Bòn chữ giữa bấp bênh dòng đời...

(Dân trí) - Những đứa trẻ không biết mặt mẹ cha, vừa đi bán vé số, đi làm mướn làm thuê vẫn cắp sách đến trường với những ước mơ cháy bỏng.

“Con chưa bao giờ gặp mẹ”

Gần 6 giờ tối, dù trời mưa, em Phạm Ất Dậu đã có mặt tại Trường tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh, TPHCM) để theo học lớp ban đêm tại Trường Phổ cập giáo dục tiểu học phường 12, quận Bình Thạnh. Năm nay, Dậu lên lớp 3.

Đây là ngôi trường phổ cập tiểu học, được xem như là trường xóa mù chữ cho những hoàn cảnh đặc biệt. Dậu lí nhí: “Mẹ bỏ em từ nhỏ, em chưa gặp mẹ bao giờ. Ông bà nội “lụm” em về nuôi, bố làm phụ hồ...”. Con đường học hành của Dậu cứ lỡ cỡ, dang dở rồi “dạt” về ngôi trường “xóa mù” này.

Bòn chữ giữa bấp bênh dòng đời... - 1

Khi có mấy người bạn đến, Dậu chỉ tay kể kia là Hào, 14 tuổi, tối đến lớp, ngày phụ việc ở tiệm sửa xe kiếm sống. Còn kia - cậu học trò với với chiếc áo thun nâu cũ sờn, nhão - là Tài. Lúc nào đến lớp trong cặp của Tài cũng có tệp vé số, hết giờ học ra khỏi lớp là lao ngay đến các quán ăn, bàn nhậu hay đứng ở các điểm giao thông đèn đỏ mời khách.

Các em theo học tại trường phổ cập, không mất tiền học phí. Thầy cô còn đi vận động, xin quần áo, sách vở cho học trò. Tại ngôi trường này, học sinh đều có hoàn cảnh đặc biệt - đặc biệt các em mới không thể theo học ở các trường thường như bao đứa trẻ. Mồ côi, bị bỏ rơi, có em ở quê theo cha mẹ lên phố kiếm sống; nhiều em lúc nhỏ chưa từng học một con chữ nào, giờ gần 30 tuổi, đã đi làm mới lần đầu đến lớp xóa mù.

Bòn chữ giữa bấp bênh dòng đời... - 2

Hơn 7 giờ sáng, tại quán bún bò trên đường Linh Đông, Thủ Đức, hai cô bé da đem nhẻm, đội mũ phớt, thêm chiếc áo khoác mỏng bên ngoài cầm tập vé số mời khách. Người lắc đầu, người dừng bữa rút mấy tờ vé số...

Có người để ý hơn, hỏi han: “Các con không đi học à, lẽ ra giờ này...”. Một trong hai đứa trẻ nhanh nhảu: “Có ạ, tụi con bán xong rồi về đi học, có hôm đi học trễ”.

Hai đứa bé không có điều kiện đi học trường thường, theo học tại một mái ấm cho trẻ em khó khăn ở Thủ Đức. Cô bé tự giới thiệu mình tên Hoa kể cha bới rác, mẹ bán vé số. Từ bé em đã theo mẹ bán vé, lên 6 tuổi tự đi bán, mãi đến 8 tuổi mới vào mái ấm học chữ. Nay 10 tuổi, Hoa lên lớp 3 nhưng đến lớp bữa được bữa không.

“Ngày con phải bán hết 50 vé. Buổi sáng các quán ăn nhiều người nên con bán rồi mới vào lớp, bán chưa hết thì hết giờ học lại đi bán tiếp”, Hoa cho biết.

Cô bé đi cùng Hoa tên Thanh, bố mẹ mất ở cùng bà ngoại từ bé, đi bán vé số sớm hơn cả Hoa.

Học trò ở lớp học ban đêm của Trường phổ cập phường 12, Q. Bình Thạnh đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Nhiều em mồ côi, bị bỏ rơi...
Học trò ở lớp học ban đêm của Trường phổ cập phường 12, Q. Bình Thạnh đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Nhiều em mồ côi, bị bỏ rơi...

Chòng chành những ước mơ

Được đến trường và có lẽ đi học trong điều kiện thiếu thốn, nguy cơ có thể bỏ học lúc nào nên em nào cũng mang trong mình một ước mơ cháy bỏng.

Như Hoa, em muốn sau này mình sẽ trở thành “cô gái lái tắc xi” vì em muốn được ngồi ô tô, muốn được đi đây đi đó... Còn Thanh, cô bé kiệm lời và nhút nhát hơn lí nhí, em mong bán được nhiều vé số, góp được nhiều tiền sau này có tiền mua một mảnh đất nhỏ ở quê để đưa ngoại về. Ngoại lên thành phố đã lâu, nhà cửa ở quê không còn...

Các em đến trường với những ước mơ cháy bỏng...
Các em đến trường với những ước mơ cháy bỏng...

Em Phạm Ất Dậu, nói như đinh đóng cột, sau này mình phải làm bác sĩ. Rồi em lại tự động viên mình: “Mà muốn làm bác sĩ là không được bỏ học giữa chừng ha cô?”.

Bạn cùng trường với Dậu, em Thạch Hoàng Duy, quê Bạc Liêu, 12 tuổi nhưng nhỏ thó như đứa bé lên 7 đến lớp với ước mong sau này sẽ không phải khổ bố mẹ và anh chị trong nhà...

“Ba mẹ con không biết chữ. Mẹ làm thuê, ba làm thợ lót gạch. Nhà có 6 chị em, các anh chị đều không đi học...”. Duy là con út, học ở quê vừa vô lớp 2 thì ba mẹ dẫn lên thành phố kiếm sống, ba mẹ nói không có tiền nên nghỉ học. Rồi khi biết, học ở ngôi trường phổ cập không mất tiền thì Duy mới lại đến lớp.

Chờ cậu đến đón, em Dương Yến Nhi, học sinh lớp 3 thủ thỉ, mẹ bỏ đi từ nhỏ, em sống với bà ngoại và cậu, vài năm mẹ ghé nhà một lần... Tối đi học, ngày Nhi theo bà đi làm mướn ở quán bánh căn. Nhi nói, sau này em muốn làm cô giáo.. rồi Nhi lại hỏi: “Làm cô giáo thì phải học đến lớp mấy cô?”.

Trong câu hỏi của Nhi, của Ất chứa đựng điều gì đó lo lắng mà các em chưa hiểu và diễn đạt được hết. Đó là nỗi lo về con đường học hành dang dở, nỗi lo những ước mơ chòng chành, đứt gánh.

Buối tối đến lớp, ban ngày em Dương Yến Nhi (bên trái) theo bà làm mướn ở quán bánh căn. Em hỏi: Muốn làm giáo viên phải học đến lớp mấy?.
Buối tối đến lớp, ban ngày em Dương Yến Nhi (bên trái) theo bà làm mướn ở quán bánh căn. Em hỏi: "Muốn làm giáo viên phải học đến lớp mấy?".

Ông Huỳnh Thúc Tịnh, hiệu trưởng Trường Phổ cập giáo dục tiểu học phường 12, Q. Bình Thạnh cho hay, năm học vừa rồi, trường có 14 học xong lớp 5, hoàn thành chương trình tiểu học để có thể theo học lớp 6 ở các trường thường. Vậy nhưng, chỉ 3 em theo học được tiếp...

Cũng nhiều lý do nhưng phần lớn các em không đủ điều kiện kinh tế theo học. Học ở trường thường, các em phải đóng rất nhiều khoản tiền, gia đình không lo nổi, chưa kể cuộc sống nay đây mai đó...

Đến ngôi trường phổ cập này nhiều lần, hình ảnh đeo đẳng tôi là cánh cổng chính của ngôi trường đóng kín mít, chỉ mở một lối phụ rất nhỏ để thầy cô ra vào. Chỉ một đoạn đường ra vào nhưng đủ một cảm giác hun hút...

Vào bên trong là lớp học chữ ban đêm với ánh đèn le lói. Các em bước ra khỏi cổng trường là cả một không gian rộng mở, một thành phố sáng rực... Hy vọng rằng không chỉ con chữ mà cả đường đời sẽ dẫn bước cho những ước mơ của của các em...

Hoài Nam

Ảnh: Phạm Nguyễn - Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm