Cấm thu tiền học thêm từ 14/2, học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT thế nào?
(Dân trí) - Nhiều trường THPT đã dừng hoàn toàn công tác ôn tập tăng cường với học sinh lớp 12, trong khi đó một số trường vận động giáo viên ôn tập miễn phí.
Từ ngày 14/2, Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Theo đó, tất cả các trường học trên toàn quốc sẽ không được tổ chức học thêm với học sinh nằm ngoài 3 nhóm đối tượng: học sinh yếu kém, học sinh giỏi và học sinh cuối cấp.
Đồng thời, các trường không được phép thu tiền học thêm của học sinh, phụ huynh.
Thông tư 29 tác động trực tiếp đến công tác ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 tại các trường cấp 3.
Các trường đứng trước hai lựa chọn: tiếp tục ôn tập tăng cường cho học sinh và không thu tiền, đồng nghĩa với giáo viên phải dạy miễn phí, hoặc dừng hoàn toàn công tác ôn tập, để học sinh tự ôn hay học thêm tại các trung tâm ngoài nhà trường.
"Ở giai đoạn nước rút này, khi chỉ còn 4 tháng nữa là tới kỳ thi quan trọng của cả 12 năm đèn sách, chúng tôi không nỡ chọn cách thứ hai. Chúng tôi chọn cách thứ nhất", hiệu trưởng một trường THPT tại ngoại thành Hà Nội chia sẻ.
Theo ông, nếu nhà trường dừng dạy thêm, học sinh lớp 12 không khác nào bị bỏ rơi.
Vị hiệu trưởng phân tích: các huyện ngoại thành hạn chế về nguồn lực giáo dục, không có nhiều trung tâm dạy thêm; đời sống kinh tế không cao, phụ huynh không "gánh" được chi phí học thêm đắt đỏ ngoài nhà trường; giáo viên phải tạm dừng dạy thêm cho đến khi hoàn thành các thủ tục đăng ký kinh doanh, báo cáo theo đúng Thông tư 29...
"Chỉ có một bộ phận nhỏ học sinh có năng lực học tập tốt, ý thức tự giác cao trong học tập có thể chủ động ôn tập hay tham gia các khóa học online. Phần đông học sinh vẫn cần sự hướng dẫn, kèm cặp sát sao của thầy cô", vị hiệu trưởng khẳng định.
Cùng lựa chọn, Trường THPT Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ, Hà Nội) tiếp tục duy trì công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 như vẫn thực hiện từ đầu năm và dừng thu tiền. Đồng thời, trường giảm thời lượng ôn tập tăng cường mỗi môn thi từ 4 tiết xuống 2 tiết/tuần.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Vũ Duy Khôi - Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Đỉnh - cho biết: "Mặc dù có rất nhiều tâm tư, các thầy cô vẫn làm việc hết trách nhiệm và tâm huyết, sẵn lòng dạy miễn phí cho học sinh của mình ở giai đoạn nước rút này.
Nhà trường cũng yêu cầu các thầy cô hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học và khuyến khích tinh thần, ý chí tự học ở các em".
Cũng theo ông Khôi, quỹ lương của nhà trường rất lớn, ngân sách nhà nước cấp không đủ để chi trả kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm. Bên cạnh đó, tính đến thời điểm hiện tại, cán bộ giáo viên của trường cũng không được hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 46 của Hội đồng nhân dân thành phố do 100% các trường THPT tại Hà Nội thuộc nhóm đơn vị tự chủ thu chi.
Nhà trường đang chờ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có hướng dẫn chi tiết hơn về việc thực hiện Thông tư 29 cũng như tham mưu, đề xuất các chính sách cho năm sau để các giáo viên trực tiếp tham gia công tác ôn tập cho học sinh cuối cấp không bị thiệt thòi.
Bà Bùi Thùy Linh - Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) - cũng cho biết, nhà trường vận động sự tình nguyện và tinh thần trách nhiệm, chia sẻ của giáo viên để việc ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh khối 12 diễn ra bình thường.
"Nhà trường, giáo viên sẵn sàng thắt lưng buộc bụng vì học sinh, làm sao để các con có kết quả tốt nhất trong kỳ thi đặc biệt quan trọng sắp tới.
Điều đáng tiếc là ngay cả với học sinh khối 10 và 11, các thầy cô muốn ôn tập miễn phí cho các con cũng không được. Nhà trường đã dừng hoàn toàn việc học tăng cường với hai khối này", Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Bàn cho hay.
Khảo sát của phóng viên Dân trí, nhiều trường ở huyện ngoại thành Hà Nội đã dừng hoàn toàn việc ôn tập cho học sinh các khối, bao gồm cả khối 12.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số tỉnh thành như Hải Dương, Yên Bái, Thái Bình, có trường vẫn duy trì ôn thi cho học sinh cuối cấp và không thu tiền, có trường dừng học tăng cường.
Ông Nguyễn Văn Lịch - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt, Yên Bái - chia sẻ: "Trường tiếp tục ôn tập cho học sinh lớp 12 theo đúng quy định của Thông tư 29, tức không thu tiền và mỗi môn thi học 2 tiết/tuần. Chỉ tiêu đã giao cho các thầy cô từ đầu năm. Do đó, dù dạy miễn phí, các thầy cô vẫn chịu trách nhiệm với kết quả của mình.
Tuy vậy, nhà trường vẫn đề xuất lên Sở GD&ĐT, mong chờ những chính sách mới để có thêm ngân sách đảm bảo cho đời sống của giáo viên".
Thông tư 29 cũng sẽ tác động trực tiếp tới học sinh lớp 9 khi việc ôn thi tăng cường vào lớp 10 trong các trường THCS phải giới hạn tối đa 2 tiết/tuần/môn thi và dừng thu tiền.
Khảo sát nhiều trường THCS tại Hà Nội, phụ huynh cho biết họ chưa nhận được thông báo nào từ nhà trường về việc dừng học thêm hoặc dừng thu tiền học thêm kể từ 14/2.
Trong số các trường ở nội thành, Trường THPT Việt Đức đã thực hiện việc không thu tiền học thêm từ 4 năm nay, theo bà Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu trưởng nhà trường.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ, Thông tư 29 hoàn toàn không ảnh hưởng đến kế hoạch, công tác giảng dạy trong nhà trường.
Theo đó, trường tổ chức học thêm bắt buộc với những học sinh có kết quả học tập kỳ I không đạt yêu cầu và tổ chức học thêm để thi tốt nghiệp THPT cho những học sinh có nhu cầu. Toàn bộ các lớp học thêm đều miễn phí. Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm được trích từ nguồn ngân sách của trường.