Các trường đại học với cuộc đua kiểm định chất lượng quốc tế

Mỹ Hà

(Dân trí) - Các trường đại học cần phấn đấu, cải thiện đảm bảo chất lượng giáo dục, đấy là điều cần thiết đặt lên hàng đầu khi theo đuổi chương trình kiểm định chất lượng quốc tế.

Thông tin trên vừa được chia sẻ tại diễn đàn "Quốc tế hóa Giáo dục Đại học lần thứ 7", do Trường ĐH Ngoại thương tổ chức ngày 1/11 tại Hà Nội.

Theo PGS, TS Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương, việc kiểm định quốc tế có lợi ích nhất định với các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu của việc kiểm định chất lượng quốc tế, trước hết các trường đại học phải đảm bảo chất lượng. Đây là hành trình để chúng ta từng bước tiến tới các tiêu chuẩn giáo dục quốc tế.

Đồng thời, các trường cần có lộ trình rõ ràng để xây dựng chất lượng sao cho đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Các trường đại học với cuộc đua kiểm định chất lượng quốc tế - 1

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương (Ảnh: M. Hà).

"Sau quá trình làm quen với các tiêu chuẩn kiểm định, hiện nay xu hướng các trường đại học Việt Nam bắt đầu hình thành định hướng chiến lược tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế.

Có thể thấy, hiện tại xu hướng này đang phát triển mạnh mẽ và đây là thách thức để các trường ở trong nước được các tổ chức quốc tế công nhận.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng, quá trình đạt được mục tiêu kiểm định chất lượng quốc tế mới quan trọng.

Các trường đại học cần phấn đấu, cải thiện để đạt được chất lượng giáo dục, đấy là điều các trường đại học nên đặt lên hàng đầu khi theo đuổi chương trình kiểm định quốc tế", PGS.TS Phạm Thu Hương chia sẻ.

Về xu hướng hợp tác quốc tế của các trường đại học, PGS.TS Phạm Thu Hương cho rằng, trong giai đoạn phát triển nhanh như hiện nay, việc tận dụng phát triển quốc tế trong phát triển giáo dục rất quan trọng.

Do vậy, tất cả những lĩnh vực có thể tận dụng được, chúng ta nên thúc đẩy và đây là động lực cho các trường đại học trong nước hợp tác phát triển quốc tế.

Đặc biệt với những lĩnh vực có thế mạnh hoặc chúng ta mong muốn hướng tới phát triển, việc hợp tác quốc tế giúp đi nhanh hơn, hiệu quả hơn để đạt được mục tiêu tăng trưởng.

"Hợp tác quốc tế là quá trình lâu dài và các bên tạo niềm tin với nhau. Chính vì vậy, ngay từ đầu, chúng ta có sự cam kết mạnh mẽ.

Do đó, hành trình tạo niềm tin và cùng nhau khai thác nguồn lực mới có sự hiệu quả trong phát triển giáo dục của Việt Nam", PGS.TS Thu Hương khẳng định.

Về điều này, GS Julia Gaimster, Phó Hiệu trưởng Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đang cố gắng đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Đối với các chương trình kiểm định, những cơ sở giáo dục trong nước cần tuân thủ theo quy định của Việt Nam.

Các trường đại học với cuộc đua kiểm định chất lượng quốc tế - 2

Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương (Ảnh: Mỹ Hà).

Tại diễn đàn, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng các chi nhánh quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp giáo dục đại học chất lượng cao.

Các chi nhánh quốc tế giúp sinh viên tiếp cận với nền giáo dục quốc tế chất lượng cao mà không cần phải rời khỏi quê hương. Mặc dù vậy, quá trình thành lập và vận hành các chi nhánh quốc tế không hề dễ dàng.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đang nỗ lực mở rộng cơ sở vật chất nhưng bị giới hạn bởi nguồn lực, trong khi các cơ sở giáo dục đại học quốc tế muốn thiết lập chi nhánh nhưng gặp không ít khó khăn.

Đây là một trong những lý do để Trường ĐH Ngoại thương tổ chức diễn đàn quốc tế hóa, nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về các mô hình đổi mới trong hợp tác quốc tế giáo dục đại học. 

Tại diễn đàn, các khách mời thảo luận về cơ hội, cũng như những khó khăn và hướng đi đầy triển vọng trong tương lai cho việc xây dựng các chi nhánh quốc tế ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. 

Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 31/12/2023, cả nước có 187 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước, 9 cơ sở giáo dục đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Như vậy, trong tổng số 244 cơ sở giáo dục đại học (chưa tính các cơ sở giáo dục thuộc khối quân đội, công an), hiện cả nước đã có 187/244 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước.

Khoảng 57 cơ sở giáo dục đại học chưa kiểm định hoặc chưa được công nhận đạt chuẩn (theo tiêu chuẩn trong nước).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm