Bộ GD&ĐT thông tin lại về đề xuất phụ cấp 15-25% cho nhân viên trường học

Hoài Nam

(Dân trí) - Lần đầu tiên, nhân viên trong trường học được đề xuất hưởng phụ cấp từ 15% đến 25%.

Ngày 18/5, Bộ GD&ĐT thông tin lại về đề xuất phụ cấp cho nhân viên trường học trong Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi cho viên chức, người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập.

Cụ thể đây là lần đầu tiên các nhân viên trong trường học được hưởng phụ cấp. Cụ thể với mức 15% cho các vị trí hỗ trợ, phục vụ; 20% cho chức danh chuyên môn dùng chung; 25% cho chức danh chuyên ngành, nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của họ trong sự phát triển chung của ngành giáo dục.

Trong thông cáo ngày 13/5 về Dự thảo Nghị định, trước khi được điều chỉnh như trên, nội dung này thể hiện: "Nhân viên trường học: Bổ sung phụ cấp lần đầu tiên, với mức 15% cho các vị trí hỗ trợ, phục vụ (thư viện, văn thư,...), 20% cho chức danh chuyên môn dùng chung (kế toán, y tế,...), và 25% cho chức danh chuyên ngành, nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của họ".

Bộ GDĐT thông tin lại về đề xuất phụ cấp 15-25% cho nhân viên trường học - 1

Dự thảo đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non lên 45% vào mức cao nhất 80% (Ảnh: Hoài Nam).

Dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi cho viên chức, người lao động trong các cơ sở giáo dục công lập, điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cụ thể như sau:

Đối với giáo viên mầm non: Tăng phụ cấp từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhằm phản ánh đúng mức độ phức tạp và áp lực công việc.

Với giáo viên trường dự bị đại học: Nâng phụ cấp từ 50% lên 70%, ngang bằng với giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo công bằng cho các nhiệm vụ tương đồng.

Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, sở dĩ có sự điều chỉnh với giáo viên mầm non bởi hiện nay, tổng thu nhập của giáo viên cấp này chưa tương xứng với đặc thù và mức độ phức tạp của hoạt động nghề nghiệp.

Giáo viên mầm non phải chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi, đòi hỏi sự tập trung cao độ để đảm bảo an toàn và thu hút sự chú ý của trẻ, thường làm việc 9-10 giờ/ngày…

Tuy nhiên, thu nhập khởi điểm của giáo viên mầm non thấp nhất so với các cấp học khác: hệ số lương khởi điểm 2,10; phụ cấp 35%; tổng thu nhập khoảng 6,63 triệu đồng/tháng.

Điều này dẫn đến tỷ lệ giáo viên nghỉ việc cao. Tính từ tháng 8/2023-4/2024, khoảng 1.600 giáo viên mầm non bỏ việc, chiếm 22% tổng số giáo viên nghỉ việc.

Đối với các vị trí chuyên trách, sở dĩ phải điều chỉnh bởi theo Bộ GD&ĐT, nhóm này nhận lương thấp nhất trong các bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức, lại không có cơ hội thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến các trường khó tuyển dụng được các vị trí việc làm nhằm hỗ trợ cho hoạt động dạy học, giáo dục không được đầy đủ, kịp thời và bảo đảm chất lượng theo yêu cầu.

Những bất cập nêu trên làm giảm động lực gắn bó với nghề, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và sự ổn định của đội ngũ nhân sự ngành giáo dục, đòi hỏi một quy định mới để đảm bảo công bằng và hỗ trợ hiệu quả hơn.