Bán SGK phổ thông mới theo giá cũ: Chuyên gia kêu khó

(Dân trí) - Kiến nghị giá bán SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới không vượt mức giá của bộ sách giáo khoa cũ bị một số chuyên gia cho rằng khó thực hiện vì sẽ lỗ.

Bán SGK phổ thông mới theo giá cũ: Chuyên gia kêu khó - 1

Giáo viên nghiên cứu, thảo luận về việc chọn sách giáo khóa lớp 1. (Ảnh: L. Động)

Giá sách quá cao khó phù hợp với người dân

Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà phát hành sách đang hoàn tất việc kê khai giá để có thể công khai đến phụ huynh học sinh. 

Tuy nhiên, việc tính toán giá sách giáo khoa mới nên như thế nào để vừa đảm bảo doanh nghiệp có thể “sống được”, tiếp tục tham gia làm sách, vừa đảm bảo quyền lợi của phụ huynh học sinh?

Được biết, theo văn bản số 115/BGDĐT –KHTC ngày 14/1/2020, Bộ GD&ĐT kiến nghị: “Chính phủ giao Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá SGK phổ thông mới theo Luật Giá 2012. 

Bán SGK phổ thông mới theo giá cũ: Chuyên gia kêu khó - 2

Nhiều chuyên gia cho rằng, định giá SGK phổ thông mới cần tuân thủ theo cơ chế thị trường.

Trong đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trình Chính phủ về mức giá kê khai SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo không vượt mức giá kê khai của bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020. Vận dụng định mức biên soạn của bộ sách giáo khoa hiện hành để rà soát mức giá kê khai của bộ sách giáo khoa mới”.

Tại toạ đàm trực tuyến “Xã hội hoá biên soạn SGK: Thuận lợi và thách thức”, do Báo Lao động tổ chức chiều 5/3, một số chuyên gia cho rằng: SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới có hình thức bắt mắt, giấy in đẹp, chất lượng cũng được các thành viên trong Hội đồng thẩm định đánh giá cao.

Nhưng với yêu cầu bán SGK này như kiến nghị trên đây của Bộ GD&ĐT, nhiều chuyên gia cho rằng, điều này khó thực hiện, nên chăng, cần tuân thủ theo cơ chế thị trường.

Bán SGK phổ thông mới theo giá cũ: Chuyên gia kêu khó - 3

Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

 Bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc tính toán giá SGK phải hài hoà lợi ích doanh nghiệp, người cung cấp SGK và nhu cầu của người sử dụng.

Nhóm được nhà nước bao cấp sẽ sử dụng sách như thế nào? Ví dụ miễn phí hoặc hỗ trợ nhà trường mua sách rồi cho học sinh thuê, quay vòng cho khóa sau tiếp tục học lại. 

Về phía đơn vị cung cấp, cần có định hướng của Nhà nước về việc đầu tư chừng mực ở mức độ nào nếu không cho phép giá vượt sách hiện hành. Bởi nội dung của sách, trí tuệ hội tụ của tri thức là điều quan trọng nhất.

Doanh nghiệp có vai trò quan trọng để thích ứng thị trường. Nếu giá sách quá cao, không phù hợp với thu nhập của người dân hiện tại thì rất khó thực hiện.

Bán SGK phổ thông mới theo giá cũ: Chuyên gia kêu khó - 4

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên sách giáo khoa Cánh diều 

Không thể làm vì bị lỗ

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên sách giáo khoa Cánh diều cũng khẳng định, giá SGK là một trong những yếu tố để phụ huynh lựa chọn, vì vậy các NXB cần tính toán kỹ.

Giá sách lên tới 200.000 đồng đến 250.000 đồng/bộ không phải cao so với chi tiêu của một gia đình. Học sinh khó khăn từ trước đến nay vẫn được chính sách hỗ trợ. Ví dụ, dự án đổi mới chương trình SGK mới sử dụng 4,5 triệu USD vay của Ngân hàng thế giới để cung cấp sách từ lớp 1 đến lớp 12 cho học sinh vùng khó.

Chuyên gia này cho hay, những hình ảnh trong SGK phổ thông mới không phải minh họa mà là công cụ để học. Nếu sách Mỹ thuật hay Toán, Tiếng Việt không có màu sắc thì không thể học được.

“Nhà nước định giá sách chương trình phổ thông mới bằng sách hiện hành thì sẽ không ai làm bởi bị lỗ. Khi đó NXB sẽ không in sách, tác phẩm sẽ không đến được với học sinh”, GS Thuyết nói.

Bán SGK phổ thông mới theo giá cũ: Chuyên gia kêu khó - 5

Ông Ngô Trần Ái - Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam

Đồng tình với ý kiến trên, ông Ngô Trần Ái - Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, SGK là văn hóa đặc biệt, cũng là hàng hóa, cần tuân theo luật kinh tế thị trường.

SGK mới đẹp, bắt mắt, khổ sách lớn và in nhiều màu hơn sách cũ. Vì vậy, nếu để sách theo giá cũ sẽ bị lỗ, không thể làm được.

Được biết đơn vị này đã kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ GD&ĐT xem xét lại vấn đề về giá.

Về đề xuất sẽ in nhiều loại sách màu/đen trắng, với nhiều mức giá khác nhau để các đối tượng học sinh lựa chọn, cũng bị nhiều chuyên gia phản đối.

Chuyên gia cho rằng, điều đó khiến học sinh trong lớp có phân biệt đối xử giữa các đối tượng giàu/nghèo qua các bản sách.

Bán SGK phổ thông mới theo giá cũ: Chuyên gia kêu khó - 6

Bà Đỗ Thị Thanh Hà - Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Bà Đỗ Thị Thanh Hà - Viện trưởng Viện Dư luận Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đồng tình về việc nên tuân theo quy luật kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, nếu gia đình nào có điều kiện thì sử dụng bản in 4 màu, không có điều kiện sẽ sử dụng bản in ít màu hơn, vậy vô hình chung xuất hiện sự không công bằng trong một ngôi trường. Vô hình chung chúng ta tạo ra sự phân biệt đối xử giữa những đứa trẻ.

Tại toạ đàm, PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Đào tạo Trường Đại học Thành Đông cho hay, cần “liệu cơm gắp mắm”, không thể so cái cũ với cái mới.

Thế nhưng quan trọng cơ sở định giá như thế nào, đối với trẻ em SGK có bảo trợ hay không? Nếu có hỗ trợ thì lấy từ nguồn nào?

“Học sinh có thể mua riêng SGK hoặc nhà trường mua cho thuê lại hoặc dùng sách điện tử.

Quan điểm của tôi là định giá sách như thế nào cho hợp lý. Hình thức sở hữu là bán hoặc có những vùng mua rồi cho thuê. Điều mắc mớ là nên căn cứ trên thu nhập bình quân của người dân và nhà xuất bản”, PGS Ngô Trí Long nói.

Mỹ Hà

Dòng sự kiện: Công bố SGK lớp 1

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm