Thanh Hóa:
Bấp bênh sự học ở thôn nghèo nhất huyện Tĩnh Gia
(Dân trí) - Cuộc sống của người dân Đồng Lách, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) vốn đã khổ, con đường đến trường của những đứa trẻ nơi đây lại càng khổ hơn…
Gian nan đường đến trường
Thôn Đồng Lách (xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia) hiện có hơn 150 em học sinh ở các cấp học. Do bị ngăn trở về đường đi lại nên tại thôn cũng đã được đặt một khu điểm lẻ của trường mầm non và tiểu học trong nhiều năm nay.
Tại điểm phân khu lẻ này hiện nay có hơn 100 em học sinh các lớp mầm non và tiểu học cùng học chung với nhau từ lớp mẫu giáo cho đến hết lớp 5. Sau khi hoàn thành bậc Tiểu học tại đây, các em khi lên học cấp 2 phải ra trường THCS nằm tại trung tâm xã Tân Trường, đồng nghĩa với việc các em học sinh hằng ngày phải vượt quãng đường hơn 7km để đến trường.
Theo thống kê của anh Vi Văn Luân - Trưởng thôn Đồng Lách, hiện nay toàn thôn có gần 30 em đang học tại trường THCS Tân Trường và 3 em học sinh cấp 3. Để đến trường theo học cả là một vấn đề lớn và vượt qua muôn vàn khó khăn đối với các em học sinh nơi đây.
Kể về thực trạng đáng buồn về sự học của thôn, anh Luân thở dài: “Đa số các em học sinh ở thôn đều thuộc diện hộ nghèo. Khi còn học tại khu điểm của trường ngay tại thôn thì phụ huynh còn cho con em đến lớp đông đủ chứ khi đi lên cấp hai, cấp 3 các em học sinh không chịu được cảnh học xa vất vả cho việc đi lại nên cứ bỏ học dần.
Anh Luân nhẩm tính, chỉ từ đầu năm đến nay tại thôn đã có 4 học sinh bỏ học. Phần vì hoàn cảnh gia đình các em khó khăn, phần vì việc đi học cũng rất khổ cực. Mặc dù cán bộ thôn, thầy cô đến động viên nhưng các em cũng không theo học tiếp.
Con đường đến trường của các em học sinh tại đây vô cùng khó khăn khi phải vượt quãng đường hơn 7km. Trong đó, 3km là đường dốc núi cao, học sinh phải gửi xe đạp đi bộ để về nhà.
Các em học sinh hàng ngày đến trường đi học buổi sáng phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng, sau đó đi bộ vượt dốc núi. Buổi trưa đi học khi về đến nhà cũng đã gần 1 giờ chiều. Những ngày trời nắng vượt dốc đi học đường bụi mù mịt, đến được lớp thì quần áo đã bẩn hết. Mùa mưa, các em có hôm phải nghỉ học cả tuần vì không thể đến trường do đường trơn trượt lầy lội…
Người học cao nhất làng mới xong cấp 3
Anh Vi Văn Luân là người có học cao nhất trong thôn thì mới chỉ hoàn thành xong chương trình học cấp 3. Vì là người học cao nên anh Luân được bầu giữ chức trưởng thôn.
Kể về quãng thời gian theo học của mình, anh Luân cũng thấy đó là một kỳ tích lớn lao đôi với mình. Vì khi đó, cuộc sống của gia đình và người dân vẫn còn nhiều khó khăn hơn bây giờ. Đường đi học thì chưa được mở rộng, chưa có xe đạp để đi nên hàng ngày anh Luân phải đi bộ đến trường.
Khi học xong cấp 2 tại xã, anh Luân lại quyết tâm để được học tiếp cấp 3 nuôi ước mơ đại học của mình nhưng không thành. Hằng ngày, ngoài việc lo làm kinh tế cho gia đình, mỗi khi có thông báo hay chính sách gì từ trên đưa về, anh Luân lại phải tức tốc lên chiếc loa cũ dùng điện bình rồi thông báo cho bà con. Việc thông báo cũng không hề dễ khi dùng bằng điện ắc quy nên loa không phóng đi xa được. Lí do nữa là các hộ gia đình ở xa nên anh Luân phải treo hai chiếc loa ở hai điểm khác nhau sau đó chạy qua lại để thông báo.
“Khổ nhất là những hôm trời mưa, điện bình ắc quy bị hết, anh Luân phải đi từng nhà để nói và vận động cho bà con làm theo chính sách của nhà nước. Mình là người học dù mới chỉ hết cấp 3 nhưng lại rõ được chính sách và pháp luật, thông thạo tiếng Kinh nên mỗi khi tuyên truyền cho bà con phải dùng cả hai thứ tiếng mọi người mới hiểu hết đươc”, anh Luân chia sẻ.
Nhiều năm trở lại đây, số lượng học sinh các cấp ở thôn Đồng Lách cũng tăng lên. Tuy nhiên học sinh cấp 3 ở đây thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện cả thôn mới chỉ có 3 em học sinh đang theo học cấp 3. Còn lại em nào học cao cũng chỉ xong cấp 2 rồi về đi làm thuê.
Anh Luân cho hay: “Các em được sinh ra ở thôn, vốn cuộc sống đã nghèo lại thêm không có điện khiến các em không biết gì nhiều về thế giới bên ngoài. Mãi đến khi lên học cấp 2 mới biết xã hội bên ngoài có những gì, và được biết đến điện sáng. Chính vì thế mà khi theo học, các em bao giờ cũng hiểu chậm và nắm vấn đề kém hơn rất nhiều so với các em học sinh khác. Mặc dù cũng được thầy cô quan tâm đặc biêt”.
Bùi Thái Bá