Các lưu ý khi ứng dụng giải pháp mô hình lớp học tương tác
(Dân trí) -Nói về mô hình lớp học tương tác, ông Nguyễn Hoài Chương - phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng khi sử dụng CNTT trong dạy học, các thầy cô cần lưu ý cần sử dụng một cách thông minh, nếu không sẽ biến tiết dạy thành ngôn ngữ kỹ thuật thì rất nguy hiểm.
Thực hiện kế hoạch giáo dục tiểu học năm 2013 - 2014, nhằm đưa công nghệ thông tin vào việc dạy học một cách có hiệu quả, Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với công ty Cổ phần IU EDU vừa tổ chức buổi hội thảo Giải pháp lớp học tương tác cho trường tiểu học.
Mô hình học tiên tiến nhưng còn bất cập
Trong năm học 2012 - 2013, Sở GD-ĐT TPHCM đã cho phép hỗ trợ thí điểm giải pháp lớp học tương tác tại 5 trường tiểu học của 5 quận trên địa bàn: Lê Ngọc Hân (Q.1), Nguyễn Thanh Tuyền (Q.3), Trần Bình Trọng (Q.5), Dương Minh Châu (Q.10) và Bành Văn Trân (Q. Tân Bình). Các được triển khai mô hình này được tài trợ hệ thống bảng tương tác, thiết bị kiểm tra trắc nghiệm, phầm mềm soạn giáo án và giảng dạy, bộ giáo án mẫu của khối lớp 1, bộ tài nguyên với nhiều hình ảnh, âm thanh, video….
Sau 1 năm triển khai chương trình thí điểm, nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy theo mô hình đánh giá thiết bị thiết kế có thẩm mỹ, giáo án biên soạn công phu và đặc biệt đã tạo được không khí sinh động, sôi nổi trong lớp học. Tuy vậy, tại hội thảo, các ý kiến cũng cho rằng mô hình này vẫn còn nhiều bất cập.
Cô Đặng Thị Minh Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Trần Thanh Truyền cho rằng bút điện tử dùng viết lên bảng tương tác khá trơn, học sinh viết khó và chữ không đẹp. Ngoài ra, áp dụng mô hình lớp học này học sinh hào hứng hơn do giáo viên tổ chức được nhiều trò chơi kết hơp nhưng chỉ có một bút điện tử nên hạn chế thời gian để giáo viên tổ chức hoạt động cho học sinh.
Còn cô Nguyễn Thị Hồng Xuân - hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Minh Châu thì đề nghị rằng cần khắc phục về yếu tố kỹ thuật như độ sáng của máy chiếu có thể ảnh hưởng đến mắt của học sinh. Đồng thời, mô hình lớp học tương tác này phát huy hiệu quả khi áp dụng vào lớp học có sĩ số học sinh ít dưới 30 học sinh/lớp, nếu nhiều hơn sẽ khó thực hiện.
Một số ý kiến cũng cho rằng ở phầm mềm tập viết có phần ghi âm hướng dẫn cách đọc, đa phần học sinh là người miền Nam nhưng phần ghi âm lại là giọng miền Bắc nên các em khó tiếp thu. Ngoài ra, kinh phí cũng là vấn đề có thể cản trở khi mô hình tương tác này thực hiện theo xã hội hóa giáo dục.
Đừng quá lạm dụng vào công nghệ thông tin
Theo ông Nguyễn Hoài Chương - phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, thời gian qua, ngành giáo dục TPHCM luôn tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Mô hình lớp học tương tác cũng là một trong cái giải pháp được đánh giá cao. Tuy nhiên, ông Chương cũng cho rằng khi sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học, các thầy cô cần lưu ý cần sử dụng một cách thông minh, nếu không sẽ biến tiết dạy thành ngôn ngữ kỹ thuật thì rất nguy hiểm. Ông Chương cũng nói thêm rằng phương pháp này phải đạt 2 yêu cầu: tính khoa học sư phạm và tính hiệu quả. Và sau một năm thí điểm thì cần thẩm định lại hiệu quả của mô hình để các trường cân nhắc có nên triển khai.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học ( Sở GD-ĐT TPHCM) nhấn mạnh, giáo viên không nên lạm dụng mà nên xem công nghệ thông tin là phương tiện để tăng thêm sự tương tác giữa giáo viên và học sinh. Qua đánh giá của 5 trường đã triển khai thí điểm giải pháp này, hầu như đánh giá chung là hứng thú của học sinh và sự nhẹ nhàng, tiết kiệm thời gian cho thầy cô giáo, chứng tỏ giải pháp này có hiệu quả.
Mô hình lớp học tương tác là một những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để nâng chất lượng dạy học chứ không phải là giải pháp duy nhất. Sở GD-ĐT TPHCM mong muốn được giới thiệu nhiều giải pháp đến với các trường để các trường tham khảo, nghiên cứu xem có phù hợp với đơn vị của mình hay không để tự nguyện tham gia.
Lê Phương