Bạo lực học đường: Hãy giúp trẻ “tự cứu mình”

(Dân trí) - Khi tình trạng bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh, lo sợ của nhiều học sinh thì điều quan trọng nhất với các em cần là làm sao để tránh bị bạo lực học đường và cả việc để mình không trở thành người đi bắt nạt.

Người lớn không được thờ ơ

Theo Thạc sĩ Tâm lý Phạm Phương Thảo (ĐH Y dược TPHCM), khi trẻ bị bắt nạt đều có các biểu hiệu dễ nhận biết nhưng nguy hiểm là chính người lớn lại thơ ơ với sự cầu cứu của trẻ. Phụ huynh, giáo viên không để ý hoặc cho là chuyện học trò đánh nhau vớ vẩn… mà không hiểu rằng có thể các em đang lo sợ và cần đến sự giúp đỡ của mình.

Khi trẻ bị bắt nạt lâu dài dẫn đến việc các em phải chịu đựng sự dồn nén, ức chế và sống trong thù hận. Khi hết sức chịu đựng, để bảo vệ mình và để giải tỏa ức chế, các em có thể có hành vi trả thù rất nguy hiểm. Trên thế giới, không ít kẻ giết người hàng loạt cũng bắt nguồn từ nguyên nhân từng bị ức hiếp trong tuổi thơ.

Bạo lực học đường đang là nỗi lo sợ của nhiều học trò (Ảnh minh họa)
Bạo lực học đường đang là nỗi lo sợ của nhiều học trò (Ảnh minh họa)

Bố mẹ không thể để mắt theo con mọi lúc mọi nơi nên điều cần thiết là dạy con cách tự bảo vệ mình. Đặc biệt là dạy con biết quý trọng thân thể, không chấp nhận người khác được làm đau mình bằng những câu nói, thái độ dứt khoát. Hãy dạy con kỹ năng bộc lộ bằng cách hỏi han chuyện bạn bè, thầy cô, trường lớp… đồng thời phải lắng nghe và tôn trọng ý kiến của con.

Đặc biệt phụ huynh cần đặc biệt lưu ý khi con mình rơi vào nhóm đối tượng dễ bị bắt nạt. Đó là những trẻ thiếu có kỹ năng giao tiếp, thiếu sự quan tâm của người lớn hoặc trẻ có khiếm khuyết về cơ thể hoặc có những đặc điểm quá nổi bật…

Bỏ quan niệm “con ngoan phải biết vâng lời”

ThS Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) cho rằng, việc để trẻ “phòng vệ” với bạo lực học đường, quan trọng nhất là trang bị nội lực từ bên trong cho con.

Học sinh Trường THCS Châu Văn Liêm, TPHCM tham dự chuyên đề Nói không với bạo lực học đường
Học sinh Trường THCS Châu Văn Liêm, TPHCM tham dự chuyên đề "Nói không với bạo lực học đường".

Trước hết, gia đình cần bỏ ngay quan niệm áp đặt con ngoan là nhất nhất cái gì cũng phải biết nghe lời. Từ trong gia đình như vậy, khi ra ngoài, trẻ cũng không dám nói lên ý kiến của mình. Khi đó, trẻ sẽ không biết cách phản kháng, không biết phản ứng khi bị bắt nạt.

Bên trong trẻ có sức mạnh rất lớn, bố mẹ cần xây dựng cho con sự tự tin, bản lĩnh sống. Trước hết bằng việc việc lắng nghe những ý kiến, lập trường của trẻ, kể cả những ý kiến trái chiều.

Một khi thể hiện được chính kiến của mình, ý thức về bản thân của trẻ rất cao cũng là cơ hội để bố mẹ nắm rõ hơn về những vấn đề con gặp phải. Còn một khi đứa trẻ không được nói, không được bày tỏ ý kiến thì việc hy vọng các em làm được gì đó để bảo vệ bản thân là điều rất khó.

Hãy giúp con tin vào chính bản thân mình, biết chia sẻ, biết lên tiếng… là một cách bảo vệ bản thân tốt nhất. Nếu như có các lớp tập huấn kỹ năng bảo vệ bản thân, hãy tạo điều kiện cho con tham gia.

Sống tôn trọng mình và người khác

Bác sĩ, chuyên gia tâm lý Lan Hải chia sẻ chúng ta đang có “lỗ hổng” lớn trong việc việc giáo dục học sinh quý trọng bản thân, quý trọng người khác và sống phù hợp với giới tính của mình, giáo dục tình bằng hữu… Các em không biết học những điều này ở đâu nên không biết yêu thương, trân trọng chính bản thân mình và cũng không biết tôn trọng người khác.

Ngay từ nhỏ, các em phải được giáo dục sự khác biệt của bản thân, coi trọng, yêu thương, tôn trọng bản thân và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Chỉ khi được giáo dục về tình yêu thương, những giá trị nhân bản và giá trị con người, các em mới không dễ dàng để người khác làm tổn thương mình cũng như có hành vi làm hại, làm đau người khác.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nhìn nhận, bắt nạt trong trường học xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa và ngày càng gia tăng, phổ biến. Không nên xem hiện tượng này thuần túy như một "vấn đề về đạo đức", cũng không thể ảo tưởng có thể làm điều gì đó để con em chúng ta trở nên tốt "đến mức mất hẳn hiện tượng này"...

Quan trọng là có những chiến lược dự phòng và can thiệp hiệu quả, nhằm ít nhất có thể kiểm soát các yếu tố nguy cơ, gia tăng khả năng bảo vệ của cá nhân học sinh và giảm thiểu những tác hại của hiện tượng bắt nạt khi chúng xảy ra.

Hoài Nam (ghi)

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm