“Cần chung tay cứu lấy tương lai các em”
(Dân trí) - Ngày 16/3, Sở GD-ĐT Trà Vinh đã công bố kết luận kỷ luật nhóm học sinh tham gia đánh hội đồng bạn học tại Trường THCS Lý Tự Trọng. Có nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa số đều cho rằng gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay cứu lấy tương lai các em.
Khi nghe hình thức kỷ luật trong nhóm học sinh đánh hội đồng nặng nhất là buộc thôi học 1 tuần, nhẹ nhất là khiển trách, hầu hết người thân nữ sinh N.T.H. P. đều không tán thành vì quá nhẹ, không có sức răn đe. Ông Nguyễn Phước Lập, bác ruột em P. cho biết: "Với kết luận như vậy gia đình không đồng ý vì chưa mang tính răn đe nên gia đình sẽ khiếu nại. Làm như vậy chẳng khác nào cho mấy em bị đánh nghỉ học 1 tuần rồi đâu lại vào đó".
Đối với gia đình những học sinh đánh hội đồng bạn thì đồng ý với kết luận của hội đồng kỷ luật dù với bất cứ hình thức nào. Ông Trần Quốc Dũng, cậu ruột em Lâm Trần Bình Trọng cho biết: "Cha mẹ Trọng ly dị nên từ nhỏ cháu sống với tôi, quyết định kỷ luật như thế nào gia đình cũng chấp nhận vì cháu mình đã sai, đã có hành động bồng bột. Cho dù nặng nhất là đỉnh chỉ 1 năm gia đình cũng chấp nhận. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ hội đồng kỷ luật đã cân nhắc để các cháu có điều kiện sửa đổi những sai lầm của mình. Bây giờ trách nhiệm của xã hội, gia đình, nhà trường phải làm sao uốn nắn các cháu không sai lầm nữa".
Bàn về hình thức kỷ luật ông Phạm Viết Thạch, Trưởng ban thanh thiếu nhi trường học (Tỉnh đoàn Trà Vinh) cho rằng: "Nên thông cảm và tạo điều kiện cho các em sửa đổi. Theo tôi không nên kỷ luật nặng mà giúp các em nhận biết lỗi của mình để trở lại trường vì các em ở độ tuổi còn nhỏ rất quan trọng vẫn là giáo dục. Sắp tới tỉnh đoàn sẽ có kế hoạch đến nhà vận động cho các em đến trường".
"Sắp tới hội phụ nữ sẽ tuyên truyền chị em phụ nữ quan tâm, giáo dục con cái. Trước khi xảy ra sự việc đánh hội đồng, Hội Phụ nữ đã có kế hoạch kết hợp với nhà trường giáo dục các em học sinh nữ và đã thông qua thường vụ. Theo kế hoạch, các cấp hội sẽ thường xuyên dự sinh hoạt đầu giờ để tuyên truyền giới trẻ hiểu rõ về giới, chấn chỉnh tình trạng yêu đương sớm, bạo lực học đường, an toàn giao thông..." - bà Tâm chia sẻ.
Theo bà Tâm, ngoài việc xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, thì nhà trường, gia đình, xã hội cần chung tay để giúp các em sau khi kỷ luật. Tuy sự việc xảy ra, ai trong chúng ta cũng đau lòng nhưng dù đau tới đâu cũng không thể bỏ mặc các em ra ngoài xã hội khi trong độ tuổi còn rất nhỏ. Việc bỏ mặc các em trong lúc này chẳng khác nào cho các em vào đường cùng.
Trong buổi họp báo chiều 16/3, ông Nguyễn Thành Nguyện, giám đốc Sở GD-ĐT Trà Vinh khẳng định: "Hội đồng kỷ luật đã cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi đưa ra hình thức kỷ luật đối với những cá nhân liên quan. Hình thức kỷ luật các em học sinh vừa răn đe nhưng vẫn thể hiện tính nghiêm minh. Sau khi kỷ luật sẽ phân công cụ thể giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội để quản lý tốt hơn. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, nhất là công an để tránh xảy ra tình trạng bạo lực học đường".
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |