Tiếng Việt trong trường thuộc dân tộc thiểu số:

Bế tắc giảng dạy?

(Dân trí) - Cô nói trò không hiểu, và ngược lại. Đó là thực trạng của phần lớn nhà trường thuộc dân tộc thiểu số. Cho dù đã có công đoạn biên soạn sách, từ điển, các sổ tay phương ngữ Việt - Dân tộc. Thế nhưng, việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trong nhà trường còn quá nhiều hạn chế.

Ông Mông Ký Slay, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc- Bộ GD-ĐT) cho biết, cả 53 dân tộc ở Việt Nam đều có ngôn ngữ riêng, trong đó có khoảng 30 dân tộc có chữ viết riêng. Thực tế hiện nay, vùng dân tộc thiểu số, số lượng trẻ em tuổi mẫu giáo, tiểu học không biết và nói chưa sõi tiếng phổ thông chiếm đại đa số. Thậm chí việc nghe nói đọc viết của học sinh dân tộc ở các cấp THCS, THPT cũng còn rất đuối.

 

Để phần nào tháo gỡ khó khăn đó, ngành giáo dục cũng đã có hệ thống trường lớp dạy song ngữ ở một số địa phương như: Việt - Khơme, Việt - Ê đê, Việt - H'Mông. Song song với triển khai chương trình và SGK mới thống nhất trong cả nước, Bộ GD-ĐT cũng đã áp dụng một số biện pháp tăng cường giáo dục tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số như: Chương trình làm quen với tiếng Việt ở mẫu giáo, xây dựng tài liệu "Hướng dẫn dạy tập nói tiếng Việt" cho trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1...  Song, những cố gắng của ngành giáo dục vẫn chưa thể đáp ứng một cách đầy đủ và phủ khắp mọi vùng sâu, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

 

Trong một hội thảo quốc gia về chủ đề dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, cô giáo Đoàn Thị Nga, trường Tiểu học Dền Sán-Bát Xát -Lào Cai, đã bức xúc: “Việc ngành giáo dục chu cấp đầy đủ các chương trình và sách giáo khoa chưa phải là đủ mà điều quan trọng nhất là giáo viên phải biết được tiếng dân tộc”.

 

Còn Cô giáo Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Phú (Tuyên Quang) cho biết, khi dạy môn Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số, các giáo viên mất rất nhiều thời gian trong việc giải thích cho các em về các khái niệm.

 

Thầy giáo Hà Công Văn, Hiệu trưởng Trường trung học Húc Nghì (Đắc-Krông - Quảng Trị) thì, nhiều khi vào lớp cô giáo nói gì học sinh chẳng hiểu, học sinh nói gì cô giáo chẳng biết, chỉ toàn ra hiệu với nhau!

 

Để giải quyết vấn đề này, ngay từ khi triển khai chương trình SGK mới, Bộ GD-ĐT có chủ trương đối với các em học sinh dân tộc thiểu số sẽ tập trung vào giữa tháng 8, để các em làm quen với tiếng Việt theo một giáo trình riêng. Nhưng, các thầy cô giáo vùng dân tộc thiểu số đều cho rằng, từng ấy thời gian là quá ngắn. Ông Trần Ngọc Tri, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai cho biết, một ngày phải dạy liên tục bảy tiết, liên tục trong nửa tháng mới hết một phần hai tài liệu Bộ GD-ĐT ban hành. Sau đó dạy một tuần 3 tiết, xen kẽ với SGK hết học kỳ I mới xong bộ tài liệu này.

 

Tuy nhiên, cái khó nhất lại là do còn thiếu rất nhiều giáo viên biết tiếng dân tộc thiểu số. Trong khi đó, trên thực tế những giáo viên dạy vùng sâu vùng xa chủ yếu là từ những nơi khác tới, nên những phấn đấu trong công việc thường phục vụ cho một mục đích là... được chuyển dần về miền xuôi, thị trấn, thị xã.

 

 

Mai Minh