Bộ trưởng Giáo dục: "Đổi mới phải chấp nhận những khó khăn, sóng sánh"
(Dân trí) - Chia sẻ với những khó khăn của giáo dục đại học hiện nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Chúng ta đang trong giai đoạn quá độ mà đã là quá độ phải chấp nhận những khó khăn, sóng sánh, nhưng nếu không thay đổi thì không thể gọi là đổi mới. Vì vậy, giữa Bộ và các cơ sở giáo dục đại học cần có sự hiệp đồng trách nhiệm.
Ngày 11/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2017-2018 các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm tại 3 đầu cầu Hà Nội-Đà Nẵng-TP. Hồ Chí Minh.
Thanh lý sớm một số trường đã "chết lâm sàng"
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, hiện nay đầu ra của ngành sư phạm đã vượt khỏi tầm kiểm soát của Bộ GD&ĐT, do đó rất cần có sự vào cuộc của UBND các tỉnh, địa phương để phối hợp vấn đề tuyển dụng, siết đầu vào – đầu ra.
Bên cạnh đó, ông Minh đề nghị Bộ cần đánh giá năng lực của từng trường làm cơ sở quy hoạch mạng lưới các trường đại học sư phạm. Phải có nghiên cứu cụ thể về dân số quy mô, độ tuổi, phân bố địa lý, dự báo số lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu mô hình, chương trình đào tạo, năng lực các trường.
Đồng quan điểm, ông Lương Công Nhớ - Hiệu trưởng Đại học Hàng Hải Việt Nam (Hải Phòng) cho hay, vừa qua chúng ta mở ồ ạt, không chỉ đại học mà cả cao đẳng/ cao đẳng nghề. Một số trường hiện nay đã “chết lâm sàng” thì nên thanh lý sớm để thu hồi vốn nhà nước, đầu tư cho các cơ sở đủ mạnh và có chất lượng.
Hiệu trưởng Đại học Hàng Hải cũng đặc biệt nhấn mạnh thước đo của ngành giáo dục phải hướng đến giá trị thực. Do đó, nên loại bớt/ giảm các chứng chỉ ít hiệu quả như An ninh quốc phòng hay Giáo dục thể chất thành môn tự chọn. Đối với một số ngành mà nhà nước cần, xã hội cần nhưng sinh viên không muốn học thì có chính sách hỗ trợ, thu hút. Chẳng hạn cho vay học phí không hoàn lại, với điều kiện sau khi ra trường học viên theo làm nghề 5 năm trở lên; còn không thì phải đền bù.
Còn ông Thái Bá Cần – Hiệu trưởng ĐH quốc tế Hồng Bàng cho rằng, với thực tế tuyển sinh của chúng ta nhiều năm nay chủ yếu nằm ở phương thức lựa chọn, tìm kiếm học sinh sinh điểm cao để vào các trường đại học tốt….Đây là điều cần phải thay đổi.
“Tôi không tin những em điểm cao sẽ trở thành những sĩ quan tốt, bác sĩ giỏi, thầy giáo tốt, kỹ sư tốt… Vì vậy, đã đến lúc mình cần nghĩ đến một cách tuyển sinh mới hơn, để học sinh không ngộ nhận về bản thân, xã hội không có một suy nghĩ kiểu thí sinh 29 điểm mà trượt ĐH là một sự phi lý”, ông Cần nhấn mạnh.
Về khía cạnh kiểm định chất lượng, GS Vũ ĐìnhThành- Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TPHCM nhấn mạnh, muốn hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng thì cần đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng (KĐCL) tại các trường. Vấn đề cần lưu ý nhất là sau KĐCL là phải đảm bảo chất lượng.
“Công tác đảm bảo chất lượng phải luôn được thực hiện, các yếu tố, điều khiến mà trường đạt được KĐCL cần phải thường xuyên được rà soát, kiểm tra và đổi mới. Bởi lẽ nếu muốn có chất lượng thật sự thì cần có sự đầu tư thật bài bản cho các chương trình đạt chuẩn KĐCL. Vì nếu chúng ta chỉ đầu tư cho thời điểm ban đầu mà sau không đầu tư, bỏ lỏng thì sẽ không bền vững”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:
Sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học
Sau khi nghe 16 ý kiến phát biểu của các đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: "Những hạn chế của giáo dục đại học được nêu ra trong Hội nghị như công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu khoa học, việc làm cho sinh viên sau khi ra trường… đều là những vấn đề có thật.
Đây không phải là những hạn chế hiện giờ mới có mà đã có từ rất lâu nhưng chính sự minh bạch thông tin thời gian qua đã làm cho những hạn chế này trở nên rõ ràng hơn và trách nhiệm của chúng ta là phải nỗ lực để khắc phục những hạn chế này".
Bộ trưởng nhấn mạnh: "Muốn cải thiện chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng phải bắt đầu từ thể chế. Vì vậy, tới đây, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục sẽ kiến nghị sửa đổi, bổ sung hai luật quan trọng là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Đây sẽ là cơ sở pháp lý nhằm kiến tạo, hỗ trợ cho đổi mới giáo dục đại học".
Theo đó, Bộ trưởng Nhạ đưa ra quyết tâm thực hiện việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và trường sư phạm một cách căn cơ có tính đến yếu tố thị trường và xu hướng phát triển đại học trên thế giới, tránh cứng nhắc và tùy tiện.
Hiện nay đa phần các trường đào tạo đơn ngành, quy hoạch cần có tính định hướng để các trường liên kết với nhau trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích, hướng tới việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời hình thành ngày càng nhiều trường chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
“Đây là việc khó vì trên thực tế mỗi trường có sứ mạng, vai trò, mục tiêu khác nhau nhưng không thể không làm, các trường phải cùng bắt tay nhau để làm quy hoạch vì lợi ích riêng của mỗi trường và vì sự phát triển chung của giáo dục đại học, phải làm sao để sang năm nhìn lại, quy hoạch giáo dục đại học đã có một bước tiến dài” - Bộ trưởng nêu rõ.
Các trường đại học sẽ tự chịu trách nhiệm về tuyển sinh đầu vào
Về tự chủ đại học, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, các trường phải coi tự chủ là đích đến để nâng cao chất lượng chứ không phải chỉ là vấn đề tài chính, thay bằng cấp ngân sách nhà nước theo kiểu hành chính thì sẽ cấp theo nhiệm vụ trên cơ sở chất lượng đầu ra và không phân biệt công tư.
Chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ quản trị đại học, các trường muốn phát triển thì phải đổi mới tư duy quản trị chứ không thể quản lý như thông thường. Bộ đang tiến hành xây dựng chuẩn hiệu trưởng, chuẩn chủ tịch hội đồng trường, từ đó sẽ xây dựng chương trình bồi dưỡng ngắn gọn để hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường có thể tự học đáp ứng yêu cầu quản trị.
Nhìn lại kỳ xét tuyển vừa qua, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới thí sinh ảo là do thí sinh chưa đủ thông tin, vì vậy đã tới lúc chúng ta phải thay đổi nhận thức khi xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh.
"Tới đây các trường sẽ tự chịu trách nhiệm về đầu vào. Vì thế, cần tính đến ngành gì thị trường cần, phân khúc nào thích hợp để tư vấn tuyển sinh. Trong đó dành nhiều thời gian tư vấn nghề nghiệp cho các em phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Sư phạm học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội
Về vấn đề đang được quan tâm hiện nay là đầu vào các trường sư phạm, Bộ trưởng Nhạ cho biết, Bộ sẽ có những buổi làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán sao cho phù hợp. Trong đó việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ phải được ưu tiên làm ngay. Sẽ có những trường trung tâm, trường là phân hiệu và trường là vệ tinh.
“Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được".
Tuy nhiên Bộ trưởng Nhạ lưu ý, điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Dù thế nào cũng phải làm sao giáo sinh vào trường sư phạm phải cảm thấy tự hào.
Hiệp đồng về trách nhiệm
Chia sẻ với những khó khăn của giáo dục đại học hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta đang trong giai đoạn quá độ mà đã là quá độ phải chấp nhận những khó khăn, sóng sánh, nhưng nếu không thay đổi thì không thể gọi là đổi mới. Vì vậy, giữa Bộ và các cơ sở giáo dục đại học cần có sự hiệp đồng trách nhiệm.
Chủ trương đã có rồi, đến năm 2020 tất cả các trường sẽ phải tự chủ, từ nay đến đó, Bộ sẽ phối hợp để cùng triển khai, gỡ khó cho các trường. Vướng mắc nào thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ sẽ gỡ ngay, những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ sẽ có ý kiến với các Bộ, ngành và báo cáo Chính phủ. Trách nhiệm của các trường đại học là không ngồi chờ mà phải chủ động để có những bước đi tự chủ hợp lý và bền vững”.
Nhật Hồng - Lệ Thu