1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường đại học xây dựng Tài nguyên giáo dục mở

(Dân trí) - Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có công văn gửi các  Giám đốc các đại học, học viện; Hiệu trưởng các trường đại học, trường cao đẳng sư phạm về xây dựng Tài nguyên giáo dục mở nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập thường xuyên, suốt đời.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, các trường ĐH xây dựng Tài nguyên Giáo dục mở nhàm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có nhiệm vụ đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo.

Đặc biệt, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập thường xuyên, suốt đời theo các hình thức khác nhau, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo công bằng xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường đại học xây dựng Tài nguyên giáo dục mở - 1

Xây dựng Tài nguyên giáo dục mở nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập thường xuyên, suốt đời.

Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Thủ trưởng các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm triển khai 4 nội dung:

Thứ nhất, Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, giá trị của tài nguyên giáo dục mở (TNGDM), trước hết là đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường.

Thứ hai, Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch phát triển, khai thác sử dụng TNGDM phù hợp với điều kiện cụ thể của nhà trường, khuyến khích sự tham gia của giảng viên, nhà nghiên cứu, chuyên gia và sinh viên; báo cáo kế hoạch trước 30/10/2019 và định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục thường xuyên).

Thứ ba, Chủ động hợp tác xây dựng, kết nối, chia sẻ TNGDM với các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; chủ động tham gia Đề án Hệ tri thức Việt số hóa (itrithuc.vn), Việt hóa các nguồn TNGDM quốc tế nhằm giúp người học mở rộng cơ hội tiếp cận nội dung học tập chất lượng, tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, suốt đời.

Thứ tư, Phối hợp với các cơ sở giáo dục thường xuyên biên soạn tài liệu bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; xây dựng và thực hiện các chương trình, khóa học mở, đại chúng trực tuyến nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ cho các địa phương, góp phần tăng tỷ lệ dân số được tiếp cận với giáo dục đại học thông qua hình thức giáo dục thường xuyên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ giao Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá các TNGDM của Việt Nam; giao Trường Đại học Tôn Đức Thắng thí điểm xây dựng và triển khai mô hình hợp tác chuyển giao công nghệ khai thác sử dụng TNGDM cho các trung tâm giáo dục thường xuyên phục vụ học tập cộng đồng, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo trước 31/12/2019.

Đồng thời, Bộ giao Vụ Giáo dục thường xuyên chủ trì phối hợp với Vụ Giáo dục đại học, Cục Công nghệ thông tin xây dựng kế hoạch triển khai phát triển TNGDM trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm cung cấp nguồn học liệu cho cơ sở giáo dục thường xuyên, thiết lập hệ sinh thái TNGDM quốc gia đáp ứng nhu cầu học tập của người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Hồng Hạnh