Bạo lực học đường: Phụ huynh nên biết cách bảo vệ con đúng cách

Đỗ Văn Nhân

(Dân trí) - Trong môi trường giáo dục hiện nay, không ít học sinh bị bạn bè, anh chị lớp trên bắt nạt, dọa dẫm. Mỗi học sinh đều có cách phản ứng khác nhau tùy thuộc vào khả năng, tính cách của từng em.

Bạo lực học đường: Phụ huynh nên biết cách bảo vệ con đúng cách - 1

Phụ huynh nên bảo vệ con đúng cách.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video dài gần 1 phút, ghi lại cảnh một người đàn ông không đeo khẩu trang xông vào lớp học, rồi đánh vào mặt một nam sinh, mặc dù xung quanh có rất nhiều người can ngăn. Ngoài người đàn ông này, còn có một phụ nữ cũng liên tục dùng những lời lẽ khó nghe để mắng nam sinh nói trên.

Theo xác minh ban đầu, vụ việc trên xuất phát từ việc hai em học sinh (1 nam, 1 nữ) cùng khối lớp 10 của trường (hai phòng học gần nhau) có xích mích nhỏ trước đó. Sau đó, phụ huynh của một em đánh vào bạn của con như đoạn video đã đăng tải trên mạng xã hội.         

Đây là hành vi rất côn đồ, phản giáo dục. Một người đàn ông to lớn nhưng hành xử bạo lực, thiếu văn hóa với nam học sinh là không thể chấp nhận được, cần phải có biện pháp xử lý để răn đe, giáo dục đối tượng này theo quy định.

Tôi có quen một người hàng xóm, khi con mình bị bắt nạt ở trường thì có biểu hiện tức giận, chửi bới. Không biết ai đúng ai sai đã dẫn con mình đến nhà bạn học đã bắt nạt con mình để đòi lại "công bằng" bằng cách xúc phạm, hành hung học sinh đó. Trong khi chưa rõ sự việc xảy ra như thế nào đã có hành vi xử sự như vậy là không phù hợp, làm con mình sẽ ỷ lại, không sợ bất cứ ai ở trường và sẵn sàng gây sự, đánh nhau vì luôn nghĩ rằng có bố mẹ bảo vệ mình.

Trường hợp khác, khi con về mách với bố mẹ là con bị bắt nạt ở trường thì bố mẹ lại thờ ơ, xem việc đó là nhỏ nhặt, không cần quan tâm hoặc có trường hợp bố mẹ lại bảo: "sao con không đánh lại?"…Việc này sẽ dẫn đến nhiều học sinh phải sống trong môi trường luôn bị dọa nạt, đánh đập, bị uy hiếp về tinh thần mà không biết cách tự bảo vệ, do đó rất dễ chấn thương tâm lý, tự ti, mặc cảm, không có bản lĩnh, nghe lời kẻ xấu và lệch chuẩn về hành vi…

Trong môi trường giáo dục hiện nay, không ít học sinh bị bạn bè, anh chị lớp trên bắt nạt, dọa dẫm, hành hung. Mỗi học sinh đều có cách phản ứng khác nhau tùy thuộc vào khả năng, tính cách của từng em. Có em thì mách bố mẹ, có em thì chịu đựng, nhưng có em thì nhờ anh chị lớp trên can thiệp, giúp đỡ…Phụ huynh phải lưu ý rằng, việc mâu thuẫn, xích mích giữa học sinh trong nhà trường là không thể tránh khỏi, vì vậy cần phải thường xuyên quan tâm và hướng dẫn cho các em tự biết cách giải quyết mâu thuẫn, xích mích của mình.

Phụ huynh bảo vệ con bằng cách dọa dẫm, bắt nạt, hành hung gây thương tích đối với bạn học của con là hành vi rất đáng trách, không chỉ làm cho con ngày càng lệ thuộc vào mình mà còn làm cho con nhận thức lệch lạc về cách giải quyết mâu thuẫn, xích mích của bản thân, ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng sống.

Chính vì vậy, phụ huynh phải thường xuyên quan tâm, nói chuyện với con nhiều hơn để nắm bắt tình hình học tập, biết rõ các mối quan hệ của con. Nếu biết con mình bị bắt nạt ở trường thì không nên nóng vội, phải tìm hiểu rõ thực hư sự việc, xác định đúng - sai để có hướng xử lý. Nếu con của mình sai thì phải nhẹ nhàng phân tích để các cháu hiểu đúng vấn đề, tránh xảy ra sai lầm, khuyết điểm.

Trường hợp con của mình vô cớ bị đánh đập, bắt nạt…thì trước hết phải thông tin ngay với giáo viên chủ nhiệm, phối hợp với nhà trưởng để xử lý vụ việc. Quá trình giải quyết vụ việc phải hết sức tế nhị, không ồn ào, phân tích rõ cho các em biết hành vi sai trái và tự giác khắc phục.

Cha mẹ không nên bảo vệ con cái một cách thái quá, không nên dùng bạo lực để bảo vệ con, việc này có thể ảnh hưởng đến nhận thức lệch lạc và tạo ra hành vi bạo lực cho chính đứa con của mình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm