Thanh Hóa:

Cám cảnh nhà công vụ của giáo viên mầm non

(Dân trí) - Nhiều hôm mưa to, nhà dột khắp nơi, các cô giáo mầm non xã Trung Lý, huyện Mường Lát – Thanh Hóa chỉ còn nước chui xuống gầm bàn trú ẩn. Không chỉ vậy, có những hôm trời mưa không kịp che chắn, sách vở và chăn màn của các cô ướt sũng phải phơi cả tuần trời mới khô.

Xã Trung Lý, huyện vùng cao Mường Lát cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 250km về phía Tây. Điều kiện sống của người dân nơi đây đã thay đổi nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Trong đó, không ít bản giáo viên Mầm non vẫn phải ăn ở, sinh hoạt trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát.

Nhà công vụ của giáo viên Mầm non xã Trung Lý
Nhà công vụ của giáo viên Mầm non xã Trung Lý

Theo thống kê của UBND xã Trung Lý, cả xã có 16 bản thì 11 bản đang thiếu nhà lớp học Mầm non và nhà ở công vụ cho giáo viên. Nhiều nơi, các cháu đang phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn, hoặc nhà dân…Không chỉ học sinh phải học tập trong môi trường thiếu thốn mà các giáo viên cũng đang phải sinh hoạt trong cảnh khó khăn, cực khổ.

Qua tìm hiểu của phóng viên, các điểm trường Mầm non bản Nà Ón, Xa Lao cách trung tâm xã hơn chục cây số. Lâu nay, các cháu học sinh phải học trong lớp học bằng tranh tre, nứa lá. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu học sinh, mới đây nhà trường xin được phòng học của trường Tiểu học để các cháu học nhờ.

Theo cô Lò Thị Phượng, giáo viên điểm trường bản Nà Ón cho biết, việc dạy và học của cô, trò ở đây còn khó khăn, vất vả. Các cháu học sinh đang phải học trong những phòng học tranh tre, nứa lá, còn giáo viên cũng đang ăn ở trong những căn nhà tạm bợ.

Căn nhà công vụ mà cô Phương ở
Căn nhà công vụ mà cô Phương ở

Tại điểm trường bản Xa Lao, đây là điểm trường đã được thành lập từ 10 năm nay. Những ngày đầu, các cháu học sinh nơi đây cũng phải học trong lớp học bằng tranh tre, nứa lá. Nhưng mới đây, nhà trường xin được một phòng học của trường Tiểu học để học sinh đỡ vất vả hơn.

Không chỉ chỗ ở khó khăn, mà vào mùa nắng các giáo viên phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Để có nước nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày, cô Phượng phải đi bộ vài cây số xuống khe suối lấy nước về dùng.

Mùa nắng là vậy, còn về mùa mưa thì khỏi phải bàn. Nhiều hôm mưa to, nhà dột khắp nơi, các cô chỉ còn nước chui xuống gầm bàn trú ẩn. Không chỉ vậy, có những hôm trời mưa không kịp che chắn, sách vở và chăn màn của các cô ướt sũng phải phơi cả tuần trời mới khô.

Điểm học nhờ của các cháu học sinh Mầm non tại trường Tiểu học
Điểm học nhờ của các cháu học sinh Mầm non tại trường Tiểu học

Còn mỗi khi đông đến nơi vùng cao Mường Lát thì lạnh như cắt da cắt thịt. Nhà tranh, vách đất không thể ngăn nổi những cơn gió thổi thốc vào, như lùa qua nhà trống. Cuộc sống sinh hoạt khó khăn nhưng các cô vẫn kiên trì bám lớp, bám bản để dạy học và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Trung Lý cho biết, Trường Mầm non Trung Lý có một trường chính và 16 điểm trường lẻ. Đến thời điểm hiện tại chỉ mới có 5 bản gần trung tâm xã là đã xây được nhà ở giáo viên và phòng học kiên cố, 11 điểm còn lại vẫn đang phải dạy tạm bợ. Bên cạnh đó, giáo viên cũng không có chỗ ở kiên cố, mặc dù nhà trường rất quan tâm, nhưng cũng đành chịu. Với các giáo viên công tác nơi những bản vùng cao chỉ mong sao điều kiện ăn ở được cải thiện để các cô yên tâm công tác.


dscf0058-1444748445625

Văn phòng của trường Tiểu học trước đây chuẩn bị được làm nhà công vụ cho giáo viên Mầm non ở

Ông Ngân Văn Quyển - Phó chủ tịch UBND xã Trung Lý chia sẻ, Trung Lý vốn là xã nghèo nhất của huyện Mường Lát. Nhiều năm trở lại đây, nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên địa phương này đã có sự “thay da, đổi thịt”. Điều khiến địa phương trăn trở nhất hiện nay là việc đầu tư cơ sở vật chất cho các điểm trường Mầm non cả về lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.

Duy Tuyên