Bé trai nhảy từ tầng 22 chung cư: Cảnh báo phụ huynh về áp lực học lên con!

Kiều Phương

(Dân trí) - Vụ bé trai lớp 6 tại một chung cư ở Hà Nội nhảy tầng tử vong như một hồi chuông cảnh báo tình trạng trẻ tìm đến cái chết như một biện pháp giải thoát khỏi áp lực ngày càng có xu hướng gia tăng.

Vào khoảng 21h ngày 16/12, người dân sống tại chung cư Goldmark City (Hà Nội) phát hiện một bé trai nằm bất động. Theo đại diện ban quản trị chung cư, nạn nhân là một bé trai 12 tuổi, đang học lớp 6. Do áp lực về học hành, làm bài thi không tốt nên tối 16/12, cháu bé đã nhảy từ tầng 22 xuống dẫn đến tử vong.

Vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng tự tử học đường ngày càng có xu hướng gia tăng, đồng thời nhắc nhở các bậc phụ huynh cần có sự đồng cảm, thấu hiểu thay vì đặt nặng áp lực lên vai con trẻ.

Bé trai nhảy từ tầng 22 chung cư: Cảnh báo phụ huynh về áp lực học lên con! - 1

Tòa chung cư nơi xảy ra sự việc.

Lịch học dày đặc

Sống tại tòa S1 của chung cư Goldmark City, phụ huynh N.T.T. chia sẻ, trong đêm ngày 16, khi biết tin, chị như "chết lặng".

"Không cùng họ hàng, máu mủ, nhưng tôi vẫn thấy vô cùng đau đớn. Thương con, thương gia đình quá. Không biết sau chuyện này, bố mẹ cháu bé sẽ sống và đối diện với hiện thực ra sao?".

Chị T. cho biết thêm, sự việc này như hồi chuông cảnh báo cho gia đình, nhà trường và xã hội về những áp lực vô hình mà trẻ em mắc phải.

Trên thực tế, hiện nay, học sinh phải đối mặt với nhịp độ học dày đặc, chạy đua với thời gian. Hết học trên lớp, trẻ còn phải theo học tại các lò luyện thi, lớp bồi dưỡng. Bên cạnh đó, nhiều trẻ, đặc biệt ở lứa tuổi dậy thì còn bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề như: thay đổi tâm sinh lý, các mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, gia đình… Trong khi, tâm lý chung của cha mẹ luôn mong muốn con cái tập trung và có thành tích tốt trong học tập.

Sự "lệch pha" trong tâm lý, lứa tuổi dẫn tới việc không thấu hiểu, đôi lúc cha mẹ còn động thái áp đặt, so sánh con mình với "con nhà người ta". Từ đây, nhiều trẻ bị áp lực, mất niềm tin vào bản thân và tìm đến tự tử như đang cho mình một lối thoát.

Cô Vũ Trang Linh (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này. Là một người mẹ, đồng thời là một nhà giáo, cô Linh bày tỏ, trong bối cảnh dịch bệnh, áp lực của trẻ càng tăng lên gấp bội do ngày ngày phải học trực tuyến, mọi hoạt động xã hội bị hạn chế tối đa.

"Mặc dù học online, nhưng nhiều trẻ phải "quay cuồng" với lịch học dày đặc hệt như học trực tiếp. Cả một ngày dài quẩn quanh bên chiếc máy tính, "đánh vật" với học chính khóa, rồi bài tập về nhà, thậm chí bận rộn cả thứ bảy, chủ nhật do phải học thêm.

Con gái tôi học lớp 10, lịch học online "điên cuồng" và dày kín. Đôi khi, nhìn con, tôi cảm thấy xấu hổ bởi đôi khi tôi cũng không thể hoàn thành thời khóa biểu như các con đang phải gồng gánh. Không biết khi nào những vụ tự sát thương tâm như vậy sẽ không còn xảy ra?" - cô Linh trăn trở.

Chết trong kỳ vọng…

Nêu quan điểm về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Chuyên (giáo viên môn GDCD tại Hải Phòng) cho biết, tình trạng tự tử học đường ngày càng có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân có thể do áp lực học tập, cuộc sống gia đình mâu thuẫn, gặp khó khăn trong việc kết nối bạn bè... Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con. Khi trẻ không đạt được như kỳ vọng thì quay sang trách móc khiến trẻ bị sốc tâm lý, buồn bực, trầm cảm lâu dần không giải tỏa được đã tìm đến cái chết.

"Chỉ cần gõ "học sinh tự tử vì áp lực" trên thanh tìm kiếm, chưa đầy 1 giây, hàng loạt bài báo với tiêu đề "Học sinh trầm cảm vì điểm số", "Áp lực khiến học sinh quyên sinh"... khiến chúng ta giật mình. Do đó, vụ việc nam sinh lớp 6 tự tử mới đây, cùng với rất nhiều sự việc thương tâm đã xảy ra khác, như một lời cảnh tỉnh đau đớn đến các phụ huynh, thầy cô - những người lớn luôn mong muốn con trở thành "thần đồng".

Cô Chuyên chỉ ra, một thực tế đáng buồn là nhiều trẻ bị cha mẹ ép học tập, đạt điểm số cao, phải tham gia kỳ thi nọ, giành giải kia… Thậm chí, nhiều em bị định hướng nghề nghiệp không theo ước mơ của chúng mà theo ước mơ của bố mẹ. Nhiều phụ huynh do chưa thực hiện được mong ước thời trẻ, do đó đã kỳ vọng rồi áp đặt và yêu cầu con thực hiện thay, mà quên mất đứa trẻ có quyền được sống với ước mơ của mình.

Trong khi đó, nhiều thầy cô cũng vì chạy theo thành tích mà nhồi nhét kiến thức, gò ép các em phải được điểm cao, từ đây dẫn đến tình trạng quá tải, thậm chí sợ học, sợ đến trường. Khi những áp lực học tập đến từ phía bố mẹ, nhà trường dồn nén, nhiều học sinh đã bị trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết là điều có thể lý giải được. Đó chính là chết trong sự kỳ vọng.

"Sự kỳ vọng đặt không đúng chỗ sẽ dễ gây ra áp lực, đè nén đôi vai con trẻ. Các bậc cha mẹ, thầy cô cũng từng trải qua thời học sinh, sinh viên, do đó, mong mọi người hãy đặt bản thân vào vị trí các em nhiều hơn để thấu hiểu.

Mỗi vụ việc trẻ tự tử thương tâm lại khiến chúng ta xót xa và giật mình. Nhưng nếu chỉ đau xót, bàng hoàng trong giây lát, rồi lại quên đi, thì tôi nghĩ những sự việc tương tự sẽ còn tiếp diễn.

Vì vậy, tôi cho rằng, để giảm tình trạng học sinh trầm cảm, tự vẫn, quan trọng là cha mẹ, thầy cô cần thay đổi. Đừng đặt quá nhiều sức ép lên việc học tập để con được sống, tận hưởng tuổi thơ với những kỷ niệm đẹp chứ không phải bị ám ảnh về chuyện học tập".

Bé trai nhảy từ tầng 22 chung cư: Cảnh báo phụ huynh về áp lực học lên con! - 2

(Ảnh: minh họa)

Đứng ở góc độ khác, thầy giáo Nguyễn Trung Hiếu (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội) cho biết, thực trạng này còn cho thấy lỗ hổng trong tư vấn tâm lý học đường.

Thực tế, nhiều trường học đã có phòng tư vấn tâm lý nhưng lại chưa hiệu quả. Phần lớn cán bộ tham vấn đều là giáo viên kiêm nhiệm, thiếu kỹ năng; cùng với nơi diễn ra công tác tư vấn vẫn chưa thực sự đảm bảo yếu tố bí mật; do đó nhiều học sinh vẫn còn e ngại, xa cách nên kết quả không được như mong muốn.

"Học sinh, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên - giai đoạn mà sự phát triển về thể chất đã tương đối ổn định, nhưng lại chưa đủ trưởng thành về mặt tâm lý. Khi gặp khó khăn trong cuộc sống, áp lực học tập, các em dễ có suy nghĩ tiêu cực.

Vì vậy cần có người chia sẻ, hướng dẫn và động viên để các em tìm ra hướng đi mới. Ngoài sự trò chuyện, thấu hiểu của cha mẹ, thầy cô hãy trở thành những nhà tư vấn tâm lý gần gũi, giúp các em gợi mở vấn đề gặp phải và tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

Quan trọng hơn cả, tôi cho rằng cần chú trọng dạy kỹ năng, ứng xử xã hội cho trẻ. Giờ dạy kỹ năng phải thành học chính khóa, thay vì tận dụng các giờ sinh hoạt như hiện nay. Nhà trường cũng cần tổ chức nhiều hơn các chương trình tư vấn tâm lý học đường ngoại khóa với những tình huống thiết thực để học sinh có thể nhận biết, tự trang bị kỹ năng và ứng phó với mọi tình huống" - thầy Hiếu nêu quan điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm