Bộ trưởng Giáo dục giải trình việc “hô biến” môn Lịch sử

(Dân trí) - Không trả lời thẳng câu hỏi “có dám chịu trách nhiệm” khi môn Lịch sử “biến mất” khỏi chương trình phổ thông, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận chỉ khẳng định không “hô biến” môn học này…

Chiều 16/11, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội. Dù không phải “lên ghế nóng”, phần đăng đàn của người đứng đầu ngành Giáo dục vẫn tràn nhiệt lượng.


Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Ngành Giáo dục không “hô biến” môn sử

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Ngành Giáo dục không “hô biến” môn sử"

Bộ trưởng không biết bản dịch mới bài thơ thần đã lên sách?

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) đi thẳng vào câu chuyện thời sự của ngành Giáo dục - thay đổi cách giảng dạy lịch sử từ 1 môn học độc lập thành 1 môn tích hợp. Ông Lai yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục nêu quan điểm về việc này. “Bộ trưởng có dám khẳng định chịu trách nhiệm với vấn đề này vì sai lạc về kiến thức dẫn đến sai lạc về nhận thức đối với lịch sử dân tộc, đất nước?” - ông Lai hỏi.

Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận “trấn an”, ngành Giáo dục không “hô biến” môn sử. Chỉ vì việc cải tiến sách giáo khoa theo hướng tích hợp, không đưa ra tên của môn học Lịch sử trong chương trình nên nhiều người nghi ngại như thế.

Ông Luận khẳng định môn lịch sử không bị coi nhẹ. Hiện nay, các học sinh THPT đang học 1,5 tiết lịch sử/tuần học. Còn theo hướng thiết kế mới, các học sinh không học chuyên phân ban xã hội thì học 2,5 tiết sử/tuần, những học sinh học phân ban KHXH thì học 4 tiết/tuần và những tiết học này đều bắt buộc. Như vậy là nội dung và khối lượng kiến thức về lịch sử tăng lên.

Bộ trưởng Luận giải thích, việc đưa môn sử vào nội dung Giáo dục công dân và đạo đức là do chủ trương tích hợp chương trình, ví dụ, trong Giáo dục công dân thì cũng có lịch sử quốc phòng nên môn sử được đưa vào đây để tránh trùng lắp.

Ngoài việc đặt ở môn Giáo dục công dân thì ở các môn học khác, Bộ trưởng khẳng định, cũng đưa vào nội dung về lịch sử. Ví dụ, môn văn học, theo Bộ trưởng, nếu giảng “Hịch tướng sỹ” mà không gắn với lịch sử thì làm mất đi không khí tác phẩm, mất đi thụ cảm của học sinh. Tương tự, môn Địa lý, Văn học… cũng sẽ gắn với lịch sử. Thậm chí những môn “phụ” kiểu văn thể mỹ, như khi dạy bài hát “Câu hò bên bến Hiền Lương” kiến thức lịch sử cũng được bổ sung vì, nếu không có lịch sử cũng không đảm bảo sự thụ cảm tác phẩm.

Theo Bộ trưởng GD-ĐT, vấn đề cần thảo luận chỉ là xem để riêng môn này hay gắn với các môn khác còn dung lượng, kiến thức không hề giảm.

Ngắt lời Bộ trưởng Luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu trả lời thẳng là môn lịch sử còn được đặt là môn độc lập trong sách giáo khoa không?

Bộ trưởng đáp: “Vấn đề này, Bộ Giáo dục đang nghe góp ý và sẽ báo cáo Chính phủ khi nghe ý kiến của các cơ quan liên quan như Hội đồng lý luận, giáo dục TƯ, các chuyên gia lịch sử, giáo dục… để có quyết định cuối cùng vì đây là vấn đề rất lớn”.

Với phần thứ hai trong chất vấn của đại biểu Lê Văn Lai về bản dịch mới gây tranh cãi về bài thơ “Nam Quốc sơn hà” trong sách giáo khoa phổ thông, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định, việc làm sách giáo khoa mà đưa vào những thay đổi không cần thiết, không hiệu quả thì sẽ không xem xét thực hiện theo hướng đó.

Đại biểu Lê Văn Lai bấm nút xin hỏi lại lần thứ hai, việc tích hợp môn Lịch sử, như Bộ trưởng nói, là coi trọng hơn môn học này chứ không phải coi nhẹ. Nhưng thời lượng dạy thì chỉ là một yếu tố. Thực tế việc giảng dạy lịch sử, quyết định chất lượng, hiệu quả như nào là do vấn đề bồi dưỡng đội ngũ thầy giáo. Chưa có thông tin về việc chuẩn bị này từ Bộ Giáo dục khiến phụ huynh lo lắng. Dạy chính thức, có thầy chuyên môn mà còn chưa hiệu quả thì việc lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” có đảm bảo được không? Theo đại biểu, yêu cầu này để đảm bảo được quá khó.

Về bản dịch mới bài thơ “Nam Quốc sơn hà”, ông Lai khẳng định đã in trong sách giáo khoa mới mà Bộ trưởng Giáo dục nói chưa nắm được. Ông Lai yêu cầu giải trình tại sao lại phải thay 1 bản dịch đã đi vào lịch sử, đi vào lòng người bằng bản dịch mới mà chất lượng không đạt yêu cầu, làm giảm đi giá trị bài thơ gốc?

Người điều hành phiên chất vấn không yêu cầu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đối thoại thêm về vấn đề này.

Thi chung còn căng thẳng hơn… chơi chứng khoán!

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhận xét, kỳ thi chung quốc gia được tổ chức vừa qua đầy áp lực, căng thẳng. Vậy mà Bộ GD-ĐT chỉ đưa ra một báo cáo không có số, không người ký và đóng dấu treo. Băn khoăn về tính pháp lý của văn bản này, đại biểu Học đặt vấn đề, dựa trên cơ sở nào Bộ Giáo dục khẳng định kỳ thi cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, giúp tiết kiệm, giảm áp lực với toàn xã hội?

Với câu hỏi này, Bộ trưởng Giáo dục trở lại với việc trước đây việc tổ chức 2 kỳ thi sẽ thành 4 đợt mà trung bình 1 học sinh sẽ phải thi 12 môn, thi ở các thành phố lớn. Nay với việc tổ chức kỳ thi chung, học sinh chỉ thi tối đa 8 môn, phổ biến là 5 môn, đỡ áp lực nhiều. Cùng với việc thi tại chỗ, việc thay đổi hướng ra đề để kiểm tra tư duy, năng lực đã khiến việc những “lò luyện” ở các thành phố lớn hoạt động rất rầm rộ trước đây gần như chấm dứt tuyệt đối. Tình trạng phao thi trắng sân trường như những năm trước cũng thay đổi hẳn qua lần thi chung này.

Theo Bộ trưởng, đối chiếu lại, một số yêu cầu của Kết luận 51 của TƯ và Nghị quyết TƯ 8 đã được thực hiện bước đầu qua việc thay đổi cách dạy, học, thi theo hướng giảm tốn kém, giảm áp lực, giảm tiêu cực… Kết luận này được đưa ra trên cơ sở làm việc với các Sở Giáo dục cả nước, các trường, các thầy cô, học sinh và phụ huynh.


Đại biểu Nguyễn Thái Học: “Tôi tin rằng chi phí mỗi gia đình cho kỳ thi này của con em không hề giảm tốn kém mà trả lời như vậy chưa thật sự thuyết phục, làm yên lòng dân”

Đại biểu Nguyễn Thái Học: “Tôi tin rằng chi phí mỗi gia đình cho kỳ thi này của con em không hề giảm tốn kém mà trả lời như vậy chưa thật sự thuyết phục, làm yên lòng dân”

Chưa “chịu”, ông Học nhận xét, việc rút hồ sơ vào rút hồ sơ ra còn căng thẳng hơn là chơi chứng khoán. Chi phí này có được Bộ Giáo dục tính toán không. “Tôi tin rằng chi phí mỗi gia đình cho kỳ thi này của con em không hề giảm mà trả lời như vậy chưa thật sự thuyết phục, chưa làm yên lòng dân” – ông Học bức xúc.

Ông Luận khẳng định, với những cháu có thi tốt nghiệp và thi đại học thì giảm tốn kém là việc đã được khẳng định. Với học sinh thi tốt nghiệp không thì chỉ ở địa phương, không phải đi đâu. Còn nói về việc học sinh, phụ huynh căng thẳng như chơi chứng khoán thì chỉ có ở khoảng 8% các cháu dự thi ở 30 trường đại học tốp đầu chứ không phải là phổ biến.

Với nội dung đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nói về tình trạng thừa thầy thiếu thợ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, trong những năm qua Quốc hội cũng nhiều lần lưu ý việc lập nhiều trường đại học, tuyển sinh nhiều, không đáp ứng thị trường lao động. Việc phát triển với quy mô nóng của các trường khi đó là thực hiện Nghị quyết 14 của Chính phủ ban hành năm 2005 với mục tiêu đến 2020 phải có 450 sinh viên/1 vạn dân. Quá trình thực hiện đã phát hiện vấn đề bất cập trên nên đã tiến hành cân chỉnh lại sự mất cân đối này. Năm 2013 đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu này xuống 256 sinh viên/1 vạn dân.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, giảm mật độ lập mới các trường đại học, nâng cấp Cao đẳng lên Đại học…

Bộ đã tiến hành thanh kiểm tra các ngành và đóng hoạt động đào tạo ở những cơ sở không đảm bảo yêu cầu. Bộ cũng dùng chỉ tiêu đảm bảo chất lượng (vừa qua dùng chỉ tiêu số lượng sinh viên/giảng viên cơ hữu của nhà trường để buộc phải bổ sung, nâng cao chất lượng giảng dạy và chỉ tiêu diện tích trường lớp/sinh viên). Do đó việc đào tạo, tuyển dụng và nâng cao chất lượng thầy cô đã tăng lên rõ rệt. Việc các trường tổ chức trên diện tích chật chội không đảm bảo như báo chí phản ánh cũng giảm đi.

Bộ cũng điều chỉnh lại quy mô đào tạo tại chức, đào tạo từ xa, chấm dứt việc đào tạo thạc sĩ, Tiến sĩ tại những cơ sở không phải địa điểm chính của trường. Đối với các vùng “3 Tây” có xem xét những trường hợp cụ thể vì nhu cầu đào tạo cán bộ tại chỗ.

Bộ trưởng Luận khẳng định không phải là đang thừa thầy mà vẫn rất thiếu thầy, chỉ là thừa người kém và đúng là thiếu thợ nhưng cũng chỉ thiếu thợ tốt.

 

P.Thảo

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm