Bộ trưởng GD-ĐT: Nhà trường, doanh nghiệp, Nhà nước cùng phát triển nhân lực chất lượng cao

(Dân trí) - Tại buổi tọa đàm về phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng các trường đại học và doanh nghiệp phải liên kết với nhau một cách chặt chẽ và bền vững giúp quá trình phát triển nhân lực mới đi vào thực chất. Nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước cùng ngồi lại với nhau, cùng chịu chung áp lực và động lực phải phát triển nguồn nhân lực.

Bộ trưởng GD-ĐT: Nhà trường, doanh nghiệp, Nhà nước cùng phát triển nhân lực chất lượng cao - 1

Bộ trường Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng tham quan triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” tại Học viện Bưu chính Viễn thông.

Nhằm thực hiện có hiệu quả một trong ba đột phá chiến lược của Đảng, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; ngày 30/3/3019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đồng chủ trì tổ chức Tọa đàm và Triển lãm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp” tại Học viện Bưu chính Viễn thông.

Bộ trưởng GD-ĐT: Nhà trường, doanh nghiệp, Nhà nước cùng phát triển nhân lực chất lượng cao - 2

Bộ trưởng GD-DT Phùng Xuân Nhạ nêu vấn đề nhà trường và doanh nghiệp liên kết chặt chẽ đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực nhất là nhân lực chất lượng cao là một trong 3 khâu đột phá được Đảng và Nhà nước thúc đẩy. Phát triển nhân lực trở thành nhu cầu  cần thiết và liên tục của thị trường. Các trường đại học và doanh nghiệp phải liên kết với nhau một cách chặt chẽ và bền vững thì quá trình phát triển nhân lực mới đi vào thực chất. Nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước phải ngồi lại với nhau, cùng chịu chung áp lực và động lực phải phát triển nguồn nhân lực".

Bộ trưởng nhấn mạnh, khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) phải được ưu tiên cả trước mắt và lâu dài. Nhu cầu nhân lực CNTT hàng năm khoảng 30.000 và năm 2020 có thể lên tới 100.000. Vậy vấn đề đặt ra với các trường đại học là đào tạo như thế nào để đáp ứng nhu cầu thị trường nhân lực, đáp ứng được yêu cầu chuẩn mực của ngành CNTT, thiết kế chương trình đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu thị trường và phải thay đổi, cập nhật liên tục để theo kịp tốc độ đổi mới của CNTT. CNTT thay đổi hàng ngày vì vậy chuẩn đào tạo sinh viên CNTT cũng phải thay đổi.

Tuy vậy, trong quá trình đào tạo, các trường đừng biến sinh viên CNTT thành robot, cũng không đào tạo theo lối hàn lâm mà sinh viên phải được thực tập sát thực tế. Bên cạnh đó, sinh viên trong quá trình học tập có thể hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp. Sinh viên CNTT học xong nên khởi nghiệp để tạo việc làm cho chính mình và cho người khác.

“Đào tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phải đi cùng nhau”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói. Bộ trưởng khẳng định phương thức đào tạo của các trường đại học phải đổi mới, linh hoạt. Bộ GD-ĐT đã và đang thực hiện đề án hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp 2025 và đề án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để góp phần giải quyết bài toán về nhân lực chất lượng cao.

Cuối bài phát biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý: “Những buổi toạ đàm như thế này sẽ tổ chức ít thôi nhưng chúng tôi sẽ đi sâu vào làm cơ chế chính sách và tích cực hành động để có kết quả thực tế".

Bộ trưởng GD-ĐT: Nhà trường, doanh nghiệp, Nhà nước cùng phát triển nhân lực chất lượng cao - 3

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nói về đào tạo nhân lực trong các trường đại học để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong thời đại CMCN 4.0.

Cũng tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm của Bộ về vấn đề phát triển nhân lực chất lượng cao. Bộ trưởng Bộ TTTT đưa ra thống kê về ngành ICT có quy mô khoảng 100 tỉ USD. ICT là nền tảng của cách mạng số, CMCN 4.0. Hiện tại, chúng ta cần xây dựng rất nhiều nền tảng công nghệ hiện đại như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, robot tự động, 5G… để bắt kịp đà phát triển công nghệ trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Bộ TTTT, cuộc cạnh tranh trong thời đại 4.0 là cuộc cạnh tranh về công nghệ. Nhân lực sẽ là một lợi thế của Việt Nam nếu giải quyết tốt ở khâu đào tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra: Truyền thống đào tạo của chúng ta là học trước, làm sau, thầy dạy trò nghe, đào tạo dài hạn là chính, học nhiều thực hành ít… còn thế giới bây giờ là vừa học vừa làm, học những cái không có trong sách giáo khoa, mời chuyên gia, doanh nhân vào giảng dạy, các phòng lab thành cơ sở chính của nhà trường, nghiên cứu trong môi trường ảo, Tiếng Anh là ngôn ngữ chính… Chính vì vậy hôm nay chúng ta sẽ bàn về đào tạo nhân lực trong các trường đại học để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong thời đại CMCN 4.0.

“Tọa đàm này là cơ sở để thúc đẩy sự liên kết giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, Hiệp hội ICT để đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, Bộ trưởng nói.

Sau phát biểu của 2 Bộ trưởng Bộ GD-DT và Bộ TTTT, bà Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam trình bày tham luận về chủ đề “Kết nối cung - cầu nhân lực trong kỉ nguyên số". Bà Hà đưa ra nhiều con số cho thấy toàn cảnh nhu cầu nhân lực trên thế giới, trong khu vực và Việt Nam.

Bộ trưởng GD-ĐT: Nhà trường, doanh nghiệp, Nhà nước cùng phát triển nhân lực chất lượng cao - 4

Các chuyên gia báo cáo tham luận về chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao: Gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp”

 

Bà Hà đưa ra giải pháp: đổi mới nội dung dạy học, dạy học theo năng lực và phát triển các kĩ năng TK21, phát triển các chương trình dạy và học mới; phát triển nghiên cứu liên ngành/liên môn, tích hợp phòng nghiên cứu vào trong chương trình dạy - học, nghiên cứu công nghệ mới; kết nối với doanh nghiệp từ khâu xây dựng chiến lược, kết nối với các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo khác cùng giải bài toán nhân lực có tính hệ thống.

Tiếp đó, PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội báo cáo tham luận “Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao - Thực trạng và kỳ vọng”. Tham luận nêu lên vai trò của đào tạo ICT trong kỉ nguyên số. Trong khi đó, thực trạng nguồn nhân lực ngành CNTT còn nhiều thiếu hụt và hạn chế. Do vậy, cần thiết phải có sự hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để đào tạo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Ông Phí Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM - HCA báo cáo tham luận “Nhu cầu nguồn nhân lực ICT trình độ cao và kết nối doanh nghiệp - cơ sở giáo dục đại học”. Đại diện lãnh đạo Samsung Việt Nam phát biểu tham luận về “Kinh nghiệm quốc tế về hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp - cơ sở giáo dục đại học”.

Nội dung tiếp theo của buổi tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao gắn kết cơ sở giáo dục đại học - doanh nghiệp" là 2 tọa đàm nhóm về “Giải pháp về cơ chế chính sách để gắn kết cung cầu trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao” và “Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực ICT trình độ cao”.

Các trường đại học cho biết không gặp phải vướng mắc nào về cơ chế chính sách khi hợp tác với doanh nghiệp khi liên kết đào tạo, tuy nhiên, về phía doanh nghiệp còn gặp khó. Dẫu vậy, thực tế là đào tạo của các trường đại học chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động trình độ cao của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng GD-ĐT: Nhà trường, doanh nghiệp, Nhà nước cùng phát triển nhân lực chất lượng cao - 5

Kí kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong ảnh: Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech kí kết hợp tác với Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp.

Để hành động thiết thực cho sự đổi mới phương thức đào tạo nhân lực trình độ cao, tại buổi tọa đàm diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nổi bật như: kí kết giữa Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Quốc tế Aptech và ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp; ĐH Công nghệ thông tin ĐH Thái Nguyên với tập đoàn CMC và tập đoàn VNPT; ĐH Thủy lợi kí kết với VPI…

Mai Châm