Đánh giá lại chương trình, sách giáo khoa phổ thông:
“Bộ GD-ĐT không nên quá vội vã”
“Phải xem đây là một đề tài khoa học rất lớn, cần ít nhất sáu tháng mới có thể hoàn thành, vì đánh giá hệ thống một môn học đã là một đề tài khó rồi”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học VN nhận định về cuộc “tổng kiểm tra” CT, SGK phổ thông.
Đến thời điểm này, các Sở GD-ĐT trong cả nước đang khẩn trương lên kế hoạch cho việc kiểm tra, đánh giá chương trình, sách giáo khoa (CT - SGK). Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT gửi về các Sở cũng rất chi tiết với yêu cầu phải đánh giá chính xác, khách quan và toàn diện, từng tổ bộ môn ở các trường phải có nhận xét cụ thể bài nào được, bài nào cần chỉnh lý, giảm tải để Bộ tổng hợp tìm ra ưu khuyết điểm của CT - SGK.
Bộ GD-ĐT còn mời Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đánh giá, phản biện độc lập và Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên, nhi đồng Quốc hội sẽ tham gia với vai trò giám sát độc lập.
Song, hiện nay xuất hiện nhiều luồng dư luận như: Bộ sẽ giảm tải, điều chỉnh CT - SGK bằng cách nào, một bộ SGK chưa thích hợp với mọi vùng miền thì có nên thêm nhiều bộ SGK hay không.
Bên cạnh đó, không ít người còn lo ngại, mốc 15/04 phải hoàn thành đợt tổng kiểm tra này xem ra quá gấp.
Dưới đây là một số ý kiến của một số nhà giáo, nhà khoa học, nhà viết sách để cùng tìm giải pháp hoàn thiện CT - SGK và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Đây là một đề tài khoa học rất lớn, không thể vội vã!
"Ngay sau khi Bộ GD-ĐT có công văn gửi các Sở về chủ trương đánh giá lại CT - SGK, Hội Khuyến học đã khẩn trương họp với đại diện 10 tỉnh, thành phố thuộc các vùng miền có chất lượng giáo dục khác nhau. Ngày 22/3, Hội cũng đã có cuộc họp khẩn với nhiều chuyên gia giáo dục đầu ngành để cùng tìm cách sẽ đóng góp ý kiến cho Bộ như thế nào.
Tại cuộc họp này, các chuyên gia giáo dục đã thống nhất, cuộc tổng kiểm tra CT - SGK lần này là cấp bách vì CT - SGK hiện nay có quá nhiều bất cập, chưa đáp ứng được đào tạo nguồn nhân lực cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, chúng tôi sẽ đóng góp những giải pháp mang tầm vĩ mô như triết lý của hệ thống giáo dục, chất lượng giáo dục, mục tiêu giáo dục như thế nào, vấn đề sử dụng nguồn nhân lực ra sao.
Chúng tôi sẽ huy động cả một số trường THPT ngoài công lập cùng đánh giá, điều chỉnh sự tương quan giữa các môn học, tăng kỹ năng giáo dục nhân cách sống cho học sinh, chỗ nào cần giảm tải. Tuy nhiên, theo tôi, phải xem đây là một đề tài khoa học rất lớn, cần ít nhất sáu tháng mới có thể hoàn thành, vì đánh giá hệ thống một môn học đã là một đề tài khó rồi.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT không nên quá vội vã mà cần xem xét lại thời gian thực hiện, tạo điều kiện cho địa phương làm bài bản, khoa học. Như vậy chúng ta mới có được đánh giá chính xác, đáp ứng sự mong mỏi của học sinh và phụ huynh cả nước".
GS. Văn Như Cương: Nhiều bộ SGK thì tuyển chọn phải thận trọng đảm bảo tính công bằng
"Tôi lấy ví dụ như thế này: Ở Pháp, cấp tiểu học, học sinh về nhà không được phép học bài, sách vở chúng để ở trường, ngay việc để học sinh cấp THCS được học ở nhà 15 phút hay 30 phút, Quốc hội đã phải thảo luận nhiều lần. Nhưng nhìn vào bức tranh giáo dục của chúng ta thì thấy người ta đua nhau vào đại học, đua nhau vào trường chuyên, lớp chọn, từ cấp I đến cấp III tất cả đều gồng mình căng thẳng để giành một suất học.
Thầy giáo thì cho rằng, dạy kiến thức trong SGK là chưa đủ nên đưa vào nhiều bài tập khó hơn. Chính điều đó tạo nên sự quá tải. Phía sau câu chuyện này, tôi muốn để cập đến một cơ chế giáo dục như thế nào cho hợp lý. Vấn đề có hay không nhiều bộ SGK trong nhà trường chúng ta cũng phải suy nghĩ, một bộ SGK dùng cho học sinh Hà Nội và học sinh ở những vùng núi như Mù Cang Chải là khó rồi. Nhưng có nhiều bộ SGK thì khi tuyển chọn sẽ phải có bộ sách trình độ thấp hơn một chút, song điều quan trọng nhất là phải đảm bảo tính công bằng.
Trở lại CT - SGK hiện nay, đúng là có một số môn học vô bổ, nên cắt bớt. Còn đợt kiểm tra đánh giá này, theo tôi thời gian quá ngắn như vậy thì hiệu quả sẽ khó như mong đợi".
PGS.TS Đặng Bá Lãm, Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (Bộ GD-ĐT): Phải giảm tải sức ép học tập lên học sinh!
"Tôi đề xuất một số giải pháp: Cải thiện chương trình giáo dục phổ thông theo hướng đem lại cho học sinh trạng thái học tập bình thường, vừa đảm bảo yêu cầu cơ bản của chương trình, vừa phát huy được khả năng sáng tạo, vượt trội của trẻ một cách tự nguyện; khi không còn áp lực "cháy giáo án", giáo viên sẽ có điều kiện củng cố tốt mối quan hệ nhân văn trong quá trình dạy học giữa thầy và trò.
Trọng tâm CT giáo dục phải chọn lọc và tinh giản. Cách trình bày và diễn đạt trong SGK cần thực sự đơn giản, giúp giáo viên khi đứng lớp dạy nhấn, lướt hợp lý, làm nhẹ đi nội dung phải chuyển tải, tăng cường hoạt động thực hành và giải trí từ phía học sinh.
Đặc biệt, nội dung chương trình phổ thông phải phù hợp với đặc điểm tâm lý nhận thức của học sinh ở mỗi bậc học như: tiểu học nhằm hình thành những hành vi nhân cách cụ thể, THCS nhằm hình thành phương pháp tư duy khoa học và phương pháp tự học; THPT nhằm phát triển năng lực tiếp nhận, phân tích tri thức. Như thế CT giáo dục của chúng ta mới trở nên sống động tại các địa phương".
Thầy giáo Vũ Trọng Khang, Hiệu trưởng THCS Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội): Các nhà viết sách phải lắng nghe để điều chỉnh
"Nếu tình hình giáo dục yên ổn thì một bộ SGK cũng rất tốt. Nhưng quan điểm duy trì nhiều bộ SGK trong nhà trường cũng tân tiến, làm tư duy chúng ta linh hoạt hơn. Song nhiều bộ sách còn phụ thuộc vào cái tầm, vào "đẳng cấp" của người thầy, của nhà quản lý giáo dục; nếu chưa đủ tầm thì nhiều bộ sách sẽ làm việc dạy và học của thầy và trò thêm rối.
Tôi cho rằng việc kiểm tra, đánh giá CT - SGK của Bộ là rất đúng đắn, cần thiết vì nó xuất phát từ tiếng nói cơ sở, nhưng sau đợt kiểm tra, các cấp phải xem xét nghiêm túc, nhà viết sách phải lắng nghe để điều chỉnh nội dung CT. Có thể xây dựng một bộ test trắc nghiệm gửi tới các trường, test từng môn, từng bài, nhưng việc làm này không dễ vì xây dựng được chuẩn kiến thức của một môn học đã rất khó rồi!".
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Chủ nhiệm khoa Sư phạm (ĐH Quốc gia Hà Nội): Cần phải làm cho trẻ đến trường náo nức với từng bài giảng
“Theo tôi, để đánh giá kiến thức hiện nay có quá tải hay không, phải được nghiên cứu rất thận trọng, khoa học. Sống trong một thời kỳ thông tin ngồn ngộn, thì bản thân học sinh cũng đã có nhiều kênh thông tin tiếp nhận rồi.
Chúng tôi cũng đã từng nghiên cứu CT của một số nước và khi đối chiếu, so sánh với CT của ta thì chính cách thức dạy học, cách chuyển tải của người thầy và cách giáo dục con cái của phụ huynh cũng là một nguyên nhân dẫn đến quá tải. Con không có năng lực, bố mẹ cứ ép phải vào bằng được trường chuyên, học sinh tốt nghiệp THPT muốn kiếm sống bằng nghề, nhưng bố mẹ bắt lập thân bằng con đường đại học.
Trước mắt để giải quyết bài toán "quá tải" trong nhà trường, theo tôi phải làm sao để học trò hứng thú với từng giờ học. Như vậy, sẽ phải thay đổi cách thức và phương pháp dạy học, thay đổi môi trường học cho trẻ, phải làm cho học trò đến trường thấy náo nức với từng bài giảng.
Ở nhiều nước, họ rất chăm chút đến vấn đề này. Điều đó khiến chúng ta suy nghĩ đến việc phải có thay đổi lớn trong cách chuyển tải kiến thức tới học sinh.”