cô, tiếp cận với tác phẩm, cảm cái hay, cái đẹp của ngôn từ, tư tưởng. Và đâu đó trong các em là những thắc mắc, những câu hỏi đầy bất ngờ, có lúc bộc lộ rõ sự thông minh, có lúc ngây ngô đáng yêu theo suy diễn kiểu “con nít”. Nào là “Vì sao chị Dậu bán con, bán chó mà không bán thân?”, “Sao lão Hạc phải nhịn ăn cực khổ như thế, cứ lấy tiền để dành mà ăn?”, “Vua Hùng quá thiên vị Sơn Tinh nên sính lễ đều ở trên cạn?”...

Đứng trước các câu hỏi này, người giáo viên nên vui mừng. Vui vì học trò đã để tâm tiếp cận tác phẩm, chứ không phải nghe một cách vô hồn, ghi chép hời hợt, học thuộc lòng như vẹt và trả bài như con chim két. Mừng vì học trò đã dám nói ra thắc mắc, nêu câu hỏi đầy tính tư duy chờ đợi cô cùng các bạn phân tích, bàn luận, thống nhất. Chỉ sợ các em nuôi thắc mắc ấy trong lòng, tự suy diễn, tự giải thích đi chệch hướng những giá trị tốt đẹp.

Lâu nay chúng ta luôn chỉ ra mặt hạn chế của phương pháp dạy học truyền thống theo kiểu truyền thụ một chiều, thầy đọc trò chép, áp đặt tư tưởng, hạn chế tư duy của học sinh. Chúng ta đang thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng phát huy năng lực của người học. Vậy thì sao lại không cho học sinh có quyền nói, có quyền tư duy, có quyền thắc mắc, có quyền phản biện chứ? Hãy khuyến khích các em suy nghĩ, nói, tranh luận, hoạt động…

Và vai trò của người giáo viên trong những tình huống ấy cực kì quan trọng: giúp các em định hướng giá trị, hướng các em tới Chân - Thiện - Mĩ một cách uyển chuyển, nhịp nhàng, không gò bó, không áp đặt, không nhồi nhét. Ngay tiết học ấy hoặc buổi học sau, cô và trò hãy thảo luận thật sôi nổi, tranh luận thật hùng hồn. Một người giáo viên tài năng là người giáo viên biết lắng nghe, thấu hiểu và xử lí tình huống sư phạm ấy thật khéo léo.

Ngọc Hùng

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn  . Xin trân trọng cảm ơn!

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm