Giáo viên băn khoăn về phần “Làm văn” trong đề thi THPT quốc gia

(Dân trí) - “Là một giáo viên THPT đang giảng dạy học sinh khối 12, tôi thực sự rất băn khoăn về những nội dung cần triển khai trong câu 1 (viết đoạn văn nghị luận xã hội) của phần “Làm văn” trong đề thi THPT quốc gia. Đề nghị Bộ GD&ĐT có công văn chính thức hướng dẫn các Sở GD&ĐT về vấn đề trên”.

Trên đây là ý kiến băn khoăn của một giáo viên Ngữ văn phổ thông xin được giấu tên ở Hải Dương về những nội dung cần triển khai trong câu 1 (viết đoạn văn nghị luận xã hội) của phần “Làm văn” trong đề thi THPT quốc gia.

Giáo viên này cho hay: “Là một giáo viên THPT đang giảng dạy học sinh khối 12, tôi thực sự rất băn khoăn về những nội dung cần triển khai trong câu 1 (viết đoạn văn nghị luận xã hội) của phần “Làm văn” trong đề thi THPT quốc gia".

Cụ thể, ở câu 1 của đề thi, yêu cầu HS viết một đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 từ về một nội dung của vấn đề nghị luận (sức mạnh của niềm tin, ý nghĩa của sự thấu cảm, ý nghĩa của việc tìm ra niềm đam mê, sứ mệnh đánh thức tiềm lực của mỗi cá nhân,...).

Đáp án của Bộ GD&ĐT đưa ra mang tính chất mở, khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm riêng của các em là hoàn toàn hợp lý.

 

Giáo viên băn khoăn về phần “Làm văn” trong đề thi THPT quốc gia - Ảnh 1.

Hướng dẫn chấm thi môn Ngữ Văn của Bộ GD&ĐT.

 

Tuy nhiên, khi triển khai chấm thi tại địa phương, các nơi cụ thể hóa đáp án của Bộ, yêu cầu học sinh viết đoạn văn cần đảm bảo các ý: Giải thích - bàn luận (phân tích, lý giải, chứng minh, phê phán...) - bài học nhận thức và hành động.

“Như vậy, xét về mặt nội dung, nó tương đương một bài văn nghị luận xã hội. Với các ý triển khai như vậy, đoạn văn không thể có dung lượng 200 từ mà dung lượng sẽ lớn hơn rất nhiều. Thậm chí, giáo viên chấp nhận những đoạn văn dài tới cả hơn 600 từ (tương đương yêu cầu viết bài văn nghị luận xã hội trong đề thi đại học trước đây)”, giáo viên này cho hay.

Cũng theo giáo viên này, thực tế trên đang gây rất nhiều khó khăn cho giáo viên khi giảng dạy cũng như HS khi học tập và làm bài.

Cụ thể, nếu hướng dẫn các em viết đúng nội dung và dung lượng của đoạn văn các em sẽ bị mất điểm.

Nếu hướng dẫn các em viết theo nội dung của bài văn thu gọn sẽ không đúng khái niệm về đoạn văn.

Hơn thế nữa, với thời gian 120 phút của đề thi, các em sẽ không còn đủ thời gian cho những câu hỏi khác.

“Trước thực tế trên, tôi kính mong Bộ GD&ĐT có câu trả lời chính thức, cụ thể và rõ ràng về những nội dung cần triển khai đối với đoạn văn nghị luận xã hội trong đề thi THPT quốc gia.

Đồng thời, đề nghị Bộ có công văn chính thức hướng dẫn các Sở GD&ĐT về vấn đề trên để giáo viên yên tâm hướng dẫn học sinh ôn tập”, giáo viên này nói.

 

Giáo viên băn khoăn về phần “Làm văn” trong đề thi THPT quốc gia - Ảnh 2.

Nếu hướng dẫn các em viết theo nội dung của bài văn thu gọn sẽ không đúng khái niệm về đoạn văn.

 

Như phản ánh trước đó, báo Dân trí nhận được ý kiến của một số giáo viên Ngữ Văn có uy tín, kiến nghị một số “bất ổn” trong yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội của đề thi THPT quốc gia.

Ngay sau đó, TS Ngữ Văn Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội) - một trong những giáo viên tâm huyết cũng lên tiếng về vấn đề này.

Theo cô Tuyết, vấn đề không nằm ở “yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội của đề thi THPT quốc gia” như một số bài viết trước đó mà ở cách hiểu, cách dạy, luyện viết đoạn văn ở một số giáo viên phổ thông, thậm chí hiện hữu ngay trong một số đề, đáp án đăng tải trên các phương tiện truyền thông thời gian qua.

Trước những băn khoăn của giáo viên trong mấy ngày qua, về đề thi Ngữ Văn THPT quốc gia, PV Dân trí đã có liên hệ đến bộ phận chuyên trách của Bộ GD&ĐT.

Một đại diện của Bộ cho biết, có nắm được thông tin qua các bài viết mà Dân trí đã nêu. “Với trách nhiệm của mình, Bộ sẽ lắng nghe để có câu trả lời thỏa đáng giúp giáo viên và học sinh yên tâm dạy và học”.

Mỹ Hà (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm