Bỏ suất du học Pháp về quê nuôi gà

Tốt nghiệp khoa Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM), Nguyễn Duy Thiên Ân (sinh năm 1990) đã từ bỏ cơ hội mà rất nhiều bạn trẻ ao ước - học bổng toàn phần du học Thạc sĩ tại Pháp - để… về quê nuôi gà.

Công ty cũng là trang trại nuôi gà của Thiên Ân đặt tại xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Trang trại rộng 2.000 m2, đàn gà được nuôi theo công nghệ Omega-3, với hơn 5.000 con. Mỗi tháng, trung bình, Ân bán ra 120.000 trứng gà Omega-3 và thu nhập hàng trăm triệu đồng.
 
Bỏ chuyến du học để nuôi gà
Bỏ chuyến du học để nuôi gà

Cách đây hơn một năm, Thiên Ân làm khóa luận tốt nghiệp, với đề tài “Tăng hàm lượng Omega-3 trong trứng gà“, cho ra loại trứng có hàm lượng DHA, EHA rất tốt cho trí não. Đạt 9 điểm, Thiên Ân nhận được học bổng toàn phần du học tại Pháp. Thế nhưng, trong quá trình nghiên cứu, chàng trai 24 tuổi đã quá say mê công việc nuôi và sản xuất trứng gà Omega-3.

Bỏ suất học bổng mơ ước, Thiên Ân bị gia đình phản đối gay gắt. Ân tâm sự: “Ban đầu, mình muốn nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Thế nhưng, đứa con mình sinh ra thì phải tự tay mình nuôi nấng nó mới phát triển tốt. Đó là lý do mình chọn ở lại quê hương lập nghiệp thay vì lên đường du học”.

Ân viết dự án và đi gõ cửa mời gọi hơn 30 nhà đầu tư, nhận được rất nhiều phản hồi. Một số người cho rằng, dự án không khả thi vì chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Một số không tin vào khả năng thành công của một chàng sinh viên trẻ tuổi. Kiên trì theo đuổi, cuối cùng, ý tưởng trứng gà chứa hàm lượng Omega-3 cao của Ân được một số doanh nghiệp thích thú, góp vốn đầu tư. Công ty Omega Minh Ân ra đời vào tháng 6/2012, với số vốn ban đầu 2 tỷ đồng. Lúc đó, còn đúng một tháng là Ân tốt nghiệp đại học.

Không chọn quê hương Vũng Tàu để lập nghiệp, Ân thuê đất, mở trang trại tại huyện Trảng Bom. Đây là nơi đất đồi không bị ngập nước, cũng là nơi giao nhau giữa các điểm trung tâm Biên Hòa, TP.HCM, Vũng Tàu, Đà Lạt, rất thích hợp để tiêu thụ và phân phối trứng gà.

Nuôi gà theo công nghệ mới

Ân cho biết: “Để đảm bảo chất lượng cho đàn gà, mình không nhập thức ăn có sẵn mà tự mua nguyên liệu về xay và trộn đúng theo tỷ lệ, vừa đảm bảo khâu kiểm soát chất dinh dưỡng, vừa tiết kiệm nhiều chi phí”. Ân cũng không chọn cách nhập giống gà từ nước ngoài về mà nhân giống và đặt mua nguyên liệu ngay trong nước.

Chia sẻ bí quyết nuôi gà theo công nghệ Omega-3, ngoài chế độ nghiêm ngặt trong khâu dinh dưỡng, với các loại thức ăn như cám, đậu nành, đậu xanh, bột cá, ngô, Ân còn bổ sung dược liệu để tăng cường sức đề kháng cho gà. Ngoài ra, đàn gà đảm bảo được nuôi trong giải nhiệt độ ổn định (25 - 26 độ C).

Ngày đầu tiên thành lập công ty, chàng giám đốc trẻ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, từ khâu kỹ thuật xây dựng chuồng trại, chăm sóc gà nuôi nhốt… Được sự hỗ trợ của một người bạn cùng khóa đại học, Ân vừa làm vừa hoàn thiện dần. Công ty Minh Ân đã phải mất hơn 3 tháng lỗ vốn trầm trọng vì trứng gà có hàm lượng Omega-3, ban đầu không được mọi người biết đến và giá quá cao, khó tiếp cận. Do được nuôi theo một quy trình riêng, cộng với chi phí thức ăn tốn kém nên mỗi quả trứng gà Omega-3 bán ra thị trường có giá 5.000 đồng, đắt gấp đôi so với trứng gà thông thường.

Thiên Ân chia sẻ: “Bên Nhật, người ta cho bò sữa, bò Kobe nghe nhạc. Mình tự hỏi không biết âm nhạc có tác động gì đến bầy gà hay không và bắt đầu làm thử”. Ân mạnh tay đầu tư dàn 8 chiếc loa, trị giá 20 triệu đồng, treo khắp các góc trong trang trại rộng 2.000 m2.

Ban đầu, vì chưa nắm bắt được “sở thích” của gà, Ân phát khá nhiều thể loại nhạc. Kết quả, gà nhảy loạn xạ lên, phá lồng, làm chất lượng trứng giảm hẳn. Ân chuyển sang những bản nhạc không lời và thu được kết quả tích cực. Ân bỏ ra vài ngày nghe nhạc cùng gà, quan sát và ghi lại những bản nhạc được lũ gà yêu thích. Trong tiếng nhạc du dương, gà của Ân đã thoải mái ăn uống, đẻ trứng. Hiện giờ, Ân đã có trong tay danh sách hơn 400 bài nhạc cho gà. Chủ yếu là những bản nhạc của các nhà soạn nhạc cổ điển như Mozart, Beethoven…

Kết quả của phương pháp nuôi gà lạ lùng này là sản lượng trứng gà tăng 5 - 6%, hàm lượng dinh dưỡng cũng tăng 3 - 4%. Việc thử nghiệm thành công làm cho Thiên Ân và các cộng sự vô cùng thích thú.

Việc nuôi gà không mất nhiều thời gian và công sức nên số lượng nhân công của Ân hiện chỉ cần 4 người. Ngoài việc sản xuất và bán trứng gà có chất lượng tốt, Thiên Ân không quên việc thường xuyên cung cấp trứng làm từ thiện. Với những đợt phát quà miễn phí cho người nghèo, ngoài gạo, muối và bánh kẹo, anh còn đóng góp 2 hộp trứng cho mỗi hộ gia đình. Hiện tại, ngoài trứng gà Omega-3, Ân đang hoàn thành những khâu cuối cùng trong việc nghiên cứu thịt gà Omega-3, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.

 
Theo Thanh Nguyệt
Sinh viên Việt Nam
Dòng sự kiện: Cử nhân lập nghiệp