“Bất ổn” ở đề thi Văn THPT quốc gia: Gây khó khăn cho dạy học
(Dân trí) - Chương trình THPT rèn luyện kĩ năng viết bài văn hoàn chỉnh, không có nội dung, yêu cầu hay câu hỏi viết đoạn văn. Trong khi đề thi Văn THPT quốc gia lại yêu cầu viết đoạn văn, gây khó khăn cho giáo viên trong dạy học.
Ngày 20/12, báo Dân trí đăng tải bài viết của cô Lê Trần Diệu Thu, giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Trần Quang Khải (Hà Nội) về việc đề thi Ngữ văn THPT có “bất ổn” ở yêu cầu viết đoạn văn nghị luận.
Theo cô Thu, bất ổn ở chỗ, kiến thức trong sách giáo khoa (SGK) không có nội dung/yêu cầu hay các câu hỏi về viết đoạn văn nghị luận xã hội. Trong khi đề thi lại có yêu cầu này, khiến học sinh khó khăn khi làm bài thi vì không trình bày đủ ý. Còn giáo viên khó khăn trong dạy/học vì “vênh” giữa SGK và những gì sẽ thi.
Trao đổi về điều này, thầy Trịnh Quỳnh, giáo viên Ngữ văn tại Nam Định đồng tình với ý kiến của cô Thu.
Theo thầy Quỳnh, rõ ràng, câu hỏi làm văn nghị luận xã hội trong đề thi THPT quốc gia như thế là chưa phù hợp.
Khác biệt trong cách đặt câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn và bài văn ở SGK Ngữ văn lớp 8
Thứ nhất, câu hỏi chưa thể hiện đầy đủ khái niệm đoạn văn, chưa đặt yêu cầu viết đoạn văn trong quy trình rèn kĩ năng viết văn bản hoàn chỉnh. Nên giữa đề thi thi và chương trình, SGK đang “vênh” nhau.
Thứ hai, đề yêu cầu viết đoạn văn nhưng vấn đề nghị luận lại không khác so với yêu cầu viết bài văn.
Cũng theo thầy giáo Trịnh Quỳnh, bản thân thầy đang giảng dạy tại trường phổ thông, đồng thời qua chia sẻ của một số đồng nghiệp khác, những sai sót trong đề thi, dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình dạy và học.
Thứ nhất, chưa thống nhất về chương trình. Vì trong chương trình THPT phần làm văn rèn luyện kĩ năng viết bài văn hoàn chỉnh, không có các nội dung, các yêu cầu hay câu hỏi viết đoạn văn. Giáo viên không thể dạy viết bài văn mà thi lại yêu cầu viết đoạn văn.
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 ở TP Hồ Chí Minh 2018 yêu cầu viết bài văn ngắn.
Thứ hai, học sinh THCS đã làm quen với kĩ năng viết bài văn ngắn trình bày đầy đủ những hiểu biết về một vấn đề nghị luận. Đáng ra, ở cấp THPT, học sinh phải được rèn luyện viết bài văn để giúp các em phát triển năng lực tạo lập văn bản nhưng trong đề thi mức độ yêu cầu lại giảm xuống chỉ viết một ý trong bài văn.
Thứ ba, với đề thi trên, giáo viên hoang mang vì cả hai cách hiểu về đoạn văn hiện nay trong SGK, nếu so với đề thì đều không thực sự đúng đắn.
“Nếu viết đoạn văn đầy đủ gồm nhiều ý chi tiết thì phải gọi đó là bài văn hay văn bản như vậy là không đúng yêu cầu của đề bài.
Nếu viết đoạn văn chỉ trình bày một ý thì vấn đề nghị luận không trọn vẹn, bài văn dang dở. Hơn nữa không cung cấp chủ đề của bài văn, các luận điểm của bài văn mà chỉ yêu cầu viết đoạn văn thì không thể viết được đoạn văn.
Vì thế đã xảy ra những tranh cãi, những quan điểm không thống nhất trong giáo viên, dẫn đến việc khi ra đề, ra hướng dẫn chấm, chấm bài cho học sinh không giống nhau giữa các giáo viên gây thiệt thòi cho chính học sinh trên cả nước”, thầy Quỳnh cho biết.
Trong khi đề thi vào lớp 10 yêu cầu viết bài văn, đề thi THPT quốc gia 2018 chỉ yêu cầu viết đoạn văn, thấp hơn cả yêu cầu của đề thi vào lớp 10.
Ngoài ra, theo thầy Quỳnh, từ những điều này, dẫn đến nhiều sai lầm khác. Đó là: Phá vỡ quy trình rèn luyện kĩ năng tạo lập văn bản mà từ trước đến nay giáo viên và học sinh vẫn thực hiện: phân tích đề - lập dàn ý chia luận điểm - viết đoạn văn - làm bài hoàn chỉnh.
Học sinh không còn phân biệt được đoạn văn với bài văn. Chỉ hiểu đoạn văn về hình thức: lùi đầu dòng, không xuống dòng, ngắn gọn.
Giáo viên áp dụng máy móc mà không hiểu bản chất vấn đề, không có quan điểm hay ý kiến mà mặc nhiên chấp nhận.
Vì thế, thầy Trịnh Quỳnh rất mong muốn Bộ GD&ĐT xem xét lại lí luận và thực tiễn để đưa ra những điều chỉnh phù hợp trong yêu cầu viết văn phần nghị luận xã hội.
Mỹ Hà (ghi)