Báo động việc đào tạo giáo viên Lịch sử
Trong khoảng 21 trường ĐH đang đào tạo SV ngành Lịch sử ở nước ta, chỉ có khoảng 6 khoa Lịch sử có khả năng đào tạo được những cử nhân Lịch sử làm công tác giảng dạy hay nghiên cứu lịch sử mà xã hội quan tâm.
Theo khảo sát chưa đầy đủ, hiện nay, nước ta có khoảng 21 trường ĐH đang đào tạo SV ngành Lịch sử, chưa kể hệ thống các trường CĐ Sư phạm ở các tỉnh, thành. Trong đó, chỉ có khoảng 6 khoa Lịch sử trong tổng số 21 trường ĐH có khả năng đào tạo được những cử nhân Lịch sử làm công tác giảng dạy hay nghiên cứu lịch sử mà xã hội quan tâm. Còn những cơ sở còn lại, chất lượng là điều đáng ngại, nhất là ở các trường CĐ và một loạt các trường ĐH vừa mới mở ra.
Đây là những quan ngại về vấn đề mà GS. Đỗ Thanh Bình (Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội) phân tích về vấn đề "đào tạo đội ngũ giáo viên dạy sử".
Thầy dạy Lịch sử cũng đáng báo động!
Hiện nay, tỉnh nào cũng muốn ở tỉnh mình có một vài trường ĐH, mong muốn này là chính đáng. Nhưng để có một trường ĐH với đúng nghĩa là trình độ ĐH thì cần phải có những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đặc biệt là con người. Trên thực tế, ở nhiều tỉnh không hội tụ đủ những điều kiện ấy, chưa có sự chuẩn bị cho sự ra đời của một trường ĐH. Họ chỉ lập dự án, đi mượn tên của các nhà khoa học, các cán bộ giảng dạy ở một số trường ĐH lâu năm, có uy tín, lập danh sách và trình với các cấp có thẩm quyền cùng với dự án. Có hồ sơ đầy đủ, được Bộ đồng ý, Chính phủ ra quyết định, thế là mở trường.
Những con người ngày hôm qua dạy trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm (thậm chí chưa đủ chuẩn), hôm nay có trường ĐH (vẫn con người ấy) họ dạy ĐH. Hôm qua là trường CĐ, hôm nay, vẫn cơ sở ấy là trường ĐH. Những cán bộ trong danh sách được mượn tên, trong thực tế, không hề được mời dạy (vì phải trả tiền cao).
Có những cơ sở ĐH phía Bắc chỉ có 3 - 4 người dạy Lịch sử Đảng trong bộ môn Mác - Lênin, chưa thông thạo lịch sử dân tộc, lại càng ít hiểu biết về lịch sử thế giới và không có kiến thức về nghiệp vụ sư phạm mà mở cả ngành Sư phạm Lịch sử. Những SV đào tạo ra cũng là cử nhân, bằng thật, chỉ có điều, kiến thức chưa thật.
Có cơ sở đào tạo ĐH ở miền Trung được phép đào tạo cao học đàng hoàng và đào tạo đến 15-16 khoá thạc sĩ. Nhưng một học viên tâm sự rằng, học thế này "được cái gần nhà nhưng cả năm không thêm kiến thức gì so với hồi học ĐH, thậm chí, còn sử dụng chuyên đề trước kia học ĐH ở Hà Nội cho các bạn khác phô tô để học và thi lấy điểm".
Lại có trường ở đồng bằng Nam Bộ, cách đây vài năm là trường CĐ Sư phạm, có đội ngũ giáo viên khi ấy vừa yếu lại vừa thiếu, đào tạo hệ CĐ Sư phạm ngành sử còn bất cập, thế nhưng khi được nâng lên cấp ĐH, lập tức có đủ tư cách pháp nhân mở hệ ĐH tại chức. Dạy không xuể, trường thuê giáo viên ngành sử các trường CĐ để đào tạo ĐH.
Trình độ chuyên môn của các cán bộ giảng dạy bất cập, yếu cả về khoa học cơ bản, non về nghiệp vụ sư phạm. Trong nhiều cơ sở đào tạo, thầy vẫn dạy theo kiểu thầy đọc trò chép. Thậm chí, thầy còn chưa lựa chọn được kiến thức nào là cơ bản, việc phân tích, lý giải làchuyện xa với. Cách dạy nhàm chán khiến SV vẫn phải ngồi nghe vì không có cơ hội lựa chọn thầy. Lối dạy học kiểu ấy không phát huy được năng lực của sinh viên. Dạy học phát triển năng lực hiện nay (năng lực thu lượm kiến thức, năng lực sáng tạo, năng lực tìm tòi phương pháp) và dạy học khám phá đang được nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến áp dụng, mang tính phổ biến, nhưng nhiều cơ sở đào tạo ĐH, CĐ và phổ thông nước ta lại chưa tiếp cận được và áp dụng nhiều trong dạy học lịch sử.
Khoa xã hội của một trường ĐH mới được nâng cấp từ CĐ lên ở phía Bắc, đội ngũ giáo viên cho ngành sử sư phạm còn thiếu, không đủ chuẩn, còn phải đi mời giảng. Thế nhưng họ lập tức mở cả ngành lịch sử xã hội nhân văn bên cạnh ngành Sư phạm Lịch sử. Chương trình giống như đào tạo ngành sư phạm lịch sử, chỉ cắt phần nghiệp vụ đi, không có chuyên ngành, cũng chẳng chuyên sâu. Hậu quả là chương trình không đạt, mục tiêu không rõ.
Ngăn chặn "mượn danh"
Về việc mở các trường ĐH, Bộ GD-ĐT cần kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cơ hữu đủ trình độ quy định, ngăn chặn các cơ sở mở trường ĐH mượn tên cán bộ của các trường khác. Trường nào đã mở thì cần đầu tư cơ sở vật chất và đặc biệt là thúc đẩy trường đó phải có biện pháp để đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.
Cần quy định tiêu chuẩn cho đội ngũ cán bộ cơ hữu, số lượng và trình độ bao nhiêu mới mở trường ĐH, đào tạo cao học hay đào tạo nghiên cứu sinh. Rà soát lại những cơ sở không đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, mạnh dạn tạm dừng tuyển sinh ở các cơ sở này để họ chuẩn bị cho đến khi đủ điều kiện, nếu không những sản phẩm của ho đào tạo ra sẽ kàm khỏ nhiều thế hệ tiếp theo.
Giao cho các trường đủ điều kiện đủ chuẩn một trường ĐH tự chủ về đào tạo, tự chủ về chương trình, phương pháp đào tạo, hợp tác quốc tế nhất là đối với những trường trọng điểm. Văn bằng, hình thức văn bằng do các trường tự chủ để làm sao cho SV học trường này tự hào về thương hiệu của trường.