PGS.TS Văn Như Cương:

Biện pháp chép phạt là sự hành hạ thể xác học sinh

(Dân trí) - Sự việc nữ học sinh THPT ở Thái Bình tự tử sau khi bị cô giáo thóa mạ và bắt chép phạt bài đã gây bức xúc dư luận trước hành xử thiếu tính sư phạm của một giáo viên.

Sự việc đau lòng xảy ra tại Trường THPT Đồng Quan (huyện Đông Hưng, Thái Bình). Theo đó, sự việc diễn ra ngay trong giờ học chính khóa của nữ sinh xấu số. Cô giáo dạy môn toán sửa một bài kiểm tra và yêu cầu các học sinh (HS) làm sai các lỗi thường gặp chép lại nhiều lần bài kiểm tra. Nữ sinh xấu số là một trong những HS có học lực khá của lớp đã phản đối yêu cầu này. Trước phản ứng đó, cô giáo đề nghị em hoặc đứng vào góc lớp, hoặc đi ra ngoài. Em đã chọn cách đi ra ngoài và bất ngờ nhảy xuống đất. Ngay sau đó em được đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Sự việc trên đã gây đau lòng không chỉ với gia đình mà với đội ngũ nhà giáo và bức xúc dư luận.
 
Nói về biện pháp bắt HS chép phạt bài, TS. Nguyễn Tùng Lâm, nhà tâm lý học, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng: “Quy chế của các nhà trường và phương pháp sư phạm không cho phép giáo viên được đưa ra các biện pháp kỷ luật với HS. Không ai được phép dùng hình phạt để o ép HS, càng làm như vậy càng tạo ra áp lực tinh thần, gây bức bức đối với các em vì lứa tuổi này HS dễ bị kích động”.

Trong khi đó, PGS.TS Văn Như Cương nhận định: "Biện pháp giáo viên bắt HS chép phạt đã quá cổ điển, không còn tác dụng mà đó là biện pháp hành hạ thể xác HS hơn là giáo dục các em. Tôi không hiểu giáo viên cấp ba mà lại có ứng xử như vậy với HS".

“Tôi thấy hiện tượng giáo viên bắt HS chép phạt này rất vô lý nhưng vẫn xảy ra ở nơi này nơi kia. Không hiểu trường sư phạm có đặt ra cho sinh viên thảo luận hay không. Tôi rất buồn vì nhiều giáo viên hiện nay kỷ luật HS một cách tùy tiện như bắt HS úp mặt vào tường, đuổi HS ra khỏi lớp… Thời tôi đi học, giáo viên đánh HS nhiều nhưng không có lời chửi mắng HS. Bây giờ dân chủ hơn nên cần phải có sự bình đẳng giữa giáo viên và HS. Thầy cô giáo chỉ nên khuyên răn, dạy bảo HS chứ không được chửi HS. Giáo viên phải biết kìm chế, biết giận thì cũng phải biết thương HS” - PGS.TS Văn Như Cương chia sẻ.

Trao đổi với Dân trí, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo, cho biết: “Cục Nhà giáo đã chỉ đạo người xuống nắm bắt tình hình và yêu cầu Sở GD-ĐT Thái Bình báo cáo sự việc”.

Nói về nguyên nhân gây ra cái chết của nữ học sinh trên là do giáo viên mắng và bắt chép phạt, ông Minh cho hay: “Trong trường hợp, giáo viên thóa mạ, xúc phạm HS là vi phạm kỷ luật. Nếu giáo viên bắt HS chép đi chép lại nhiều lần do không thuộc bài gây nên cái chết đau lòng cho HS thì cần phải xem xét kỹ, từ nhiều tình huống cụ thể mới khẳng định được”.

Còn về hình thức giáo viên bắt HS chép phạt, theo ông Minh, không phải là mới mà đã diễn ra từ lâu rồi và vấn đề này không có quy định cụ thể. Có chăng chỉ là sự thống nhất giữa giáo viên và phụ huynh để bắt HS phải ghi nhớ. Với HS hư, HS không thuộc bài có nhiều biện pháp để giải quyết. Tuy nhiên giáo viên bắt HS chép phạt còn tùy thuộc vào tâm lý, lứa tuổi HS. Với HS tiểu học, biện pháp này có thể chấp nhận được vì các em đang tập viết nhưng với lứa tuổi học sinh bậc THCS, THPT cần phải cân nhắc không sẽ phản tác dụng.

Hồng Hạnh