Quảng Ngãi:

Bị cắt tiền hỗ trợ, học sinh dân tộc có nguy cơ nhịn đói đi học

(Dân trí) - Thực hiện Quyết định 85/2010-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai và hỗ trợ đến học sinh dân tộc thiểu số ở 6 huyện miền núi. Tuy nhiên, trong năm học 2015-2016, học sinh ở huyện Tây Trà bị cắt gạo và tiền hỗ trợ bán trú.

Chính sách thụ hưởng đối với học sinh dân tộc bán trú quy định học sinh tiểu học với khoảng cách từ nhà đến trường trên 4 km, cấp THCS khoảng cách 7 km. Đối với trường hợp địa hình cách trở, qua sông, suối (không có cầu), đồi núi cao có thể gây mất an toàn, nguy hiểm với học sinh, không thể đi về trong ngày, khoảng cách từ 1 km (đối với cấp tiểu học) và 2 km đối với cấp THCS. Với quy định trên, mỗi học sinh bán trú được hỗ trợ 15 kg gạo, 40% lương tối thiểu và thêm 10% lương tối thiểu áp dụng với học sinh ở lại nhà dân.

Sau khi thanh tra huyện Tây Trà rà soát, nhiều học sinh dân tộc (địa phương có hơn 95% dân tộc Cor) bị cắt hỗ trợ vì chỉ thiếu từ vài chục đến hàng trăm mét. Qua thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà, năm học 2015-2016, toàn huyện có 2198 học sinh dân tộc thiểu số, trong đó có 330 học sinh bỗng dưng bị cắt miếng cơm, manh áo tiếp sức đến trường.


Mỗi ngày, từng học sinh huyện miền núi Tây Trà đi bộ vài km đến trường tìm con chữ, nếu buổi trưa các em về lại nhà, nguy cơ vắng mặt buổi chiều là điều có thể.

Mỗi ngày, từng học sinh huyện miền núi Tây Trà đi bộ vài km đến trường tìm con chữ, nếu buổi trưa các em về lại nhà, nguy cơ vắng mặt buổi chiều là điều có thể.

Nuốt nước mắt vào lòng, ông Phạm Sơn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tây Trà nói: “Bây giờ đường xá đi lại thuận lợi hơn, đoàn thanh tra đo từng mét và nhiều em chưa đạt yêu cầu trên. Trên thực tế, cho dù các em cách nhà vài ki-lô-mét cũng đều ở lại trường, ăn uống rồi học buổi chiều. Trong khi, học sinh đi từ nhà đến trường bằng đôi chân trần trên đôi dép rách, liệu các cháu đi vài ki-lô-mét với 1 ngày 2 lần đến trường thì học hành làm sao chất lượng. Đó là chưa kể buổi trưa ba mẹ các em đi rẫy, khi bị cắt gạo và học sinh về nhà thì nguy cơ các em bị nhịn đói buổi trưa là điều đương nhiên. Từ đầu năm đến nay, tình trạng “học giã gạo” lại xảy ra ngày càng nhiều ở các trường, điểm trường ở địa phương”.


Tranh thủ ôn bài và ở lại trưa dưới túp lều tạm, khi cắt gạo và tiền hỗ trợ, học sinh Cor rơi vào nguy cơ nhịn đói để đi học.

Tranh thủ ôn bài và ở lại trưa dưới túp lều tạm, khi cắt gạo và tiền hỗ trợ, học sinh Cor rơi vào nguy cơ nhịn đói để đi học.

“Nhiều em ở cùng làng, cách nhau khoảng 2 phút đi bộ thôi nhưng em có, em không, khiến phụ huynh và học sinh vô cùng bất an. Như năm trước, cả trường có 148 học sinh thụ hưởng chính sách, còn năm nay chỉ có 42 em nhận hỗ trợ. Nếu các cấp chưa xem xét, điều chỉnh chính sách hỗ trợ kịp thời cho phù hợp với thực tế, con đường đến trường của các em càng gập ghềnh hơn chặng đường chèo đèo, lội suối như lúc trước”, thầy Nguyễn Trí Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Phong chia sẻ.

Qua tìm hiểu của PV Dân trí ở 5 huyện miền núi (gồm Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây và Trà Bồng), học sinh thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và đều đảm bảo hỗ trợ chính sách cho con em địa phương.

Hồng Long