Câu chuyện giáo dục:
Bí mật sau chuyện nữ sinh 13 tuổi đòi... nâng ngực
(Dân trí) - Người mẹ như phát điên khi cô con gái mới 13 tuổi của chị tuyên bố sẽ góp tiền để vài năm nữa đi... nâng ngực.
Chị vô tình phát hiện kế hoạch sẽ đi nâng ngực của con gái 13 tuổi - vừa học hết lớp 7 khi cháu... buôn chuyện với bạn. Cháu nói sẽ để dành tiền từ bây giờ để vài năm nữa tìm chỗ an toàn, uy tín nâng cấp vòng 1.
Tưởng nghe nhầm, chị hỏi lại con và không khỏi sốc khi con đáp "đúng rồi", khẳng định ý định sẽ nâng ngực của mình. Như phát điên, chị lao vào tát, giật tóc con cùng đủ các ngôn từ chửi bới như đồ mất nết, hư hỏng, đú đởn...
Chị không thể nào hình dung và chấp nhận nổi ở tuổi này con có suy nghĩ mà theo chị là quá lệch lạc và đua đòi. Chị còn không dám kể lại với chồng vì lo sợ "ông ấy sẽ xử lý con bé luôn".
Mối quan hệ mẹ con vốn đã có nhiều rắc rối khi con bước vào tuổi dậy thì, lần này càng thêm trầm trọng. Mẹ tức điên người, còn con giận mẹ không nói năng một lời.
Hơn cả tháng trời trong bầu không khí căng thẳng, ngột ngạt này, chị thuyết phục con cùng đến gặp một chuyên gia giáo dục ở trường học. Thật ra, chị đi với suy nghĩ nhờ người ngoài nói con mới nghe, mới thức tỉnh.
Sau khi gặp riêng cháu bé, vị chuyên gia này nói chuyện với người mẹ. Điều nhận được một lần nữa làm chị không khỏi ngỡ ngàng.
Người tư vấn kể lại cuộc trao đổi của bà với con gái chị. Khi được hỏi: "Sao con lại muốn nâng ngực?", cháu bé đáp: "Con thấy nhiều cô gái khi "lép" không ai chú ý, chỉ cần nâng ngực xong cái là thành hot girl nổi tiếng rần rần". Đi kèm câu trả lời, cô học trò liệt kê hàng loạt cái tên hot girl, người mẫu, ca sĩ...
Vị chuyên gia gật đầu xác nhận bà cũng thấy như cô bé và nói rõ quan điểm của mình nhan sắc là một lợi thế không thể phủ nhận.
Tiếp đó, bà hỏi cháu: "Vậy con có thấy ai không nâng ngực hay không xinh đẹp vẫn nổi tiếng không?". Cháu bé gật đầu lia lịa: "Có cô, có ca sĩ T. không nâng ngực, ăn mặc thì quê ơi là quê mà vẫn nổi tiếng".
Khi được hỏi vì sao cô ấy nổi tiếng, cô bé trả lời: "Vì cổ hát hay và không có xì-căng-đan gì hết". Cô bé cũng liệt kê thêm nhiều người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác đi lên bằng tài năng, khổ luyện...
Sau cuộc nói chuyện, cô nữ sinh nhận ra rằng có nhiều con đường để nổi tiếng, để khẳng định mình chứ không chỉ mỗi... nâng ngực. Em nói: "Con sẽ cân nhắc lại kế hoạch nâng ngực của mình".
Khi nghe trao đổi lại, người mẹ mới nhận ra ẩn phía sau mong muốn đi nâng ngực của con hóa ra không phải là nhu cầu muốn đi nâng ngực. Nhu cầu thật sự của con là nhu cầu được chú ý, được nổi tiếng, được biết đến, muốn khẳng định bản thân. Suy cho cùng đó là nhu cầu hợp lý và chính đáng.
Ý muốn đi nâng ngực chỉ là giải pháp cháu nhìn thấy thời điểm đó. Cháu chưa nhìn thấy về nhiều giải pháp, con đường khác.
Còn người mẹ, nhu cầu của chị là đảm bảo an toàn cho con, sợ con vướng vào những thứ không lành mạnh. Nhu cầu của chị cũng chính đáng chỉ là cách thức hiện chưa phù hợp với con.
Khi ra về, người mẹ nắm tay con, nói: "Mẹ xin lỗi con!". Đứa con cũng lí nhí đáp lại: "Con cũng làm mẹ giận...".
Trong giao tiếp, đặc biệt với con, bố mẹ cần quan tâm đến nhu cầu thực sự của đứa trẻ ẩn sau những biểu hiện, lời nói hay cả trong những đòi hỏi, yêu sách.
Một đứa bé mỗi sáng không chịu ra khỏi nhà đi học có thể không phải vì chúng ghét trường ghét lớp như nhiều người tưởng. Có thể lắm, chúng có nhu cầu được ở cạnh bố mẹ nhiều hơn, chúng muốn được bố mẹ quan tâm đến mình hơn.
Khi đứa trẻ có những hành vi nổi loạn, bất cần như đi bar, rượu chè, thuốc lá hay muốn nâng ngực, nâng mũi hay chuyện sống chết đòi đi xem Blackpink có thể không phải do chúng đua đòi, hư hỏng.
Phía sau đó có thể là nhu cầu được quan tâm, được hòa đồng, được bạn bè chấp nhận, nhu cầu hiểu về trend (xu hướng), nhu cầu khẳng định bản thân...
Lắng nghe, hiểu nhu cầu thật của con giúp bố mẹ tránh những phát xét, hành xử thô bạo đẩy trẻ xa mình. Hiểu về nhu cầu của con giúp phụ huynh hiểu về những giá trị con đang theo đuổi và cũng là cách để bố mẹ ở cạnh định hướng, hỗ trợ con tìm ra nhiều giải pháp cho một vấn đề...